Ấn Độ muốn thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết nước này muốn tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thay thế vai trò của Trung Quốc.

Tại một diễn đàn của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson hôm 10/4 tại Mỹ, bà Sitharaman cho biết các sáng kiến kích thích sản xuất của Ấn Độ bao phủ 13 lĩnh vực, trong đó có sản phẩm bán dẫn. Chương trình này "sẽ mang chuỗi giá trị toàn cầu đến Ấn Độ". "Chúng tôi hy vọng sản xuất lượng lớn hàng tiêu dùng" để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế, bà nói.

Ấn Độ tháng trước đề ra mục tiêu tham vọng là đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 2.000 tỷ USD cho đến năm 2030. Quốc gia Nam Á này đang nỗ lực trở thành lựa chọn hàng đầu cho các công ty muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Cũng tại diễn đàn hôm qua, bà Sitharaman lấy ví dụ về điện thoại. Năm 2014, Ấn Độ sản xuất rất ít thiết bị. Nhưng đến nay, họ đã trở thành một trong những nước xuất khẩu điện thoại lớn nhất thế giới.

Năm qua, Ấn Độ tích cực theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do song phương với nhiều nước, trong đó có Australia, Anh và Canada. Họ đã chuyển từ cách tiếp cận chậm thông thường sang các thỏa thuận này. Hôm qua, bà Sitharaman cho biết quốc gia 1,4 tỷ dân cũng đang thúc đẩy thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

Từ năm 2014, Ấn Độ đã đưa ra chiến dịch Make in India để giúp Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu và khuyến khích các doanh nghiệp đa quốc gia tăng sản xuất ở đây. Mục tiêu của họ là ngành này đóng góp 25% GDP.

Căng thẳng địa chính trị và Covid-19 đã phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các doanh nghiệp nỗ lực tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Vài năm gần đây, các công ty áp dụng chính sách Trung Quốc + 1, tức là có ít nhất một nhà máy bên ngoài Trung Quốc – công xưởng sản xuất của toàn cầu.

Foxconn Technology Group lên kế hoạch xây nhà máy mới trị giá 700 triệu USD tại Ấn Độ để sản xuất linh kiện iPhone. Hãng lắp ráp AirPods GoerTek cũng có kế hoạch mở nhà máy ở Việt Nam và đang cân nhắc mở rộng sang Ấn Độ.

Dù vậy, CNBC cho rằng tham vọng trở thành công xưởng mới cho thế giới của Ấn Độ sẽ phải vượt qua nhiều rào cản cố hữu. Đó là tình trạng quan liêu, cơ sở hạ tầng lỗi thời và nạn tham nhũng đã khiến nhiều doanh nghiệp ngoại phải rời Ấn Độ. Việc thiếu lao động có kỹ năng và thiếu đột phá sáng tạo, chất lượng sản phẩm chưa tốt và ngần ngại ứng dụng công nghệ cũng được cho là các thách thức tại đây.

Bà Sitharaman đang ở Mỹ để tham dự Hội nghị Mùa xuân thường niên do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức. Ấn Độ giữ vai trò Chủ tịch G20 năm nay. Họ đang chịu sức ép phải giúp các nước đạt thỏa thuận, khi các cuộc họp lớn năm nay đều kết thúc với việc Nga và Trung Quốc phản đối các tuyên bố liên quan đến chiến sự tại Ukraine.

Nguồn: VnExpress

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm