Nguồn cơn tranh cãi của Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ

Thái độ chào đón dòng người tị nạn cùng với thúc đẩy nhân quyền và tôn trọng nhóm người thiểu số của Thụy Điển đã khiến nước này trở thành quê hương của khoảng 100.000 người Kurd.

Xung đột về quan điểm đối với các nhóm chính trị người Kurd là trọng tâm trong tuyên bố phản đối NATO mở rộng của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Washington Post.

Thụy Điển, cùng với Phần Lan - hai quốc gia vừa nộp đơn xin gia nhập NATO - là một trong những nước châu Âu sẵn sàng tiếp nhận người di cư chạy trốn xung đột, bao gồm cả người Kurd.

Đối tượng mà Thổ Nhĩ Kỳ nhắm đến là đảng Công nhân người Kurd (PKK). Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đã gọi Thụy Điển là “cái nôi của các tổ chức khủng bố”.

Dân tộc không quốc gia

Người Kurd là một dân tộc Ấn - Âu với dân số ước tính khoảng 35-45 triệu người. Đây được coi là nhóm dân tộc lớn nhất thế giới không có quốc gia, theo Washington Post.

Theo United Citizens of Europe, người Kurd là nhóm sắc tộc lớn thứ 4 ở khu vực Trung Đông. Theo số liệu 2016, người Kurd cư trú chủ yếu ở 4 quốc gia là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Syria. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có số lượng người Kurd lớn nhất, 15-20 triệu người, chiếm tới 19-25% tổng dân số. Theo sau Thổ Nhĩ Kỳ là Iran (10-12 triệu), Iraq (8-8,5 triệu) và Syria (3-3,6 triệu).

Người Kurd đại diện cho một nhóm đa dạng về văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ. Phần lớn người Kurd là người Hồi giáo dòng Sunni, nhưng họ cũng có nhiều giáo phái đại diện khác. Người Kurd cũng không có ngôn ngữ thống nhất. Tiếng Kurd được chia làm nhiều phương ngữ, trong đó phương ngữ chính là Kurmanji và Sorani.

Dù số lượng người Kurd sống ở 4 quốc gia này khá lớn, họ đã chịu nhiều áp bức trong suốt chiều dài lịch sử.

Mặc dù có lịch sử lâu đời, người Kurd không thể thành lập được một quốc gia. Ảnh: Reuters.

Vào đầu thế kỷ XX, người Kurd bắt đầu tính đến việc thành lập quê hương với tên gọi là “Kurdistan”. Sau Thế chiến I và sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, các nước phương Tây thắng trận đã hứa cung cấp cho cộng đồng người Kurd vùng đất của riêng mình theo Hiệp ước Sevres năm 1920.

Tuy nhiên, những hy vọng này đã tiêu tan chỉ 3 năm sau đó. Hiệp ước Lausanne thiết lập ranh giới của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại đã lờ đi lời hứa trước đó với người Kurd. Trong 80 năm tiếp theo, bất kỳ động thái nào của người Kurd nhằm thiết lập một nhà nước độc lập đều bị dập tắt.

Theo Washington Post, người Kurd bị đàn áp ở những quốc gia này theo nhiều cách khác nhau: Bị tước quyền công dân, bị loại khỏi một số ngành nghề, bị cấm đặt cho con cái một số tên nhất định và hạn chế nói ngôn ngữ riêng. Người Kurd không quên giấc mơ có một vùng đất riêng, họ đã nổi dậy.

Tổ chức nổi dậy nổi tiếng nhất là PKK. PKK đã nổi dậy từ những năm 1980 khi tổ chức này tìm kiếm một khu vực tự trị cho người Kurd bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) - nhóm vũ trang thuộc đảng Liên minh Dân chủ ở Syria, thúc đẩy nỗ lực tự trị của người Kurd tại Syria. Đảng này được thành lập năm 2003 như một nhánh của PKK.

Ankara coi YPG là mối đe dọa an ninh vì có quan hệ với PKK. PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, EU và Mỹ coi là tổ chức khủng bố.

Tại các quốc gia khác, người Kurd bị trục xuất khỏi các ngôi làng ở Syria hay bị tấn công bằng vũ khí hóa học ở Iraq. Hiện tại, người Kurd đã thành lập một khu tự trị ở phía bắc Iraq và được hiến pháp nước này công nhận.

Thụy Điển cởi mở với người Kurd

Do hứng chịu cảnh áp bức, cộng đồng người Kurd bắt đầu phân tán đi khắp thế giới, chủ yếu là ở châu Âu và Mỹ. Thụy Điển là quốc gia “giang rộng vòng tay” chào đón những người Kurd. Quốc gia này có cộng đồng người Kurd lớn và luôn bày tỏ sự đồng cảm với nhóm ly khai.

