Quản lý cấp cao từ bỏ công việc thu nhập 2 tỷ đồng/năm để làm giàu từ loại dược liệu ít ai biết, cách tận dụng phế phẩm càng khiến người người kinh ngạc hơn nữa

Năm 2015, Tạ Hữu Vượng (Xie Youwang) đã từ bỏ công việc ở vị trí quản lý cấp cao có thu nhập 2 tỷ đồng/năm (94.000 USD - 600.000 NDT) , bán căn nhà trị giá hàng chục tỷ đồng để lặn lội vào rừng làm giàu bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình.

Năm 2010, số cây đã trồng từ 5 năm trước trong rừng mang lại cho Tạ Hữu Vượng (Xie Youwang) một khoản lợi nhuận “khủng”. Tạ Hữu Vượng cho biết, giờ đây tài sản của anh rơi vào 215 tỷ (9.4 triệu USD - 60 triệu NDT). Rừng cây của anh đã trở thành “rừng vàng” theo đúng nghĩa.

Vậy đây rốt cuộc là loại cây gì và Tạ Hữu Vượng đã kiếm tiền từ loại cây này bằng cách nào?

Tầm nhìn dài hạn của nhà quản trị doanh nghiệp

Trước khi bắt đầu công việc kinh doanh riêng, Tạ Hữu Vượng là quản lý cấp cao của một công ty sản xuất giày da nổi tiếng ở Đông Hoản (Trung Quốc) - thành phố được ví là “công xưởng của thế giới”. Bằng năng lực và kinh nghiệm của mình, anh đã tạo ra lợi nhuận hàng chục tỷ mỗi năm cho công ty.

Tuy nhiên, với tầm nhìn của mình, Tạ Hữu Vượng đã nhận thấy quy trình sản xuất đồ da đang gây ô nhiễm môi trường, nếu không có cách khắc phục, đến một ngày công việc kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ không thể thịnh vượng được nữa.

Vì vậy, Tạ Hữu Vượng đã đi khắp Trung Quốc để tìm hiểu các phương thức sản xuất mới. Cũng chính trong thời gian này, anh đã tìm ra một hướng đi hoàn toàn mới trong sự nghiệp của mình.

Khi đi khảo sát thành phố Trương Gia Giới (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), anh phát hiện ra nơi đây trồng rất nhiều cây đỗ trọng, diện tích trồng lên đến 2000 km2 nhưng lại không có đầu ra, giá trị kinh tế mang lại không cao.

Ban đầu, Tạ Hữu Vượng không biết nhiều về cây đỗ trọng, anh cứ nghĩ đây chỉ là một loại cây lấy gỗ thông thường, mãi cho đến khi được người dân địa phương giới thiệu và tự mình tìm hiểu thêm, anh mới biết cây đỗ trọng là một loại dược liệu quý có từ lâu đời.

Nhìn những cây đỗ trọng mọc khắp núi rừng, Tạ Hữu Vượng đã tìm được lối đi trên con đường lập nghiệp của mình.

Khi trở về Đông Hoản, anh quyết định từ bỏ vị trí quản lý cấp cao, bán bất động sản đang có và xuống vùng núi Trương Gia Giới để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình.

Cây đỗ trọng - dược liệu “vàng”

Qua quá trình tìm hiểu, Tạ Hữu Vượng biết được giá trị chính trong thời điểm đó của cây đỗ trọng đến từ vỏ cây. Sau mỗi lần lột vỏ, cây đỗ trọng sẽ tự phục hồi trong vòng vài năm và cho tiếp tục cho thu hoạch.

Tuy nhiên, giá vỏ cây đỗ trọng trên thị trường dao động rất lớn, có khi vài chục nghìn, có khi vài trăm nghìn một cân. Hơn nữa, chu kỳ sinh trưởng của cây đỗ trọng rất dài, 7 năm mới lột được vỏ, lợi nhuận thu về tỷ lệ nghịch với thời gian và công sức bỏ ra nên nhiều người đã dần từ bỏ công việc này.

Nhưng Tạ Hữu Vượng tin rằng, thời gian lãng phí giữa hai chu kỳ lấy vỏ của cây đỗ trọng hoàn toàn có thể lấp đầy bằng cách tận dụng lá cây đỗ trọng - thứ mà nhiều người cho là “phế phẩm”. Cách tư duy này chính là “chìa khóa vàng” trong sự thành công của Tạ Hữu Vượng sau này.

Anh đã tìm hiểu nhiều y học và nhận thấy các bài thuốc có cây đỗ trọng được dùng với một mục đích chung - chữa thận hư, tăng cường sinh lực. Thậm chí, lá cây đỗ trọng còn có tác dụng bảo vệ gan thận, xoa dịu tinh thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Bằng sự nhanh nhạy của mình, Tạ Hữu Vượng cũng nhanh chóng nhận ra nhu cầu sử dụng sản phẩm từ cây đỗ trọng - một lối đi mới cho cây dược liệu này. Cụ thể, ở các thành phố lớn áp lực cuộc sống vô cùng cao, con người dễ bị căng thẳng, từ đó gây ra các chứng bệnh như mất ngủ, thừa cân, béo phì,... Một số nam giới còn thiếu hụt nội tiết tố nam, sức khỏe giảm sút do căng thẳng. Tất cả các triệu chứng trên đều có thể điều trị bằng lá của cây đỗ trọng.

Có thể nói rằng tư duy làm giàu của Tạ Hữu Vượng rất nhanh nhạy, nhưng muốn làm giàu, chỉ nhanh nhạy thôi là chưa đủ. Sự thành công của “ông trùm” dược liệu còn đến từ sự kiên trì và bạo dạn của vị doanh nhân này.

Hành trình tìm “vàng” từ “phế phẩm” của cây dược liệu quý

Cuối năm 2015, Tạ Hữu Vượng đã bỏ ra 43 tỷ đồng (1,9 triệu USD - 12 triệu NDT) để trồng đỗ trọng ở thành phố Trương Gia Giới. Anh muốn sản xuất trà từ lá cây đỗ trọng nhưng sản phẩm này đã thất bại do quá trình sản xuất không thể loại bỏ được vị đắng của loại dược liệu này.

Năm 2016, Tạ Hữu Vượng một lần nữa đầu tư hơn 14 tỷ đồng (620.000 USD - 4 triệu NDT) để xây dựng một nhà máy sản xuất chè với kỹ thuật pha trà xanh cùng lá đỗ trọng để giảm bớt vị đắng ban đầu. Tuy nhiên, kết quả vẫn không khá hơn là bao.

Không từ bỏ, Tạ Hữu Vượng quyết định đi thăm các nhà máy sản xuất trà ở khắp mọi nơi. Qua nhiều lần tìm hiểu, anh biết ở Thạch Châu (Tín Dương) có một số bậc thầy về trà được ủ men theo phương pháp cổ xưa nên anh đã tự mình vượt núi để tìm hiểu.

Cuối cùng, Tạ Hữu Vượng đã biết đỗ trọng khác với các sản phẩm chè khác, muốn loại bỏ vị đắng không thể chỉ trông chờ vào một lần lên men mà cần phải chú ý đến các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm trong quá trình lên men.

Sau ba năm thử nghiệm miệt mài, trà đỗ trọng của Tạ Hữu Vượng đã thành hình. Những lá trà xanh tươi ban đầu dần chuyển sang màu đen trong quá trình lên men nhiều lần, vị đắng nhạt dần và hương vị độc đáo ngày càng thơm hơn.

Theo khảo sát, hầu hết mọi người mua trà đỗ trọng lần đầu tiên bởi vì nó có tác dụng làm dịu thần kinh, hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ, bồi bổ gan, thận, hạ lipid máu, hạ huyết áp. Nhưng sau khi uống trà đỗ trọng của Tạ Hữu Vượng, khách hàng đều ngạc nhiên vì hương vị dịu ngọt pha chút đắng, khiến người ta muốn nếm thử thật kỹ.

Nhiều lời khen ngợi khiến Tạ Hữu Vượng tự tin vào tương lai phát triển của trà đỗ trọng, anh quyết định quảng bá trà đỗ trọng trên quy mô lớn trên thị trường, chỉ trong một năm, lợi nhuận mỗi năm của trà đỗ trọng đạt 43 tỷ đồng (1,9 triệu USD - 12 triệu NDT).

Mặc dù đã thành công trong lĩnh vực trà nhưng Tạ Hữu Vượng vẫn không muốn từ bỏ vỏ và các cành, lá khác của cây đỗ trọng. Anh cho rằng những loại lá này tuy không thể làm thành trà nhưng dược tính của chúng vẫn còn đó, chỉ cần chúng ta tìm đúng phương pháp thì sẽ có thể biến “phế thải” thành “báu vật”.

Anh xử lý những "chất thải" này, chiết xuất các phần có giá trị, và làm xà phòng, kem đánh răng, mặt nạ và thậm chí một số bã có dược tính của đỗ trọng. Bằng cách này, Tạ Hữu Vượng đã khai thác triệt để giá trị của cây đỗ trọng, nâng giá trị của cây đỗ trọng lên gấp nhiều lần.

Nguồn: https://toquoc.vn/quan-ly-cap-cao-tu-bo-cong-viec-thu-nhap-2-ty-dong-nam-de-lam-giau-tu-loai-duoc-lieu-it-ai-biet-cach-tan-dung-phe-pham-cang-khien-nguoi-nguoi-kinh-ngac-hon-nua-4202221474556827.htm

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm