Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày làm việc thứ 13, Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV
Ra mắt Hội đồng bầu cử quốc gia
Đầu giờ làm việc buổi sáng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH Trần Văn Túy trình bày báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH.
Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH về đề nghị phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.
QH phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trưởng Ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH.
Với 92,96% số đại biểu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.
Phát biểu ý kiến tại lễ ra mắt Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng cảm ơn QH đã tín nhiệm bầu và phê chuẩn các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; đồng thời nhấn mạnh, đây vừa là niềm vinh dự nhưng cũng là trọng trách lớn lao mà Đảng, QH đã tin tưởng giao.
Chủ tịch QH nêu rõ, cuộc bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt để lựa chọn được những người tiêu biểu về đức, về tài, đại diện cho ý chí nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia và địa phương. Sự thành công của cuộc bầu cử QH khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có ý nghĩa đối với kết quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhất là nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng các cấp để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Chủ tịch QH nhấn mạnh, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan, tổ chức hữu quan đoàn kết, thống nhất, nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sáng cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Các ý kiến cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, đối với việc TP Hà Nội xin được điều chỉnh các mức phí, lệ phí hoặc thêm những loại phí mới mà chưa có trong Luật Phí và lệ phí, nhiều đại biểu đề nghị, khi quy định về quyền ban hành phí, lệ phí nên hợp lý, tránh quy định quá cao và cần phải có sự đồng thuận của nhân dân. Bên cạnh đó, Hà Nội cần rà soát kỹ thêm một số chính sách dự kiến ban hành, có đánh giá tác động đầy đủ, bảo đảm sát thực tế, không ảnh hưởng đời sống nhân dân, gây xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tăng nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021-2030.
Các dự án thành phần của Chương trình MTQG là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều đại biểu cho rằng, một số dự án thành phần có nội dung tương tự đang được thực hiện ở Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Vì thế, Chính phủ cần rà soát, chỉ đạo tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đối chiếu với Chương trình MTQG đang xây dựng mới, xác định nội dung cụ thể cho từng chương trình nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, loại bỏ những nội dung trùng lặp, chồng chéo. Về dự án Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) và nhiều đại biểu khác cho rằng, đây là một trong những dự án không thể thiếu trong Chương trình MTQG. Phụ nữ và trẻ em là hai nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và MN. Tuy nhiên, những nhiệm vụ trong dự án mới tập trung cho đối tượng phụ nữ, chưa có chính sách bảo vệ trẻ em. Tỷ lệ trẻ em đồng bào DTTS và MN bị lừa gạt bán sang biên giới, trẻ em bị xâm hại, hôn nhân cận huyết thống… cao hơn nhiều so với vùng khác, gây ra nhiều vấn đề nhức nhối, hệ lụy mà chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung giải pháp, nhiệm vụ hiệu quả đối với phụ nữ, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào DTTS và MN; đồng thời cần lồng ghép bình đẳng giới vào các dự án thành phần khác.
Về nguồn kinh phí thực hiện Chương trình MTQG, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, trước đây chúng ta ban hành một số chính sách song không có nguồn lực bảo đảm, nhất là chính sách cho đồng bào DTTS. Việc bố trí ngân sách T.Ư để bảo đảm thực hiện chương trình này đã khó thì việc bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện càng khó hơn. Vì đa số các tỉnh thụ hưởng chương trình này đều là tỉnh nghèo, đang hưởng trợ cấp từ ngân sách T.Ư. Do đó, đại biểu đề nghị, cần xây dựng lộ trình theo giai đoạn và hằng năm. Đặc biệt, xác định những việc làm cụ thể theo hướng chọn dự án trọng tâm, trọng điểm, những dự án mang tính cấp thiết, đột phá, mang tính dẫn dắt làm trước thay vì thực hiện đồng thời cả 10 dự án; nên tập trung vào các dự án giải quyết được các vấn đề cơ bản, mang tính chất nền tảng, như: đầu tư mạnh hơn cho giáo dục, đào tạo để tạo cái gốc phát triển con người; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất…
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước thì cần quan tâm phát triển đến vùng, cụ thể là hỗ trợ các địa phương lân cận. Thời gian qua, Hà Nội đã hỗ trợ rất nhiều không chỉ cho những địa phương tiếp giáp mà cả những địa phương trong khu vực. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần quan tâm hơn nữa để phát triển vùng Thủ đô như Luật Thủ đô đã quy định.
Đại biểu NGUYỄN SĨ CƯƠNG (Ninh Thuận)
Trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa thật sự được quan tâm, đề ra các giải pháp thiết thực, thỏa đáng. Việc giải quyết vấn đề này còn quy định chung chung, mờ nhạt.
Đại biểu TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH (Hà Nội)
Nguồn: Báo Nhân Dân