Đầu tư cổ phiếu - cuộc hành trình thuận lợi trong năm 2017

>> Xem thêm: Đầu tư chứng khoántư vấn đầu tư

Tình hình đầu tư cổ phiếu trong năm 2017

Thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và đầu tư cổ phiếu nói riêng đã kết thúc cuộc hành trình năm 2017 với sự thành công vượt bậc. Thị trường đón nhận rất nhiều đợt bứt phá của từng nhóm cổ phiếu. Mặc dù có thời điểm phải chịu áp lực rung lắc mạnh nhưng thị trường vẫn đứng vững và liên tục đi lên. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, VN-Index đứng ở mức 984,24 điểm, tương ứng tăng 319,37 điểm (48%) so với cuối năm 2016. Tương tự HNX-Index cũng tăng đến 36,74 điểm (46%) lên 116,86 điểm.

Tính chung cả năm, số cổ phiếu tăng trên cả hai sàn niêm yết HOSE và HNX áp đảo hoàn toàn và trong số này có những cổ phiếu sẽ giúp tài khoản nhà đầu tư nhân lên gấp đôi, gấp ba thậm chí là gấp 10 lần.

Tính riêng cho sàn HOSE, trong số 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thì có đến 9 mã tăng hơn 200% và như thường lệ, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và có yếu tố thị trường cao mới đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ như vậy.

Top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường 

Dẫn đầu danh sách này là cổ phiếu KAC của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An. Kết thúc năm 2017, KAC đứng ở mức 21.250 đồng/CP, tương ứng gấp gần 5 lần so (tăng 396,5%) so với thời điểm cuối năm 2016 (4.280 đồng/CP). Giá cổ phiếu KAC tăng mạnh trong bối cảnh không có quá nhiều thông tin tích cực. Việc tăng giá của cổ phiếu KAC hình thành nên bởi các phiên giao dịch vài trăm đơn vị hay cao nhất cũng chỉ vài chục nghìn cổ phiếu. Thậm chí nếu nhìn vào kết quả kinh doanh trong cả 3 quý vừa qua của KAC có thể thấy được doanh nghiệp này liên tục chìm trong thua lỗ (quý I lỗ 1,56 tỷ đồng, quỹ II lỗ 1,55 tỷ đồng và quý III lỗ 1,8 tỷ đồng). Đáng chú ý, có thời điểm trong năm 2017, giá cổ phiếu KAC còn đạt mốc 34.000 đồng/CP.

Diễn biến giá cổ phiếu KAC trong năm 2017

Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú (APC) nổi lên như là một hiện tượng của thị trường. APC tăng đến 356% (gấp 4,56 lần) so với giá cuối năm 2016. Khác với KAC, giá cổ phiếu APC đi lên được cho là nhờ vào tình hình khả quan của bản thân doanh nghiệp này. Nếu như năm 2012, biên lãi gộp của An Phú chỉ là 46% thì đến 9 tháng đầu năm 2017 tăng lên 70%. Tính riêng quý III/2017 thì biên lãi gộp của APC lên tới 72%. 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế của APC đạt 47 tỷ đồng – tăng 63% so với cùng kỳ năm trước – con số này đã vượt qua kết quả kinh doanh cả năm 2016 và kế hoạch kinh doanh năm 2017 (34,36 tỷ đồng).

Diễn biến giá cổ phiếu APC trong năm 2017

Bên cạnh đó, ba cổ phiếu cũng tăng giá trên 300% là ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt, LDG của Công ty Cổ phần Đầu tư LDG và QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Trên sàn HNX, con số còn ‘khủng khiếp’ hơn rất nhiều. Tiêu biểu nhất trong số này đó chính là cổ phiếu DL1 của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai.

Diễn biến giá cổ phiếu DL1 trong năm 2017

Cuối năm 2016, DL1 chỉ có giá 6.572 đồng/CP nhưng kết thúc năm 2017, DL1 leo lên đến 67.700 đồng/CP, tương ứng gấp 10 lần (902,7%) – đây là khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư nào cũng mơ ước có được khi tham gia thị trường chứng khoán. DL1 trong năm 2017 gây sốc cho nhà đầu tư bằng quyết định phát hành 84,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bán 10.000 đồng/CP để tăng vốn điều lệ từ 168,9 tỷ đồng lên 1.013 tỷ đồng.

Đứng thứ hai trong danh sách các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HNX là của Công ty cổ phần Suất ăn công nghiệp Atesco với 482%. Cổ phiếu ATS từ mức 2.367 đồng/CP leo lên chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017 ở 61.700 đồng/CP (gấp 5,8 lần). Tình hình kinh doanh của ATS trong 3 quý đầu năm 2017 diễn ra không có gì quá nổi bật, công ty chỉ ghi nhận mức lãi khoảng voài trăm triệu đồng.

Đáng chú ý, cổ phiếu SHS của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội lại có thể đem về khoản lợi nhuận 395% cho nhà đầu tư và đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách kể trên.

Nhìn tổng thể thì không có quá nhiều nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu kể trên trong khoảng thời gian 1 năm, bởi phần lớn là các cổ phiếu có tính thị trường khá cao hoặc không có thanh khoản, hơn nữa bản thân nhiều doanh nghiệp còn chìm trong thua lỗ hoặc kinh doanh không khởi sắc. Nếu có đầu tư vào các cổ phiếu này thường thì nhà đầu tư chỉ nhắm đến ngắn hạn, lướt sóng nên rủi ro tương đối cao khi gặp phải một vài đợt điều chỉnh.

(Theo Pif.vn)

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm