Quá nhiều tiền đổ vào nền kinh tế, Việt Nam liệu có đang phồn hoa giả tạo?

Ông Huỳnh Thế Du cho rằng có ba khả năng gây “ảo giác” hay “phồn hoa giả tạo”.
Ông Huỳnh Thế Du cho rằng có ba khả năng gây “ảo giác” hay “phồn hoa giả tạo”.

Nhiều người giàu lên rất nhanh

Phát biểu tại hội thảo do Viện kinh tế Việt Nam tổ chức sáng nay (18/4), ông Huỳnh Thế Du thẳng thắn đặt vấn đề, liệu Việt Nam có đang phồn hoa một cách giả tạo.

Theo ông Du, nếu nhìn vào GDP bình quân đầu người tính theo USD, mức tăng thu nhập của các hộ gia đình, sự mở rộng của hệ thống tài chính, cũng như tiêu dùng một số mặt hàng xa xỉ sẽ thấy dường như đời sống ở Việt Nam đang khấm khá lên.

Tuy nhiên có ba khả năng gây “ảo giác” hay “phồn hoa giả tạo”.

Khả năng thứ nhất theo ông Du đó là càng lạm phát càng “giàu có”. Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP bình quân đầu người tính theo giá cố định bằng tiền đồng chỉ là 4,9%/năm. Tuy nhiên, do đồng tiền được định giá cao làm cho GDP bình quân đầu người quy đổi sang USD theo giá cố định tăng đến 9,5%/năm.

“Nhờ lạm phát cao mà GDP/người tính sang USD vượt qua ngưỡng 2.000 USD”, ông Du cho biết.

Khả năng thứ hai theo ông Du, là do những khoản “trời cho” từ tham nhũng, “trợ cấp” của người có vốn nêu trên, từ kiều hối hoặc các nguồn khác. Có hai dấu hiệu cho thấy điều này.

Thứ nhất, nếu giả sử toàn bộ lãi tiền gửi tiết kiệm được nhập gốc thì giá trị đến cuối năm 2015 chỉ tăng 2,17 lần, thấp hơn rất nhiều so với 6,6 lần, trong khi các kênh đầu tư chính thức khác đều không hiệu quả.

Thứ hai, thu nhập thực bình quân của các hộ gia đình theo điều tra mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê tăng cao hơn rất nhiều mức tăng GDP/người trong cùng giai đoạn. Điều này chứng tỏ có một lượng tiền rất lớn đến từ đâu đó.

Thứ ba, trục trặc trong số liệu thống kê. Nếu mức tăng trưởng thu nhập hộ gia đình nêu trên là thực thì có nghĩa là người lao động Việt Nam đã được hưởng lợi rất lớn từ tăng trưởng kinh tế - một sự tăng trưởng có tính bao trùm rất cao.

Tuy nhiên, số liệu trong các báo cáo điều tra lao động việc làm cũng của Tổng cục Thống kê lại không ủng hộ điều này. Số liệu cho thấy tiền lương thực bình quân của người làm công ăn lương ở nông thôn và thành thị giai đoạn 2007-2015 chỉ tăng lần lượt là 4,8% và 0,6%/năm, thấp hơn con số tổng thể 5,5%.

Ông Du cho rằng, những con số này mâu thuẫn với nhau và khác biệt rất lớn so với kết quả trong điều tra mức sống.

“Sự phồn hoa hiện nay, như một đồng nghiệp của tôi đã từng đề cập, rất có thể là do dòng vốn quá nhiều đổ vào nền kinh tế làm nhiều người có nhiều tiền chứ thực chất các hoạt động kinh tế tạo ra giá trị không nhiều”, ông Du nhận định.

Theo ông Du, việc một số ít có thể giàu có rất nhanh, để lại hiệu ứng rất tiêu cực vì nó tạo ra tâm lý muốn giàu xổi và những nỗ lực tạo ra giá trị thực sự cho xã hội bị triệt tiêu.

"Thêm vào đó, những bất ổn và đạo đức xuống cấp đang làm cho cả xã hội rơi vào trạng thái bất an. Không biết lúc nào mình có thể gặp bất trắc. Hơn thế, biến đổi khí hậu và những vấn đề môi trường khác cũng đang gây ra những vấn đề hết sức khó lường. Đây không phải là tác động của hội nhập, nhưng chúng là những cú đánh bồi làm cho tình hình phức tạp hơn", ông Du nói.

Lượng tiền khổng lồ tiêu xài hoang phí tạo ra sự èo uột của doanh nghiệp

Ông Huỳnh Thế Du cũng cho biết, một trong những trục trặc của nền kinh tế đó là lượng tiền khổng lồ đã bị tiêu xài hoang phí đã tạo ra rắc rối của hệ thống tài chính và sự èo uột của các doanh nghiệp trong nước.

Theo vị này, tiền gửi tiết kiệm, dư nợ cho vay và giá trị thị trường cổ phiếu trong giai đoạn 2006-2015 đã tăng lần lượt là 6,6; 6,6 và 5,9 lần để đến cuối năm 2015 có độ lớn bằng 121%, 111% và và 31% GDP.

Do cả tiền gửi và cổ phiếu đều có suất sinh lợi thực âm, nên trên thực tế hệ thống tài chính và một bộ phận doanh nghiệp đã được những người có vốn “trợ cấp” rất lớn, ông Du cho biết.

Nếu nhìn tổng thể nền kinh tế thì theo ông Du, không hề thiếu vốn mà là ngược lại. Tuy nhiên, trục trặc là ở chỗ một số ít doanh nghiệp, cá nhân có mối quan hệ hoặc sở hữu các tổ chức tài chính đã có thể huy động vốn rất nhiều và dễ dàng cho các hoạt động đầu cơ, mua bán, sáp nhập hay thâu tóm mà chúng có thể tạo ra suất sinh lợi rất cao nhưng cũng đầy rủi ro.

“Những “kỹ thuật” biến tiền ngân hàng thành của riêng đã được chỉ ra cụ thể trong một số vụ án cũng như phân tích gần đây”, ông Du nhận định.

Trái lại các đối tượng khác, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải chịu lãi suất rất cao. Chính vì vậy theo ông Du, đối với khu vực doanh nghiệp, rất khó tìm được những tên tuổi dựa vào việc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để có cơ hội trở thành các nhà công nghiệp thực thụ.

"Đa phần những cái tên nổi lên gần đây thuộc lĩnh vực khai thác tài nguyên bao gồm cả đất đai", ông Du nói.

Kết luận và đưa ra hàm ý chính sách, ông Huỳnh Thế Du cho rằng đây là lúc Nhà nước cần phải xác định rất rõ vai trò của mình và phân định rạch ròi những vấn đề Nhà nước cần làm.

"Cần tránh việc làm thay thị trường và cần thiết tạo môi trường cho xã hội dân sự phát triển nhằm kiềm chế sự cấu kết giữa các doanh nhân (những người có tiền) và một số quan chức nhà nước (những người có quyền), tạo ra các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm", ông Du nói.

Nguyễn Khánh

Nguồn Dân trí

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm