Lãi suất 'làm khó' chứng khoán, bất động sản

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục phá đỉnh, giúp người gửi tiền đồng (VND) hưởng lợi nhưng cũng tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Vấn đề này khiến các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao trên thị trường chứng khoán, bất động sản (BĐS) chật vật, xoay xở.

Không chỉ ngân hàng, mà mức hỗ trợ lãi suất với tiền nhàn rỗi tại các công ty chứng khoán cũng đang ở mức rất cao. Chỉ cần gửi tiền từ 2 tuần trở lên, khách hàng nhận lãi trên 7%/năm và từ 1 tháng trở lên là 8,5%. Kỳ hạn linh hoạt, qua đêm, theo ngày, tuần, tháng,… Mức lãi cao nhất lên tới gần 9%/năm khi gửi theo năm.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục phá đỉnh, giúp người gửi tiền hưởng lợi nhưng cũng tạo áp lực lên lãi suất cho vay (ảnh: Việt Linh).

Với lãi suất đầu vào cao, các công ty chứng khoán cũng rục rịch điều chỉnh lãi suất cho vay ký quỹ (margin). Từ đầu tháng 10, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã tăng lãi suất sản phẩm margin thông thường từ 0,034%/ngày (12,41%/năm) lên 0,037%/ngày (13,5%/năm); Công ty Chứng khoán HSC tăng lãi suất lên 14,5%/năm.

Dư nợ margin tính hết quý III vừa qua tiếp tục tăng hơn 15.000 tỷ (tương đương 10,9%) so với thời điểm cuối tháng 6. Theo thống kê của công ty phân tích dữ liệu FiinTrade, dư nợ cho vay margin tại thời điểm ngày 30/9 đạt hơn gần 153.000 tỷ đồng. Sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua (VN-Index giảm 11,6% trong tháng 9/2022), tỷ lệ đòn bẩy trên thị trường tại thời điểm cuối quý III chạm mức cao nhất trong lịch sử (8,6%). Con số cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ cuối quý I (6,8%) khi dư nợ margin đạt đỉnh hơn 183.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy rủi ro liên quan đến margin vẫn còn khi những diễn biến gần đây trên thị trường chưa cho thấy tín hiệu về sự hồi phục.

Thời gian qua, câu chuyện lãi suất cũng là một trong những yếu tố chi phối tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân thuộc Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, lãi suất dù tăng lên, nhưng thực chất, mặt bằng này mới quay về mức trước dịch (cuối năm 2019).

Với thị trường BĐS, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS (EZ Property) - nhận định, việc lãi suất tăng cao, cùng với siết tín dụng BĐS khiến dòng tiền đang bị thu hẹp. Thanh khoản lập tức giảm, giá giảm và sản phẩm mới ra thị trường cũng giảm.

“Thị trường nợ xấu, các nhà đầu tư cũng chậm lại tiến trình ra sản phẩm mới. Thị trường sắp tới có hiện tượng “tréo ngoe”, không có sản phẩm, không có giao dịch nhưng giá rất cao”, ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản, giai đoạn này chưa có nhiều dấu hiệu cắt lỗ, nhưng trong thời gian tới sẽ thể hiện rõ; sẽ có rất nhiều nhà đầu tư không chịu được áp lực. Với tình hình thị trường như hiện nay, phải hết năm 2023 mới có khả năng tính toán được cái nhìn mới. Cuối năm nay, sang năm tới gần như chưa có tín hiệu tốt cho thị trường BĐS. Phải sang năm 2024, thị trường BĐS mới có khả năng bình ổn lại.

Trong khi đó, ông Đỗ Quý Duy - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát - cho rằng, hiện nay thị trường BĐS đang đi ngang.

Với nhà đầu tư cá nhân, khi nguồn lực tài chính của họ không đủ để vượt qua bão sẽ phải bán ra. Từ nay đến cuối năm, thị trường thứ cấp của nhà đầu tư đã mua cách đây 1- 2 năm sẽ bán ra nhiều. Thị trường này thiếu tính ổn định vì liên quan đến giá bán... Càng hỗn loạn thì các nhà đầu tư bên ngoài sẽ càng chần chừ. Đó là khúc quẩn quanh của thị trường. Tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra những tháng cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023.

Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/10. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên… tăng thêm 1%.

Nguồn: tienphong.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm