Đại sứ Mỹ xúc động kể về chuyến thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả VietNamNet ngày 8/7, Đại sứ Daniel Kritenbrink kể, bất kể nơi nào ông đi trên khắp Việt Nam, ông đều nhận được sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp dành cho bản thân và gia đình.

“Với chuyến thăm tới nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tháng 8/2019, cá nhân tôi, đây là chuyến thăm xúc động nhất, có ý nghĩa nhất mà tôi từng có. Tôi hy vọng rằng, chuyến đi này của tôi đã đóng góp một phần nhỏ bé nào đó vào nỗ lực chung xây dựng mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Đó là trải nghiệm rất xúc động và sâu sắc đối với tôi, cả về tư cách cá nhân và tư cách Đại sứ. Mục tiêu của tôi trong các hoạt động đó là muốn thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh đối với tất cả những người đã hy sinh vì lòng yêu nước. Chúng tôi cũng muốn thể hiện các nỗ lực hòa giải. Qua chuyến đi đó, chúng ta cùng gác lại quá khứ để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương”, Đại sứ cho biết.

Đại sứ Mỹ thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị

Ông khẳng định, tăng cường mối quan hệ hôm nay là xây dựng được tương lai cho sau này. Để làm được điều đó, cần ứng xử có trách nhiệm với những chuyện đã xảy ra trong quá khứ.

Ông cho biết, Mỹ vẫn đang tiếp tục nỗ lực xử lý các vấn đề chiến tranh để lại, ví dụ tìm kiếm hài cốt, binh lính mất tích ở cả hai phía, rà tháo bom mìn còn sót lại, xử lý dioxin sau chiến tranh, điều trị cho những người khuyết tật ở Việt Nam.

“Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng tôi giữ nguyên cam kết cùng nhau hợp tác xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, làm cho cuộc sống của nhân dân hai quốc gia trở nên tốt đẹp hơn”, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh.

Mỹ cam kết xử lý các vấn đề chiến tranh để lại

Chia sẻ về các dự án để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh và hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh. Đại sứ Kritenbrink khẳng định, Mỹ có cam kết chắc chắn đối với xử lý các vấn đề chiến tranh để lại.

Việc tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh là nội dung nền tảng xây dựng mối quan hệ song phương. Đây là nội dung hợp tác đầu tiên giữa hai quốc gia. Và đây là hoạt động cầu nối đưa hai quốc gia quay trở lại với nhau. Ông cho biết, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ sẽ ký kết với Việt Nam về việc hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm hài cốt của các liệt sỹ.

“Chúng tôi cũng đang tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc xử lý dioxin. Chúng tôi cũng rất tự hào về các nỗ lực hợp tác với phía Việt Nam để tháo dỡ bom mìn ở tỉnh Quảng Trị sau chiến tranh.

Năm ngoái, chúng tôi cũng đã công bố việc mở rộng các hoạt động hỗ trợ điều trị cho những người khuyết tật Việt Nam tại 8 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dioxin”, ông nói.

Cựu binh Việt - Mỹ cùng nhau đi trên cầu Hàm Rồng

Theo Đại sứ Mỹ, các hoạt động tiếp xúc giao lưu với các cựu chiến binh Việt Nam là hoạt động rất quan trọng.

Ông kể, ba năm trước, khi bắt đầu làm việc ở Việt Nam, ông được khá nhiều bạn bè tư vấn rằng để thúc đẩy nỗ lực hòa giải và xây dựng tình hữu nghị giữa hai quốc gia thì một trong những phương cách là làm việc và tiếp xúc nhiều với các cựu chiến binh.

Đại sứ Kritenbrink, phái đoàn của Đại sứ quán Mỹ và các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ, đại diện tỉnh Thanh Hóa chụp ảnh kỷ niệm trên cầu Hàm Rồng

Ông đã có những cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh, trong đó có những người thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam, và các hội Cựu chiến binh ở khắp các tỉnh thành.

“Trong các cuộc gặp, chúng tôi đều có những hoạt động để chia sẻ về quan điểm, suy nghĩ cũng như các hoạt động chung để thúc đẩy hàn gắn.

Cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã tới cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Trong chiến tranh, đó là điểm giao tranh ác liệt, rất nhiều trận chiến đã diễn ra ở đó. Chúng tôi gồm các cựu chiến binh Việt Nam, các cựu chiến binh Mỹ, tôi và các đồng nghiệp đã cầm tay nhau cùng đi trên cây cầu ấy”, Đại sứ Kritenbrink cho biết.

Đại sứ Mỹ cho rằng, Việt Nam thực hiện công tác phòng chống Covid-19 rất hiệu quả

Trong khó khăn mới biết ai là bạn

Đánh giá về nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam, Đại sứ Mỹ cho rằng, đại dịch đang là thách thức rất lớn đối với tất cả các nước và ảnh hưởng nhất định đến các sự kiện Đại sứ quán Mỹ dự kiến tổ chức trong năm nay.

“Nhưng một điều thú vị là, chính đại dịch cũng cho thấy hai nước chúng ta có thể hợp tác đến mức nào và có quan hệ gần gũi đến mức nào”, ông nhấn mạnh.

Theo Đại sứ, trong hơn 20 năm qua, Mỹ đã hợp tác liên tục với Việt Nam để hỗ trợ nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Tính đến nay, Mỹ hỗ trợ Việt Nam hơn 700 triệu USD cho các hoạt động này. Riêng đối với hoạt động hỗ trợ phòng chống Covid-19 là hơn 13 triệu USD.

Ông nói: “Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng hỗ trợ Mỹ rất nhiều. Tôi rất xúc động khi người dân và các tổ chức Việt Nam đã đóng góp rất nhiều hỗ trợ người dân Mỹ.

Trong những thời điểm khó khăn, chúng ta mới biết ai thực sự là bạn. Thời điểm này, chúng tôi thấy Việt Nam là một trong những người bạn tốt nhất của Mỹ. Chúng tôi vô cùng xúc động khi hàng ngàn người dân và tổ chức ở Việt Nam đã quyên tặng khẩu trang và trang thiết bị bảo hộ y tế giúp ích cho Mỹ.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã thực hiện công tác phòng chống Covid-19 tốt nhất thế giới, thu được rất nhiều hiệu quả. Và như vậy, hôm nay chúng ta có thể gặp nhau trực tiếp như thế này và thực hiện tiếp các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong 6 tháng cuối năm nay”.

Đại sứ đánh giá, hợp tác y tế giữa 2 bên trong dịch Covid-19 rất tích cực. Trong phái đoàn ngoại giao Mỹ hiện nay, đội ngũ đông đảo nhất là đội ngũ về y tế, với hơn 100 nhân sự chuyên trách về các hoạt động y tế và hợp tác với Việt Nam.

Đại sứ tin tưởng, với tất cả những gì hai nước đã có được trong 25 năm qua, Việt 0 Mỹ sẽ đạt được những thành tựu khác trong 25 năm tới.

“Với Mỹ và Việt Nam, mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai bên là không có giới hạn nào cả”, ông khẳng định.


Nguồn: Báo VietnamNet

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm