Vừa thoát lỗ, Kienlongbank mua ngay cổ phần 2 công ty thua lỗ

Quý 4/2019, Kienlongbank gây bất ngờ khi gánh khoản thua lỗ lên đến 120 tỷ đồng. Khoản thua lỗ này đến từ việc ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho khoản thế chấp bằng cổ phiếu STB của một nhóm khách hàng.

Kết quả là lợi nhuận sau thuế của Kienlongbank xuống rất thấp, chỉ đạt 67,7 tỷ đồng dù trước đó trong năm 2017 và 2018 mức lãi lần lượt là 202 tỷ đồng và 232 tỷ đồng. Tới năm 2020, dù tình hình được cải thiện, lợi nhuận của Kienlongbank vẫn thấp hơn so với hai năm năm 2017 và 2018.

Vừa thoát lỗ, Kienlongbank mua ngay 2 công ty thua lỗ

Phải tới năm 2021, Kienlongbank mới thực sự khởi sắc. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 của ngân hàng cho thấy, ngân hàng đạt tới 525 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 479 tỷ đồng, tương đương 10,4 lần so với quý 1/2020.

Kết quả này có được nhờ thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng vọt từ 999 tỷ đồng của quý 1/2020 lên 2.166 tỷ đồng. Các hoạt động khác cũng cải thiện. Hoạt động dịch vụ mang lại khoản lãi 38,8 tỷ đồng, tăng so với con số 19,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về lợi nhuận tăng đột biến, nhà băng này cho biết trong quý 1/2021, ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản đảm bảo, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) theo Phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn liền với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Có thể thấy, tại Kienlongbank, thua lỗ hay lãi khủng cũng đều do và nhờ STB mà ra. Vì lãi khủng trong quý 1/2021 và dự kiến lãi tăng đột biến trong cả năm 2021 (có được do bán cổ phiếu STB chứ không phải do cải thiện hoạt động kinh doanh).

Mặc dù vậy, Kienlongbank vẫn đề xuất thưởng lớn cho dàn lãnh đạo. Theo tờ trình về thù lao lãnh đạo để phục vụ ĐHĐCĐ thường niên 2021 sắp diễn ra, Kienlongbank mong muốn tăng 60% thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát, lên 16,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kienlongbank còn mong muốn mức thưởng vượt kế hoạch lợi nhuận là 5% lợi nhuận trước thuế (phần dư ra so với kế hoạch).

Điều đáng chú ý là hai công ty liên kết của Kienlongbank, đây là hai khoản thuộc danh mục đầu tư của ngân hàng. Tại thời điểm 31/3/2021, Kienlongbank có khoản góp vốn dài hạn trị giá 5,25 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Phát. Thương vụ này giúp Kienlongbank nắm giữ chỉ 1,69% vốn điều lệ công ty.

Cũng tại thời điểm 31/3/2021, Kienlongbank đã góp 6,96% vốn vào Công ty cổ phần Sài Gòn – Rạch Giá. Số tiền Kienlongbank phải chi ra là 9,27 tỷ đồng.

Hiện chưa rõ Hồng Phát và Sài Gòn – Rạch Giá có đóng góp gì vào chiến lược của Kienlongbank, nhưng rõ ràng với tỷ lệ nắm giữ thấp và giá trị góp vốn thấp, đây là khoản đầu tư khó hiểu. Càng khó hiểu hơn khi 2 công ty này có kết quả kinh doanh không khả quan.

Hồng Phát thành lập năm 2002 nhưng gần đây, doanh thu của công ty khiêm tốn hơn rất nhiều so với vốn. Năm 2019, công ty có số vốn 773 tỷ đồng nhưng chỉ đạt doanh thu 150 tỷ đồng. Lợi nhuận mà Hồng Phát có được cũng rất khiêm tốn, đạt 27,7 tỷ đồng trong năm 2017, đạt 36,6 tỷ đồng năm 2018 và 37,3 tỷ đồng năm 2019.

Sài Gòn – Rạch Giá thậm chí bết bát hơn, dù có vốn trăm tỷ đồng nhưng gần đây, 2019 là năm công ty đạt doanh thu cao nhất, đạt mức 28,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận là âm 11 tỷ đồng. Trước đó, trong các năm 2016, 2017 và 2018, công ty lỗ 21 tỷ đồng, 17 tỷ đồng, và 12,5 tỷ đồng. Kết quả là với vốn góp chủ sở hữu hơn 133 tỷ đồng, tới cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn gần 61 tỷ đồng.

Nguồn Infonet

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm