Đại gia công nghệ Trung Quốc vung mưa tiền sau dịch Covid-19

Sau khi kiềm chế được dịch Covid-19, Trung Quốc đã cho phép mở cửa trở lại các ngành sản xuất, dịch vụ. Nhiều đại gia công nghệ tại Trung Quốc cũng bắt đầu hoạt động và sẵn sàng đổ khoản tiền lớn đầu tư vào những mảng kinh doanh quan trọng.

Alibaba đầu tư gần 30 tỷ USD cho nền tảng đám mây

Theo SCMP, bộ phận khoa học dữ liệu Alibaba Cloud của Alibaba đã sẵn sàng đầu tư 200 tỷ tệ (tương đương 28,2 tỷ USD) trong 3 năm tới cho nền tảng đám mây để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Trung Quốc.

Khoản đầu tư lớn của Alibaba sẽ tập trung vào các nền tảng, hạ tầng đám mây. Ảnh: SCMP.

Khoản tiền này sẽ được đầu tư cho các thiết bị mạng, máy chủ, phát triển chip và hệ điều hành, theo thông báo của Alibaba.

"Dịch Covid-19 đã làm tăng áp lực lên nền kinh tế ở nhiều ngành nghề, nhưng cũng giúp chúng tôi tập trung hơn vào nền kinh tế số. Bằng cách tăng đầu tư vào hạ tầng đám mây và các công nghệ nền tảng, chúng tôi hy vọng tiếp tục cung cấp dịch vụ máy tính đẳng cấp và đáng tin cậy giúp các công ty đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số", Jeff Zhang, Chủ tịch Alibaba Cloud Intelligance chia sẻ.

Theo SCMP, nền tảng của Alibaba Cloud được sử dụng rộng rãi trong các viện nghiên cứu để phân tích ảnh chụp CT, trình tự gen và nhiều dịch vụ liên quan chống dịch Covid-19.

"Điện toán đám mây cung cấp khả năng phản ứng nhanh hơn đối với dịch Covid-19. Chúng giúp các tổ chức triển khai nhanh hơn, có thể thực hiện những công việc phân tích dữ liệu lớn và tốn nhiều tài nguyên hơn", ông Yih Khai Wong, nhà phân tích của Canalys viết trong báo cáo về điện toán đám mây của công ty này.

Cùng với khoản đầu tư nói trên, Alibaba Cloud cũng công bố khoản hỗ trợ trị giá khoảng 30 triệu USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn cầu.

Theo báo cáo của Canalys, chi tiêu cho hạ tầng đám mây tại Trung Quốc đã tăng tới 63,7% trong năm 2019, và con số này sẽ tiếp tục tăng trong 2020.

Pinduoduo chi tiền tỷ để phát triển ở nông thôn

Công ty thương mại điện tử đứng thứ ba thị trường Trung Quốc Pinduoduo cũng công bố khoản đầu tư lên tới 50 tỷ tệ (khoảng 7,1 tỷ USD) hướng tới các vùng nông thôn tại Trung Quốc.

Khoản đầu tư này được dàn trải trong 5 năm, với mục tiêu tạo ra một "hạ tầng mới" để thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp. Theo chia sẻ của Pinduoduo, công ty này muốn tạo ra một triệu shop online cho mặt hàng nông nghiệp.

Vùng nông thôn tại Trung Quốc là chiến địa của những công ty thương mại. Trong ảnh là một nông dân đang livestream bán hàng trên Taobao. Ảnh: Taobao.

Thị trường sản phẩm nông nghiệp trực tuyến tại Trung Quốc được dự báo có giá trị tới 800 tỷ tệ trong 5 năm nữa. Với vị thế là nền tảng giao dịch lớn nhất cho sản phẩm nông nghiệp tại Trung Quốc, Pinduoduo đang nhắm tới thị trường "trên 1.500 tỷ tệ", theo ông Sun Qin, đồng sáng lập công ty.

Từ khi thành lập vào năm 2015, chiến lược kinh doanh của Pinduoduo đã xoay quanh những thành phố nhỏ tại Trung Quốc. Chiến lược này đang tỏ ra hiệu quả khi không phải siêu đô thị, vùng nông thôn mới là chiến địa quan trọng nhất của các công ty thương mại điện tử hiện nay.

Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Qianzhan Industry Research Institute, thương mại điện tử tại vùng nông thôn có thể đạt doanh thu 1,7 nghìn tỷ tệ trong năm 2020.

Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho thấy từ năm 2014-2017, thương mại điện tử tại các vùng quê tăng trưởng gần 7 lần. Số người dùng Internet tại những vùng nông thôn tính tới tháng 6/2019 là 225 triệu người.

Chiến lược tập trung vào nông thôn giúp Pinduoduo tăng trưởng thần kỳ chỉ sau vài năm. Ảnh: Reuters.

Tất nhiên, những đối thủ của Pinduoduo cũng không để yên cho công ty này tung hoành. Alibaba đã lập nên hàng nghìn "làng Taobao", các nhóm bán hàng nhỏ tại vùng nông thôn Trung Quốc. JD.com cũng đi theo chiến lược nhóm tương tự, tập trung hơn vào công nghệ như sử dụng drone để tăng năng suất nông nghiệp.

Ngoài vùng nông thôn, Pinduoduo cũng thể hiện mong muốn đầu tư vào các nền tảng bán lẻ khác. Nhà bán lẻ điện tử Gome hôm 19/2 cho biết Pinduoduo sẽ mua 200 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của công ty, và có khả năng chuyển số tiền đó thành 5,6% cổ phần tại Gome.

Thương vụ mua trái phiếu này có thể mang lại lợi ích đáng kể cho cả dịch vụ ngoại tuyến của Pinduoduo lẫn nền tảng thương mại điện tử của Gome.


Nguồn: Báo Zing

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm