Kinh tế Trung Quốc có nhiều dấu hiệu tích cực

Nhu cầu tín dụng tại Trung Quốc đang tăng, áp lực giảm phát dịu bớt và nhân dân tệ mạnh lên cho thấy thị trường này đang dần ổn định.

Hôm 11/9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố số liệu cho thấy tình hình tín dụng nước này đã cải thiện trong tháng 8. Các tổ chức tín dụng đã cho vay mới 1.360 tỷ nhân dân tệ, cao hơn dự báo của các nhà kinh tế học. Trước đó, PBOC liên tục thúc giục các ngân hàng tăng cho vay.

Số liệu này cho thấy các nỗ lực gần đây của Trung Quốc để củng cố thị trường bất động sản có thể đang kéo nhu cầu vay mua nhà lên cao. Nhân dân tệ hôm qua cũng mạnh lên sau các động thái bảo vệ nội tệ của PBOC.

Đây là các tín hiệu lạc quan mới nhất với kinh tế Trung Quốc. Cuối tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của nước này tăng trở lại sau khi giảm trong tháng 7. Giảm phát tại các nhà máy cũng đã thu hẹp lại.

Bên trong một trung tâm thương mại tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Bên trong một trung tâm thương mại tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Nền kinh tế lớn nhì thế giới đang cố lấy lại đà tăng trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản còn tiếp diễn và niềm tin yếu kéo tụt đà hồi phục. Các số liệu tháng 8 cải thiện cho thấy tháng 7 có lẽ đã là đáy của nước này. Tháng trước, CPI Trung Quốc giảm và dư nợ cho vay của các ngân hàng cũng xuống thấp nhất 14 năm.

Chỉ số CSI 300 trên thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng 0,7% phiên 11/9, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp. Nhân dân tệ cũng mạnh lên sau khi xuống thấp nhất 16 năm so với USD tuần trước. Nguyên nhân là PBOC thiết lập lại tỷ giá tham chiếu ngày và cảnh báo động thái đầu cơ.

Với thị trường bất động sản, chính phủ Trung Quốc cũng đã giảm lãi suất tham chiếu, giảm lãi vay mua nhà và nới lỏng quy định trả trước mua nhà để hỗ trợ đà hồi phục. Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs ước tính các chính sách công bố đến nay có thể kéo GDP Trung Quốc lên thêm 0,6%.

"Các chính sách mới đã giúp nền kinh tế ổn định lại. Mấu chốt hiện tại là đà tăng trưởng có thể duy trì trong bao lâu", Zhang Zhiwei – kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận xét trên Bloomberg.

Câu hỏi lúc này là liệu lĩnh vực bất động sản của nước này có thể xảy ra bước ngoặt, từ đó kéo niềm tin trong nền kinh tế lên hay không? Goldman Sachs thì cho rằng "các chính sách gần đây có thể tạo ra sức tăng ngắn hạn về giao dịch bất động sản, nhưng chưa đủ để ổn định thị trường địa ốc".

Họ dự báo sắp tới Trung Quốc tung nhiều chính sách nới lỏng nữa, như giảm lãi suất hay biện pháp khác hỗ trợ thị trường bất động sản, nếu doanh số bán nhà tiếp tục giảm và tăng trưởng chậm lại.

Tháng trước, các khoản vay mới của hộ gia đình nước này tăng lên. Tuy nhiên, chúng hiện vẫn kém xa mức kỷ lục tháng 8/2022 và mức trước đại dịch. Ming Ming – kinh tế trưởng tại Citic Securities cho rằng việc cải thiện cho vay nói chung còn phụ thuộc lớn vào hoạt động phát hành trái phiếu của các chính quyền địa phương.

Các chính quyền địa phương tại Trung Quốc tăng tốc đi vay để có vốn chi cho các dự án cơ sở hạ tầng. Dù điều này có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nó cũng sẽ gây sức ép lên các thị trường tài chính.

Kinh tế Trung Quốc cũng chưa hoàn toàn thoát rủi ro. Có nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng ngành dịch vụ đang giảm sút. Trước đó, đây là động lực cho phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Trong bối cảnh sản xuất và bất động sản đi xuống, một số thành phần của kinh tế này vẫn bùng nổ, như xe điện, điện mặt trời, điện gió và pin. Trong các lĩnh vực này, đầu tư và xuất khẩu tăng trưởng ở mức hai chữ số.

Du lịch và nhà hàng cũng đang bùng nổ so với thời kỳ phong tỏa năm ngoái. Starbucks ghi nhận doanh thu tăng 46% tại Trung Quốc quý trước. Các chuyến bay nội địa hiện bận rộn hơn 15% so với tiền đại dịch. Để duy trì sức tăng trưởng này, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể phải cần thêm chính sách thúc đẩy chi tiêu của các hộ gia đình.

Áp lực giảm phát cũng chưa biến mất hoàn toàn. Chỉ số giá tiêu dùng nước này hiện vẫn kém xa mục tiêu 3% cả năm.

Các nhà phân tích đều đang thận trọng. Hôm qua, PBOC tuyên bố sẽ bảo vệ đồng nhân dân tệ. Theo Alex Loo - chiến lược gia vĩ mô tại TD Securities, điều này cho thấy họ "sẽ không thể đứng ngoài".

Tuy nhiên, ông cho rằng cơ quan này có thể cần hành động thêm nữa để duy trì sự hưng phấn trên thị trường. "Nếu không có thêm hỗ trợ tài khóa đáng kể từ giới chức, nhân dân tệ không thể đảo ngược xu hướng giảm và đà tăng cũng chỉ kéo dài trong ngắn hạn", ông kết luận.

Nguồn: Vnexpress

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm