Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng 'bốn không' trong quan hệ quốc tế
Quan điểm và chính sách quốc phòng 'bốn không' của Việt Nam nhằm mục đích hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã nêu rõ, chủ trương của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Quan điểm và chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam nhằm mục đích hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, đã xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng, chính sách “bốn không” của Việt Nam đã không phù hợp, thực hiện chính sách “bốn không”, Việt Nam sẽ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế.
Lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam không thể dựa vào bất kỳ liên minh quân sự nào
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng phân tích: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, không ít liên minh quân sự đã ra đời như: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời từ 1949; Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á; Tổ chức Hiệp ước Trung tâm Baghdag; Tổ chức Hiệp ước Trung Đông, (CENTO); Tổ chức Hiệp ước Varsawa do Liên Xô đứng đầu. Như vậy, liên minh quân sự là một vấn đề khá phổ biến với nhiều nước.
Những liên minh quân sự nói trên có thể làm gia tăng sức mạnh quân sự, quốc phòng của các nước thành viên; tạo sự chuyển hóa về thế trận và lực lượng quân sự trên chiến trường; tạo thêm uy tín, vị thế và sức mạnh cho quốc gia tham gia liên minh trong những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ tồn tại các liên minh quân sự trên, tình hình khu vực, thế giới luôn căng thẳng, bởi các liên minh này đối đầu nhau, nhất là khi giữa họ có những mâu thuẫn về lợi ích. Họ công khai hoặc ngầm chạy đua vũ trang, tăng cường sự hiện diện quân sự, đẩy mạnh hoạt động khiêu khích, lôi kéo các quốc gia, khu vực đến gần hiểm họa chiến tranh. Mà Việt Nam chúng ta cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh nóng đó vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước.
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng.
Trong chính sách quốc phòng, Việt Nam, chúng ta chủ trương không liên minh quân sự bởi đó là giải pháp hiệu quả để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam không thể dựa vào bất kỳ liên minh quân sự nào, hiệp ước quân sự nào, càng không thể trông chờ, ỷ lại vào nước ngoài, mà phải bằng chính bản lĩnh, trí tuệ, thực lực, bằng đoàn kết đồng lòng của triệu triệu con người Việt Nam dù sống ở bất cứ đâu trên trái đất này.
“Chúng ta không đứng về bên nào, chúng ta bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam không chấp nhận để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, hoặc là sử dụng một phần lãnh thổ Việt Nam để phát động chiến tranh xâm lược nước thứ ba. Lịch sử hiện đại cho chúng ta thấy rõ, nếu có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình, dễ biến Tổ quốc ta thành mục tiêu tiến công của các thế lực thù địch, ít nhất thì cũng khiến đất nước ta khó tránh khỏi bị lôi kéo vào xung đột, chiến tranh giữa các nước”- Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân phân tích.
Còn theo Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng), sử dụng vũ lực và liên minh quân sự không phải là phương thức tối ưu trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Mà chính đường lối quốc phòng với mục đích tự vệ, hòa bình, chính nghĩa, phù hợp với quyền cơ bản của các quốc gia, dân tộc theo nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc mới là điều mà các quốc gia, dân tộc tiến bộ đều đang hướng tới. Kiên quyết đấu tranh, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và luật pháp quốc tế. Việt Nam không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không phải là Việt Nam tự “trói tay” mình, trái lại, nó có tác dụng “cởi trói” cho chúng ta, cả trong tư duy và hành động để ta có thể suy nghĩ và hành động một cách độc lập, sáng tạo và không bị chi phối, áp đặt bởi yếu tố bên ngoài, tức không bị người khác trói mình.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh thăm, làm việc tại Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng) ngày 19/12/2021.
Mở rộng quan hệ quốc tế nhưng không tham gia liên minh quân sự
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng nhấn mạnh: Chúng ta mở rộng quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế, không hề mâu thuẫn với việc chúng ta không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia. Thực tế thế giới hiện đại cho thấy rõ: Tuy có quan hệ thân thiết với nhau, thậm chí liên minh quân sự với nhau, nhưng khi gặp vấn đề liên quan tới lợi ích quốc gia, dân tộc của nước lớn, họ sẽ xử lý quan hệ với các đồng minh theo triết lý ưu tiên lợi ích của họ là trước hết, là trên hết.
Trên thế giới chưa bao giờ có nước nào có thể hy sinh lợi ích của dân tộc mình chỉ vì lợi ích của một dân tộc khác. Chính vì vậy, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, dù là thời bình hay thời chiến, không thể ảo tưởng trông chờ sự trợ giúp của nước ngoài, không tham gia liên minh quân sự với nước khác. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là mở rộng quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế, đồng thời phải tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, xây dựng thực lực sức mạnh tổng hợp quốc gia, kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè và cộng đồng quốc tế. Việt Nam không chọn bên, không đi theo một cường quốc nào, không dựa hẳn vào một cường quốc nào để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc mình. Chính vì vậy, chúng ta không hề mâu thuẫn khi một mặt mở rộng quan hệ quốc tế, mặt khác chúng ta không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia.
Hội nghị tình báo quân đội các nước ASEAN lần thứ 19 (AMIM-19) ngày 16/3/2022 tại Campuchia.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự cho rằng, liên minh quân sự không phải là giải pháp tối ưu trong bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc. Thứ hai, chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc là thiêng liêng và tối cao, không thể phó thác hoàn toàn cho bên ngoài, dù đó là một đồng minh cường quốc. Thứ ba, không tham gia liên minh quân sự bởi quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ. Thứ tư, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là sức mạnh nội lực của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh của độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Thứ năm, thực tiễn luôn chứng minh điều đó là hoàn toàn đúng. Cho nên, với Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc phải bằng chính bản lĩnh, trí tuệ, thực lực, sức mạnh nội sinh của đất nước, kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Không thể dựa vào bất kỳ liên minh quân sự nào, càng không thể trông chờ vào nước ngoài. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc.
“Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc phải xuất phát từ xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh nội lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Thực tiễn Việt Nam chỉ ra rằng: Khi nào kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, “cả nước chung sức”, “trên dưới đồng lòng”, thì chủ quyền đất nước được giữ vững. Trong tình hình mới, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; làm sâu sắc, hiệu quả hơn đối ngoại quốc phòng, kiên định về chiến lược, linh hoạt về sách lược; đan xen lợi ích và duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn; không để đất nước rơi vào thế bị bao vây, cô lập, lệ thuộc; làm bạn, làm đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đó không những là bài học kinh nghiệm, mà còn là yếu tố căn bản, cội nguồn sức mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững đất nước” – Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nêu quan điểm.
Lính "mũ nồi xanh" Việt Nam tại Cộng hòa Trung Phi.
Việt Nam có quan hệ quốc phòng với trên 80 quốc gia
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam không phải bất biến, cứng nhắc mà luôn có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn. Hiện tại, chúng ta hoàn toàn đủ khả năng để kiểm soát được tình hình an ninh, không để nảy sinh xung đột và xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, khi đất nước xảy ra nguy cơ chiến tranh thì Đảng, Nhà nước ta sẽ hoạch định những chiến lược, chính sách quốc phòng phù hợp.
Tàu Hộ vệ tên lửa 016 - Quang Trung của Hải quân Nhân dân Việt Nam cập cảng Visakhapatnam, Ấn Độ ngày 24/2, bắt đầu tham dự Tập trận Hải quân MILAN 2022 (ANI)
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 chỉ rất rõ rằng: “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, chúng ta sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Hiện nay quan hệ ngoại giao nhà nước Việt Nam “phủ sóng” tới 189 trong tổng số 200 quốc gia trên toàn thế giới. Quan hệ đối ngoại quốc phòng của ta ngày càng rộng mở, chúng ta có quan hệ quốc phòng với trên 80 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, đặc biệt chúng ta có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là những quốc gia có vai trò, có ảnh hưởng chủ chốt trong duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
Đây là điều chưa từng có từ trước tới nay. Điều đó chứng tỏ chúng ta chẳng bị ai cô lập, trái lại, còn mở rộng không ngừng quan hệ đối ngoại. Điều đó là cơ hội thuận lợi để chúng ta ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế./.
Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-kien-dinh-chinh-sach-quoc-phong-bon-khong-trong-quan-he-quoc-te-post932179.vov