ASEAN cam kết mạnh mẽ về tự do hóa và liên kết kinh tế

"Chúng ta quyết không chùn bước" là thông điệp mạnh mẽ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-36.

Quyết không chùn bước

"Chúng ta quyết không chùn bước!" là thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2020 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (ASEAN-36) diễn ra cuối tuần qua, trong bối cảnh thế giới đang căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19.

Là hội nghị thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, điều này phản ánh thực tế về nhiều phương thức vận hành công việc của chúng ta đang buộc phải thay đổi, không chỉ do phát triển của khoa học công nghệ, mà còn do thách thức chưa từng có: Covid-19.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 8/6, kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm nghiêm trọng, ở mức âm 5,2%, thu nhập bình quân đầu người giảm 3,6% và khiến 70-100 triệu người rơi vào nghèo đói, làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội. Cùng với đó là hơn 40% các ngành sản xuất, kinh doanh của các quốc gia phải chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp phong tỏa dịch bệnh.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sự bùng phát của dịch bệnh càng thổi bùng thêm những thách thức vốn tiềm ẩn trong môi trường chính trị - kinh tế - xã hội của thế giới và mỗi khu vực, cọ xát chiến lược giữa các nước lớn càng bộc lộ rõ nét và bị đẩy lên cao. Thủ tướng đánh giá, Covid-19 là phép thử để ASEAN khẳng định bản lĩnh của một cộng đồng ngày càng trưởng thành.

Bình luận về sự kiện này, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá, việc tổ chức ASEAN-36 “có vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn, với cả trước mắt và tương lai lâu dài của ASEAN”.

Trong phiên toàn thể của Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đã gửi thông điệp mạnh mẽ về một tổ chức khu vực gắn kết, chủ động và đóng vai trò hạt nhân trong các tiến trình khu vực, thông qua việc rà soát tiến độ xây dựng Cộng đồng kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN-35, chỉ đạo hướng triển khai các trọng tâm hợp tác trong năm, quan hệ đối ngoại của ASEAN và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Các nước cũng nhất trí cần nâng cao khả năng tự cường của ASEAN, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực, từ đó ổn định cuộc sống của người dân và hoạt động doanh nghiệp.

Củng cố các trụ cột để duy trì tăng trưởng

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo đã trao đổi về kế hoạch phục hồi tổng thể của ASEAN sau dịch bệnh, sớm đưa vào triển khai các sáng kiến về lập Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, xây dựng Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN, xây dựng Quy trình ứng phó dịch bệnh chuẩn ASEAN trong tình huống y tế khẩn cấp...

Thủ tướng cho rằng, các nỗ lực tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững của ASEAN những năm qua sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2020. Các sáng kiến “Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN”, “Kết nối các kết nối” cần được tiếp tục triển khai hiệu quả, sâu rộng. Bên cạnh đó, cần quan tâm thích đáng đến việc gắn kết chặt chẽ các tiểu vùng với kế hoạch phát triển tổng thể của ASEAN, trong đó có Tiểu vùng Mekong, về quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, một số lãnh đạo ASEAN cũng đề xuất các biện pháp nới lỏng các hạn chế nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh.

Trong tiến trình này, chuyển đổi sang kinh tế số, nhất là áp dụng các thành quả của khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng. Các nhà lãnh đạo cũng đã đề cập việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động trong thời đại mới, coi đây là nhân tố quan trọng trong phát triển của ASEAN.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo cho rằng, hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020 sẽ là thông điệp mạnh mẽ khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư, đồng thời đây cũng là đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh tại khu vực.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là cộng đồng rộng mở, một đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế, ASEAN sẽ không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các đối tác. “Chúng ta cam kết mạnh mẽ đối với tự do hóa và liên kết kinh tế, phấn đấu sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Cần nhắc lại, chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” của Năm ASEAN 2020 được Việt Nam đề xuất khi chưa xuất hiện Covid-19. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, trong thời điểm hiện tại, đoàn kết, gắn bó chính là yếu tố quyết định thành công của ASEAN. Hợp tác của ASEAN trong 6 tháng qua đã luôn hướng theo tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” và tạo ra hiệu quả, trở thành hình mẫu cho các hoạt động hợp tác quốc tế.


Nguồn: Báo ĐTCK

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm