7.300 tỉ đồng trái phiếu nguy cơ không trả nợ đúng hạn

Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam, trong tháng 8, khoảng 7.300 tỉ đồng trái phiếu có nguy cơ không thể trả nợ đúng hạn, chủ yếu từ ngành bất động sản.

Khối lượng trái phiếu đến hạn thanh toán trong tháng này cũng cao gấp 3 lần tháng trước và sẽ tiếp tục gia tăng từ nay tới cuối năm. Các doanh nghiệp vẫn đang tận dụng tối đa Nghị định 08 để đàm phán gia hạn thời gian trả nợ trong vòng 2 năm.

Đồng ý giãn nợ là sự lựa chọn duy nhất với nhiều nhà đầu tư trái phiếu. Dù là nửa năm, 1 năm, hay 2 năm thì họ cũng sẽ đợi.

"Hết thời hạn 2 năm thì số tiền của chúng tôi nó sẽ như thế nào, tình huống kiện tụng thì cũng không có quá nhiều hướng dẫn", ông Phạm Tùng Bách, nhà đầu tư chia sẻ.

Trong vòng 1 năm tới, khoảng 52.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không thể trả nợ đúng hạn. Đáng nói 90% trong số đó đã từng chậm trả ít nhất một lần. Nhiều thành viên trên thị trường cho rằng: với những doanh nghiệp không thể phục hồi, thì cho phá sản theo đúng quy luật đào thải cũng không phải không tốt.

Ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest cho hay: "Chúng ta có Luật Phá sản mà chúng ta cần thực thi luật. Ví dụ chúng ta có thể biến nợ thành cổ phần, tái cấu trúc thời gian nợ kéo dài bao nhiêu lâu thay vì chúng ta cứ đến hạn lại gia hạn. Hiện tại có vẻ chúng ta cứ quan niệm phá sản là mất hết".

Dù còn nhiều khó khăn song một tín hiệu tích cực là khối lượng trái phiếu chậm trả mới phát sinh lần đầu tiếp tục giảm mạnh và chỉ bằng khoảng 1/10 so với năm ngoái.

"Một số doanh nghiệp bất động sản có khả năng tín dụng ở mức khá và tốt thì các doanh nghiệp này đang tận dụng cái sự khác biệt này sẽ tăng tốc trong thời gian tới nhờ những hoạt động như mở rộng quỹ đất hoặc mua bán sáp nhập", bà Nguyễn Thảo Hạnh - Chuyên viên Nghiên cứu rủi ro tín dụng cấp cao FiinRatings thông tin.

Đến thời điểm này đã có khoảng 60% các doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong việc gia hạn nợ khoảng 2 năm, điểm rơi tháng 6 năm sau. Tuy nhiên mọi sự trì hoãn chỉ là giải pháp tình thế trong lúc khó khăn. Cải thiện sức khỏe thực sự của doanh nghiệp, đưa các dự án vào kinh doanh hiệu quả mới là giải pháp lâu dài bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của các trái chủ.

Ông Nguyễn Đình Duy - Giám đốc khối xếp hạng tín nhiệm và nghiên cứu VIS Rating cho hay: "Các luật liên quan đến bất động sản mới cũng sẽ hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý dự án, tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và tăng khả năng trả nợ cho trái chủ".

Dù còn ảm đạm, song vẫn có 35.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành mới được hấp thụ từ đầu năm đến nay, tập trung vào các đơn vị phát hành uy tín được xếp hạng tín nhiệm đầy đủ, qua đó cho thấy kỷ luật trên thị trường sẽ dần được cải thiện.

Nguồn: VTV

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm