Công ước số 98 mang lại môi trường làm việc ổn định cho người lao động tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết: Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể đã được Quốc hội thông qua. Hiện Việt Nam gia nhập 25 công ước quốc tế, trong đó có 7 trong số 8 công ước cơ bản về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong Lao động của tổ chức ILO. Việt Nam là quốc gia thứ 167 thông qua Công ước số 98 và đang nghiên cứu để xúc tiến gia nhập công ước thứ 8 của ILO.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), việc đảm bảo các quyền thương lượng cho người lao động, công đoàn cũng như quan hệ hài hòa với quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư là nguyên tắc quan trọng, đảm bảo thực hiện những điều kiện khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Để thực hiện có hiệu quả Công ước số 98 trên thực tế, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, gồm tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 98; nghiên cứu, xây dựng các mô hình quan hệ lao động khả thi và hiệu quả trên cơ sở thương lượng tập thể được thúc đẩy thực hiện một cách thực chất và hiệu quả trên thực tế; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho các bên liên quan đến thương lượng tập thể; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ cho công tác thương lượng tập thể đạt hiệu quả.

Cam kết ILO đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Công ước số 98, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee cho biết: Công ước số 98 là một trong 8 công ước cốt lõi của ILO trong khuôn khổ Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc cơ bản trong lao động. Tất cả các quốc gia thành viên ILO có nghĩa vụ tôn trọng và áp dụng các nguyên tắc được đề cập trong Tuyên bố 1998. Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc gia nhập Công ước 98 có ý nghĩa quan trọng trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý, kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, Việt Nam đã luật hóa nhiều quy định trong các công ước của ILO. Đó là kết quả của sự hợp tác trong nhiều năm qua giữa Chính phủ Việt Nam và ILO. Với việc tham gia Công ước số 98, Việt Nam tiếp tục tiến tới đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế - ông Chang Hee Lee đánh giá.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư thứ Nhất, Phó trưởng ban Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bartosz cũng cho rằng, việc gia nhập Công ước số 98 mang đến môi trường làm việc ổn định cho người lao động, góp phần đem lại sự thịnh vượng cho Việt Nam. “Với việc Việt Nam chuẩn bị thực hiện các nội dung cho sự phát triển bền vững về thương mại đã cho thấy Việt Nam có rất nhiều những nỗ lực tương đồng như các quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản”, ông Bartosz nhấn mạnh.


Nguồn: Báo Tin Tức TTXVN

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm