Ông viện trưởng chơi lan đột biến: Tạo 'sóng' phải là 'tay to', chúng tôi chịu

TS Bùi Mạnh Cường bên chậu lan Bạch Tuyết. Ảnh: Vân Đình.

Sự điên rồ của thị trường lan đột biến

Trong đó có một người đã đặt mua 1 cây lan đột biến Ho, 1 cây lan đột biến Phú Thọ, bấm điện thoại chuyển khoản luôn 100 triệu rồi gửi lại nhờ chăm, chờ khi nào hoàn thành vườn thì đón về cùng với một loạt hàng sắp nhập nữa.

Ông Cường cười: “Tôi chẳng hiểu tại sao hai tháng nay giá lan lại tăng đột biến đến thế. Tháng 4 âm năm 2020 tôi mua giò Bạch Tuyết 1 cây mẹ dài cỡ 8cm cùng với mấy ki con giá 370 triệu tương đương 30 triệu/cm, đến tháng 12 âm năm 2020 nó dài ra được 30cm, bán 1,2 tỉ, tức 40 triệu/cm, cùng 2 mầm gốc bán được 200 triệu, tổng lãi 1 tỉ.

Sau 1 tháng, thấy giá Bạch Tuyết tăng nhanh quá nên trước Tết tôi lại bay vào Lâm Đồng mua 2 mầm thức về kích để ra cây. 2 tháng sau chủ cũ của nó bay ra gạ tôi bán cái cây nhỏ, lúc trước mua 300 triệu thì để lại cho ông ấy 600 triệu, còn cái cây lớn hơn tôi giữ lại, đang chào giá hơn 1,7 tỉ đồng. Còn chậu cây “trấn vườn” 5 cánh trắng Phú Thọ này 3 năm trước tôi mua 187 triệu, giờ đã cắt được tổng cộng cỡ 200 ki, mỗi ki bán giá 5-10 triệu tùy từng thời điểm. Cũng lãi nhưng rồi tôi lại dồn tiền mua chậu lan Á Hậu này với giá 3,3 tỉ, tính ra 120 triệu/cm, cứ 3 hôm nó dài thêm được 1 cm…”. Tôi nhìn quanh vườn của ông, với hàng trăm chậu lớn, nhỏ ước chừng tổng giá trị của nó cỡ 8-10 tỉ đồng.

Một góc vườn lan của ông Cường. Ảnh: Vân Đình.

Thế giới chỉ chuộng loại lan quý hiếm hay đột biến hoàn toàn tại sao ở Việt Nam lại thích chơi một mình một kiểu là đột biến một nửa vậy thưa ông?

Đó là bản sắc dân tộc (cười). Đột biến tiếng Anh là mutation còn variation là biến đổi tính trạng do lai hữu tính. Đột biến hoàn toàn rất hiếm còn đột biến một nửa thì lại khá nhiều. Những loại lan đột biến một nửa thì cánh sẽ thể hiện các màu khác nhau. Hơn thế, hoa lan phấn bay theo gió và ong bướm chạm vào cho nên tần suất giao phấn chéo của các dòng phi điệp rất lớn, tạo ra nhiều loại mặt hoa 5 cánh trắng khác nhau, đó là lai hữu tính chứ không phải đột biến. Phần lớn các loại lan mà chúng ta đang gọi không phải là đột biến thực chất.

5 cánh trắng Chùa Tiên trong vườn nhà tôi là một loại đột biến hoàn toàn vì cánh trắng toàn bộ và không có mắt tuy nhiên lại ít người chơi, giá rất rẻ dù nó quý hiếm dưới con mắt của nhà khoa học. Nó như một giống nền để tôi có thể thử lai hữu tính với các dòng khác bằng cách lấy phấn của nó để lai với các loại lan khác hoặc ngược lại.

Sẽ phải mất vài năm, gồm năm đầu để ra hoa rồi cho lai, năm thứ hai có cây con, năm thứ ba mới có mầm cấp hai thử cho ra hoa sớm, rồi năm thứ tư, thứ năm xác định những đặc tính tốt, các cặp tính trạng đối lập nhau…Mới định hướng thế thôi chứ trước mắt tôi phải sưu tầm thêm vật liệu đã.

Một giò lan đột biến hoàn toàn của ông Cường. Ảnh: Vân Đình.

Ông bình luận gì về sự điên rồ của thị trường lan đột biến hiện nay?

Lan là thú chơi truyền thống, trước đây chủ yếu là khai thác ở giá trị nghệ thuật, coi mỗi một bông hoa, một giống hoa là một tác phẩm nghệ thuật. Mà đã là tác phẩm nghệ thuật thì nó vô giá, phụ thuộc vào độ đẹp, độ hiếm và cái “gu” của người chơi, có thể hôm nay thế này, mai thế khác. Nhưng tại sao thị trường lan đột biến lại hóa ra như thế này? Là bởi giờ người ta xếp giá trị nghệ thuật của nó xuống hàng thứ hai sau kinh tế. Và kinh tế được thúc đẩy bởi một nhu cầu quá lớn.

Có hai cách chơi lan hiện nay, thứ nhất là chơi theo xu hướng, tức thị trường đang lái vào cây nọ, cây kia bởi các “tay to” làm thị trường, “thổi” rồi giao dịch để tạo ra những cơn sốt ảo, để mọi người lao theo. Khi “thổi” lên một thời gian, bán được hết hàng, “tay to” buông để “thổi” mặt hoa mới là mặt hoa cũ xuống giá.

Chính kỳ quặc mới tạo nên sự khác biệt, tạo nên nhiều cơ hội còn cứ ổn định, bình bình, không có “sóng” thì sẽ không làm ăn gì được. “Sóng” này chủ yếu do các ông lớn khuấy lên. Ví dụ như 5 cánh trắng Phú Thọ bình thường chỉ 500-800.000đ/cm nhưng một giao dịch 9.000ki trị giá 21 tỉ của chủ vườn ở Bình Dương đã khiến giá Phú Thọ ở miền Bắc lên ngay 1,1-1,2 triệu/cm, ở miền Nam lên ngay 1,6 triệu/cm. Khi vườn lớn bán như thế thì các vườn con bắt đầu đẩy giá lên.

Những nhà vườn nhỏ như tôi chỉ là dạng “té nước theo mưa” nghĩa là thứ nhất phải nắm bắt xu hướng của thị trường, dự đoán sang năm lên cái gì thì đầu tư vào cái đó. Thứ hai phải xem các ông “tay to” “thổi” cái gì thì mình đầu tư theo cái đó. Khi các ông ấy bán hàng tạo ra những đợt “sóng” thì mình theo đó mà đi. Sau một đợt tăng giá, “sóng” đang chìm xuống và đi ngang, có thể hơi chùng xuống để lấy đà năng lượng để tạo nên một đợt mới. Vả lại bây giờ cây trông rất xấu nhưng sắp tới mầm gốc lên, cây sẽ trông rất đẹp, thứ nữa lúc đó các vườn thi nhau xả hàng để thu hồi vốn, vào cây đợt mới.

Cận cảnh chậu lan Bạch Tuyết đang chào giá hơn 1,7 tỉ đồng. Ảnh: Vân Đình.

Quốc dân hóa lan đột biến

Phải cảnh báo như thế nào khi cách đây hơn 1 năm những người vào lan chủ yếu là gói gọn trong giới yêu cây cảnh nhưng giờ thì toàn dân, từ bà bán rau đến cán bộ?

