Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong khi thị trường chứng khoán đi xuống

Giá vàng giao tháng 12/2021 tăng lên 1.798,8 USD/ounce, trong khi chứng khoán thế giới đi xuống do ảnh hưởng việc Mỹban lệnh cấm đối với nhà mạng viễn thông China Telecom.

(Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 27/10, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York (Mỹ) tăng do đồng USD yếu đi.

Cụ thể, giá vàng giao tháng 12/2021 tăng 5,4 USD, tương đương 0,3% lên 1.798,8 USD/ounce vào lúc đóng cửa.

Theo trang cung cấp thông tin kinh tế, tài chính và chứng khoán MarketWatch, nhu cầu vàng vật chất của Trung Quốc tăng cũng góp phần hỗ trợ kim loại quý này tăng giá.

Ngoài ra, vàng nhận thêm sự hỗ trợ khi Bộ Thương mại Mỹ ngày 27/10 báo cáo giá trị các đơn đặt hàng hóa lâu bền của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng Chín giảm 0,4% so với tháng Tám trước đó, xuống còn 261,3 tỷ USD.

Giới đầu tư cũng đang ngóng chờ quyết định về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày 28/10 và của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 3/11 tới.

Cũng trong phiên giao dịch này, giá bạc giao tháng 12/2021 tăng 10,3 xu Mỹ (0,43%) lên 24,191 USD/ounce. Còn giá bạch kim giao tháng 1/2022 giảm 13,6 USD (1,32%) xuống 1.019,3 USD/ounce.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/10 giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 58,00-58,72 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Chứng khoán thế giới đi xuống

Thị trường chứng khoán thế giới phần lớn đi xuống trong phiên 27/10 do ảnh hưởng của lệnh cấm của Mỹ đối với nhà mạng viễn thông China Telecom của Trung Quốc và việc Chính phủ Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu, hạ dự báo tăng trưởng đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,7% xuống 35.490,69 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0,5% xuống 4.551,68 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đi ngang ở mức 15.235,83 điểm. Hai chỉ số chính của Phố Wall là Dow Jone và S&P 500 lúc mở cửa phiên đã nới rộng đà tăng đạt được trong phiên trước đó, nhưng sau đó quay đầu giảm.

Thị trường chứng khoán thế giới nhìn chung đã phục hồi từ mức giảm trong tháng 9/2021 khi các nhà đầu tư lo ngại về tình hình lạm phát ngày càng tăng và triển vọng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Báo cáo lợi nhuận khả quan cũng đã hỗ trợ phần nào cho các nhà đầu tư trong những tuần gần đây khi các doanh nghiệp cho thấy “sức đề kháng tốt” khi đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, giá hàng hóa và chi phí lao động, cũng như số ca mắc COVID-19 tăng lên.

Tuy nhiên, cuộc chiến dai dẳng chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục “phủ mây đen” lên các sàn giao dịch khi hai cường quốc này vẫn bế tắc trong một loạt vấn đề liên quan đến vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), an ninh quốc gia, công nghệ, thương mại và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

Trong khi đó, không có dấu hiệu nào cho thấy Quốc hội Mỹ thông qua một thỏa thuận về kế hoạch chi tiêu xã hội có khả năng trị giá 2.000 tỷ USD. Dự luật đề xuất này đã nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều khi có nhà đầu tư cho rằng nó sẽ khiến lạm phát gia tăng, nhưng cũng có nhà đầu tư nhận định dự luật sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, sự chú ý của thị trường cũng đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ sau khi Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ ngày 26/10 đã hủy giấy phép hoạt động của công ty con của China Telecom tại Mỹ, viện dẫn "những rủi ro đáng kể về an ninh quốc gia và thực thi pháp luật."

Động thái mới nhất này được đưa ra sau các động thái tương tự của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các gã khổng lồ viễn thông khác của Trung Quốc là Huawei và China Mobile.

Một phiên giao dịch tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG Asia Pte cho hay vụ việc mới nhất này "dường như đã làm giảm bớt hy vọng trước đó rằng mối quan hệ Mỹ-Trung có thể đang theo chiều hướng tốt hơn."

Tại châu Âu, Chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng xuống 2,6% cho năm nay, phần lớn là do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Trong khi đó, Chính phủ Anh đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 lên 6,5% khi công bố ngân sách, nhưng điều đó không giúp được gì cho chứng khoán London, với chỉ số FTSE 100 đóng cửa giảm nhẹ.

Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,1% xuống 4.220,88 điểm, trong đó chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,3% xuống 7.253,27 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,3% xuống 15.705,81 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,2% xuống 6.753,52 điểm.

Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 27/10, chỉ số VN-Index tăng tới 31,39 điểm lên 1.423,02 điểm. Trước đó, mức cao nhất của VN-Index từng xác lập là 1.420 điểm, ghi nhận vào đầu tháng Bảy. Khối lượng giao dịch đạt hơn 936,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 28.379 tỷ đồng. Toàn sàn có tới 355 mã tăng giá, trong khi có 95 mã giảm giá và 42 mã đứng giá.

HNX- Index tăng 6,56 điểm lên 404,37 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 152,1 triệu đơn vị, tương ứng trên 4.107,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 149 mã tăng giá, 88 mã giảm giá và 114 mã đứng giá./.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/gia-vang-the-gioi-tang-nhe-trong-khi-thi-truong-chung-khoan-di-xuong/749439.vnp

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm