Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Đột phá trong tư duy kiểm tra, giám sát
Trong Quy định số 22 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành có đề ra nguyên tắc mới, là phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, thưa ông?
Đây là một sự thay đổi rất lớn về quan điểm cũng như tư duy trong kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật của Đảng. Bởi nguyên tắc kỷ luật của Đảng lâu nay luôn công minh, chính xác, kịp thời. Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện tại, chúng ta thấy, có nhiều cán bộ, đảng viên có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Trong khi các quy định của Đảng và Nhà nước đôi khi chưa bao trùm hết, chưa theo kịp, vì thế nếu soi chiếu theo đúng nguyên tắc sẽ có những vấn đề nhất định về tính kỷ luật. Những trường hợp đó khi bị tố cáo, khiếu nại, nếu xem xét một chiều có thể có vi phạm. Song nếu xem xét một cách đa chiều, thấu tình đạt lý thì phải bảo vệ họ.
Ông Vũ Quốc Hùng |
Vậy khi tiến hành thực tế kiểm tra, giám sát, cần làm gì để vừa bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung song vẫn giữ được tính nghiêm minh kỷ luật của Đảng?
Trước tiên phải xem động cơ của những cán bộ, đảng viên đó có đúng không, việc làm có trong sáng không? Những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nhiều khi đưa ra các quyết định có thể chưa phù hợp với quy định hiện hành, chưa phù hợp với nhận thức của tập thể…
Trong trường hợp đó, người làm công tác kiểm tra phải xem xét một cách thấu tình đạt lý. Nếu thấy rằng, việc làm đó trong sạch, động cơ trong sáng vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, của người dân thì phải bảo vệ họ. Chứ nếu máy móc, thấy làm khác là kỷ luật, xử phạt thì không những trái với nguyên tắc của Đảng mà còn làm thui chột đi những sáng kiến, những đổi mới, đột phá.
Trường hợp của ông “khoán hộ” Kim Ngọc để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Làm sao việc xử lý kỷ luật vẫn bảo đảm nghiêm minh, chính xác, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” nhưng cũng không làm “thui chột” tư duy sáng tạo, đổi mới, hành động vì lợi ích chung của đất nước, của người dân.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư
Kiểm tra, giám sát là phải thấy được những tích cực trong đổi mới, sáng tạo, từ đó góp ý cho chính người người thực hiện, cũng như góp ý cho các cơ quan, tổ chức để sửa đổi cơ chế, chính sách và nhân rộng mô hình đó ra.
Có thể nói, việc đưa nguyên tắc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung vào quy định kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng là hết sức đúng đắn. Việc này, vừa bảo đảm được tính nghiêm minh, thấu tình đạt lý trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật của Đảng, mà vẫn bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Theo Quy định 22, khi đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức Đảng có thẩm quyền chủ động kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, không chờ kết luận, tuyên án của tòa hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán? Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Thực ra quy định đó không mới. Trước đây, chúng ta đã thực hiện để bảo đảm tính công minh, chính xác, kịp thời. Hồi tôi còn đang công tác, phải ký đình chỉ sinh hoạt Đảng, xử lý cán bộ khi thấy vi phạm đã rõ, chứ nếu chờ họp hành, ban hành kết luận thì đôi khi sẽ không bảo đảm tính kịp thời.
Cảm ơn ông!
Nguồn Tienphong