Cũng rất khó. Nhiều báo đài cũng đã cảnh báo rồi nhưng thị trường nó vẫn phát triển. Bảo rằng 5 cánh trắng Phú Thọ sập nhưng tôi thấy từ khi phát hiện ra giống này năm 1973 đến nay gần 50 năm người ta vẫn chơi, vẫn bán được, chỉ phải cái là giá thấp. Bởi thế người mới chơi nên đi vào các mặt hàng “lan đột biến quốc dân” dù giá bán thấp nhưng vừa túi tiền, dễ bán như Phú Thọ, Ho, Hồng Yên Thủy…

Đầu tư theo khả năng tài chính của mình chứ không nên vay mượn bởi nhỡ xuống giá cái là sạt nghiệp. Còn các loại như Bạch Tuyết, Hồng Minh Châu, Á Hậu mà nhất là Bảo Duy, Cờ Đỏ, Người Đẹp Không Tên, Kinh Bắc… thuộc về những phân khúc cao và siêu cao, chỉ có các nhà vườn to giao dịch với nhau.

Từ chuyện nhiều người đầu tư vào chúng ta có quyền mơ về chuyện quốc dân lan đột biến không thưa ông?

Chưa thể vì thứ nhất giá của nó vẫn còn đắt, thứ hai là họ phần lớn vào lan là vì kinh tế chứ không phải chơi. Nếu nói quốc dân thì giá trị nghệ thuật phải đặt lên hàng đầu, mua về phải nuôi ra hoa để ngắm chơi. Ước hiện nay 99% người chơi lan là vì kinh tế và tôi vẫn cũng vậy dù bắt đầu chơi cách đây 3 năm loại hàng lan thân lá.

Phút giây thảnh thơi bên vườn lan. Ảnh: Vân Đình.

Mặt hoa mới phụ thuộc hết vào các ông “tay to”, tiền có hàng trăm tỉ trở lên. Khi họ thấy mặt hoa nào mới là mua vào bằng được, vét sạch không còn một ki để độc quyền rồi bỏ tiền ra làm thương hiệu, làm thị trường, sử dụng một đội quân 5-7 nhà vườn liên kết lại với nhau để tạo sự kiện.

Ví dụ như muốn bán Ngọc Sơn Cước thì tạo sự kiện chuyển nhượng 250 tỉ ở Quảng Ninh chứ mấy năm rồi loại đó không đẩy giá lên được. Cũng giống như Hoa Khôi Quế Phong giờ tất cả những chủ vườn có loại đó dựng một “tay to” lên để làm sự kiện chuyển nhượng, giá bán đắt nhưng tôi thấy nó còn xấu hơn cả 5 cánh trắng Phú Thọ, loại chỉ 1 triệu/cm.

Giao dịch ở những cuộc chuyển nhượng như thế theo tôi có thể là thật nhưng giá thì không đến mức cao như vậy. Khi làm những sự kiện họ tạo ra hai hiệu ứng: Thứ nhất là thông báo với mọi người là tôi có mặt hoa đó, giá như thế; Thứ hai là họ sẽ xả hàng (om sẵn từ hồi giá còn rẻ) để thu lời.

Những mặt hoa lớn như Cờ Đỏ, Kinh Bắc, Đôi Mắt Playcu, Người Đẹp Không Tên đều đã làm sự kiện, đẩy thành công hết rồi, giờ đang nổi lên Hoa Hậu Xứ Mường, mai kia có thêm mặt hoa mới nào thì không biết nữa. Tuy nhiên, có những lúc làm sự kiện nhưng giá cũng chẳng lên được vì dân chơi không ủng hộ như Người Đẹp Bình Dương, SH, Juliet.

Muốn làm “tay to” bắt buộc phải có mặt hoa mới và bỏ tiền ra làm sự kiện. Nếu có mặt hoa mới mà không làm sự kiện thì có khi tàn cuộc rồi vẫn chưa ra được thị trường. Rất nhiều mặt hoa đẹp hiện nay nhưng có giá rẻ như Hà Tĩnh, Nha Trang, Vũng Tàu, Tiên Sa, Đại Tướng, Tuyết Ngọc, Long Điền

Xin cảm ơn ông.

Nguồn Nông Nghiệp

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm