Xuất khẩu gạo thu về gần 4 tỷ USD sau 10 tháng
Đến hết tháng 10, xuất khẩu gạo Việt Nam mang về gần 4 tỷ USD, tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gạo tiếp tục lập đỉnh
Theo các doanh nghiệp, vẫn còn nhiều cơ hội để xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục lập đỉnh. Vừa đi Hàn Quốc rồi tới châu Âu, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phải liên tục chế biến để đáp ứng các đơn hàng cuối năm.
Nếu như cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị chỉ đạt 22 triệu USD thì trong 10 tháng qua, con số này đã vượt 28 triệu USD và dự báo tiếp tục tăng.
Tín hiệu vui là gạo Việt Nam đang có giá bán khá tốt, cao hơn gạo Thái Lan và Pakistan lần lượt là 79 USD/tấn và 80 USD/tấn. Việc duy trì ở mức giá bán tốt từ 628 - 650 USD/ tấn là nhờ gạo Việt đảm bảo chất lượng cao.
Đến hết tháng 10, xuất khẩu gạo Việt Nam mang về gần 4 tỷ USD, tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh họa.
Các doanh nghiệp cho biết, hiện nguồn cung gạo cho xuất khẩu của nước ta từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Trong khi nhu cầu trên thị trường thế giới vẫn cao, đặc biệt từ Indonesia, Philippines, Trung Quốc. Với đà này, nhiều khả năng xuất khẩu gạo sẽ sớm lập đỉnh với kim ngạch đạt 4,2 - 4,5 tỷ USD trong năm nay.
Gia tăng lợi nhuận cho người trồng lúa
Trong 10 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tăng tới 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Để bà con nông dân thật sự hưởng lợi và hướng đến canh tác lúa tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, nhiều cách làm hay đã được triển khai ở các địa phương, nhất là tại vùng chuyên canh lúa gạo ĐBSCL.
Đây có lẽ là vụ lúa thành công nhất đối với anh Cường (nông dân Đồng Tháp). Nhờ sản xuất có liên kết, được doanh nghiệp hỗ trợ một phần chi phí vật tư cùng với chia sẻ nhiều cách mới, lúa của anh cho năng suất cao, bán được giá tốt, lợi nhuận nhờ đó cũng tăng theo.
"Trước làm đơn lẻ năng suất thấp lắm, nhờ liên kết này giờ làm năng suất và lợi nhuận cao", anh Cường chia sẻ.
Ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết: "Chúng tôi đang mong muốn phát triển một cách bền vững với nông dân. Làm sao để người nông dân có lợi canh tác đúng, sử dụng phân bón đúng thì lúc đó các doanh nghiệp như chúng tôi mới phát triển được".
Trung bình 1 ha lúa sản xuất lúa có liên kết, nông dân vùng ĐBSCL đang có thêm lợi nhuận 3 - 4 triệu đồng, tức tăng khoảng 20% so với ngoài mô hình. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Nhằm giúp gia tăng lợi nhuận cho người trồng lúa, tại ĐBSCL, các nhà máy còn tăng cường bao tiêu trực tiếp với nông dân. Cắt giảm khâu trung gian. Đặc biệt, doanh nghiệp còn cộng thêm cho bà con 200 - 300 đồng/kg lúa nếu đảm bảo chất lượng xuất khẩu đi các thị trường khó tính.
Thống kê của các ông lớn trong ngành cho thấy, trung bình 1 ha lúa sản xuất lúa có liên kết, nông dân vùng ĐBSCL đang có thêm lợi nhuận 3 - 4 triệu đồng, tức tăng khoảng 20% so với ngoài mô hình. Xa hơn đây còn là cơ sở quan trọng để hình thành chuỗi liên kết đưa ngành lúa, gạo phát triển bền vững.
Dự kiến tháng 11, Thủ tướng sẽ ký ban hành đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Nếu xây dựng được 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao có thể làm ra khoảng 13 triệu tấn lúa/năm, tương đương khoảng 7 triệu tấn gạo.
Nguồn: VTV