Năm 1975, quốc hội Thụy Điển thông qua đề xuất chính sách đối với người nhập cư và dân tộc thiểu số của chính phủ cựu Thủ tướng Olof Palme. Mục tiêu của luật là để bảo tồn sự đa dạng văn hóa sắc tộc của các nhóm thiểu số và tạo ra bầu không khí tích cực với một xã hội Thụy Điển đa văn hóa. Dân số người Kurd ở Thụy Điển ước tính rơi vào khoảng 85.000-100.000 người.

Theo một số học giả, làn sóng di cư đầu tiên của người Kurd đến Thụy Điển là vào những năm 1950 nhằm tìm kiếm một nền giáo dục tốt hơn. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, người Kurd từ Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển đến Thụy Điển theo diện di cư lao động khi đất nước này phát triển thịnh vượng về kinh tế.

Thụy Điển không chấp nhận người di cư lao động trong những năm 1970. Tuy nhiên, chính phủ nước này công nhận người Kurd là "nhóm bị áp bức về mặt chính trị".

Năm 1971, và sau đó là những năm 1980, làn sóng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đổ đến Thụy Điển với lý do chính trị, sau các cuộc đảo chính quân sự.

Chiến dịch diệt chủng “Al-Anfal” khiến người Kurd ở Iraq phải xin tị nạn ở Thụy Điển. Sau Cách mạng Iran năm 1979, nhiều người Kurd đã chạy trốn khỏi Iran và tìm nơi ẩn náu ở Thụy Điển.

Mặc dù Thụy Điển cởi mở với với một số nhóm chính trị người Kurd, chính phủ nước này vẫn có xu hướng liên kết với chính sách của các quốc gia châu Âu khác. Thụy Điển là quốc gia đầu tiên sau Thổ Nhĩ Kỳ chỉ định PKK là tổ chức khủng bố vào năm 1984.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 18/5 khẳng định sẽ không ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan vào NATO nếu 2 nước này tiếp tục ủng hộ các nhóm mà Ankara coi là khủng bố. Ảnh: AA.

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích quan chức Thụy Điển về cuộc gặp với các chính trị gia người Kurd. Họ nêu ví dụ về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Ann Linde và Elham Ahmad - người đại diện cho PYD, cánh chính trị của YPG.

Việc Thủ tướng Magdalena Andersson được bầu vào năm 2021 một phần là nhờ sự ủng hộ của một thành viên quốc hội người Kurd, Amineh Kakabaveh. Bà chọn phiếu ủng hộ để đổi lấy cam kết tăng cường hợp tác giữa đảng Dân chủ Xã hội của bà Andersson và PYD.

Một tâm điểm căng thẳng khác là Hội đồng Dân chủ Syria (SDC), phe chính trị của một nhóm do người Kurd thống trị ở miền Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng "khủng bố" lãnh đạo SDC, trong khi Thụy Điển cho biết họ hợp tác với SDC, nhưng không hợp tác với YPG hoặc PKK.

Ông Erdogan muốn Thụy Điển và Phần Lan công khai tố cáo PKK và các nhánh của lực lượng này như một điều kiện để gia nhập NATO. Theo các quan chức giấu tên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn Thụy Điển và Phần Lan kiềm chế hoạt động của những nhóm có thiện cảm với PKK.

Một điều kiện khác là Thổ Nhĩ Kỳ muốn Thụy Điển và Phần Lan chấm dứt chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí mà họ áp đặt từ cuối năm 2019.

Theo Washington Post, bất cứ động thái nào đồng tình với ông Erdogan đều có thể không được lòng cử tri Thụy Điển. Chính phủ của bà Andersson có khả năng sẽ không đàm phán về chính sách dẫn độ hoặc xuất khẩu vũ khí. Thay vào đó, Thụy Điển có thể thảo luận với các đồng minh gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ.

Phần Lan mắc kẹt ở giữa

Việc Ankara coi Thụy Điển, chứ không phải Phần Lan, là vấn đề chính khiến các chính trị gia ở Helsinki khó chịu.

Các quan chức Phần Lan đã tích cực đàm phán với các thành viên NATO hiện tại để đảm bảo việc gia nhập diễn ra suôn sẻ trong nhiều tháng, nhưng “không chắc người Thụy Điển đã tận tâm như vậy”, một quan chức nói.

Phần Lan chỉ có khoảng 15.000 người nói tiếng Kurd cư trú. Giới hoạch định chính sách Phần Lan cho biết nước này tuân thủ các chỉ định chống khủng bố của EU, bao gồm cấm PKK.

Phần Lan, giống như Thụy Điển, đã chấm dứt xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019. Trong thập kỷ trước, Phần Lan đã xuất khẩu khoảng 63,2 triệu USD hàng hóa xếp vào mục vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm đạn dược và thiết bị bảo vệ.

Nguồn: https://zingnews.vn/nguon-con-tranh-cai-cua-thuy-dien-va-tho-nhi-ky-post1318622.html

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm