Bão giá đe dọa người trẻ khắp thế giới

Hai năm dịch bệnh vừa qua đi, thế hệ người trẻ ở nhiều nơi lại đối mặt khó khăn tiếp theo, khi lạm phát tăng cao, đồng lương không theo kịp sinh hoạt phí.

Cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt tăng cao đang đặt gánh nặng lên nhiều thế hệ, song những người trẻ dưới 30 tuổi có thể là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, tình trạng chung dễ gặp hiện giờ là dân văn phòng, sinh viên mới ra trường đều phải vật lộn với tiền thuê nhà cao ngất ngưởng, lạm phát bữa trưa, giá xăng tăng.

46% Gen Z (những người sinh năm 1997 đến 2012) rơi vào tình trạng căng thẳng về tài chính khi thừa nhận tiền lương của họ chỉ đủ sống qua ngày, theo khảo sát của công ty kiểm toán Deloitte thực hiện với 14.808 người Gen Z trên 46 nước.

Ở thế hệ Millennials, tình thế cũng không khấm khá hơn.

Chật vật sống một mình

Ba năm sống một mình cũng là khoảng thời gian Yoo Jae-mun (33 tuổi, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc) vật lộn tìm kiếm thực phẩm sạch, an toàn.

"Tôi cố ăn uống lành mạnh song gặp khó khăn vì rau quả và nhiều loại thực phẩm khác bán ra ở hàng tạp hóa, siêu thị chủ yếu có khẩu phần dành cho tối thiểu 2 người", Yoo nói. Việc ăn ngoài hay đặt đồ ăn về nhà cũng gặp rắc rối tương tự.

Vật giá leo thang khiến giấc mơ sở hữu nhà càng xa tầm với, khi việc lo đủ chi tiêu hàng tháng của cư dân đã đủ đau đầu. Ảnh: AFP.

Theo số liệu từ Korean Statistical Information Service, chi phí ăn uống bên ngoài ở Hàn Quốc trong tháng 3 đã tăng 6,6% so với cùng thời điểm năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong vòng 23 năm, với 39 loại món phổ biến như cơm cuộn, mỳ tương đen đều tăng giá.

Số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia công bố ngày 3/6 cho biết giá cả tiêu dùng ở Hàn Quốc đã tăng 5,4% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là tháng thứ 14 liên tiếp, mức lạm phát ở Hàn Quốc đã vượt trên mục tiêu duy trì ở mức 2% do Ngân hàng Trung ương đề ra trong trung hạn. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất theo năm kể từ tháng 8/2008.

Nghiên cứu hồi tháng 5 của nhóm bác sĩ đến từ Trung tâm Y tế Asan kết luận rằng những người độc thân, sống một mình nhiều khả năng trải qua chất lượng cuộc sống thấp hơn những ai sống cùng người khác.

Theo đó, đàn ông độc thân có xu hướng mắc bệnh nặng hơn nữ giới độc thân.

Giá thuê nhà tăng vọt

Viễn cảnh giá thuê nhà giảm mạnh với tiện nghi hiện đại, xa hơn là ước mơ sống tự lập tài chính ở những thành phố đắt đỏ đã tan thành mây khói với giới cổ cồn trắng sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Trong 2 năm dịch bệnh, người Mỹ có thể dễ dàng chọn được nơi ở như ý khi chủ thuê tung ra nhiều ưu đãi hậu hĩnh để giành khách hàng. Còn hiện tại, ở New York, giá thuê nhà đồng loạt tăng ít nhất 30% và yêu cầu gia hạn hợp đồng vượt lên mức gấp đôi.

Vào lúc cao điểm của đại dịch, những khu dân cư giàu có như Williamsburg (Brooklyn) và Upper West Side (Manhattan), giá chào thuê trung bình đã giảm khoảng 20%. Nhưng kể từ tháng 1/2021, những nơi này đã tăng phí lên khoảng 40%, theo StreetEasy.

Viễn cảnh tự chủ tài chính dần biến mất với người trẻ Mỹ khi giá thuê nhà tăng vọt trở lại. Ảnh: NY Times.

Tại SoHo, mức giá cũng tăng 58% trong quý 4 năm ngoái - từ 3.800 USD đến 6.002 USD.

Từ những người vui sướng vì được thuê nhà với giá rẻ, tận hưởng việc thoải mái sống một mình, giờ nhiều dân văn phòng phải ngậm ngùi trả nhà vì không gánh nổi chi phí. Họ đành quay về những căn phòng chật chội như trước đây, thuê chung với 2-3 người để san sẻ tiền thuê nhà.

Không chỉ những người đi làm, lớp sinh viên Mỹ mới tốt nghiệp cũng đau đầu vì giá thuê nhà tăng chóng mặt. Một số phải sống vạ vật, thậm chí sống trong xe hơi để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Tại trường Cao đẳng Thành phố Long Beach (phía nam Los Angeles), ít nhất 8 sinh viên được cho phép ngủ trong ôtô tại bãi đậu xe của khuôn viên trường. Đây là quy định nhằm giúp đỡ các sinh viên đại học, những người không có khả năng mua hoặc thuê nhà ở.

Nhà để xe của trường có bảo vệ, Wi-Fi và phòng tắm gần đó. Không có quá nhiều tiện ích nhưng cũng được coi là một giải pháp an toàn hơn việc sống trên đường phố, nơi luôn tồn tại nỗi lo bị cướp hoặc cảnh sát lập biên bản.

Lạm phát tăng cao

Từ cuối năm ngoái, người dân Nhật Bản bắt đầu chật vật hơn với các hóa đơn sinh hoạt gia đình tăng cao, khi nước này vẫn đang trong giai đoạn đối phó với dịch bệnh.

Thời điểm đó, các nhà kinh tế nhấn mạnh rằng người dân không cần phải lo lắng quá nhiều bởi những vấn đề trong chuỗi cung ứng sẽ sớm được khắc phục, đồng thời các quốc gia xuất khẩu nhiên liệu dự kiến đẩy mạnh sản xuất.

Tuy nhiên, đến hiện tại, sau khi Nhật Bản đã gỡ bỏ gần hết các hạn chế Covid-19, tình trạng lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát, ngược lại càng nghiêm trọng hơn.

"Mua sắm trả thù" hậu dịch bệnh không diễn ra mạnh mẽ ở Nhật do người dân chi tiêu dè xẻn trong cơn bão giá. Ảnh: Insider.

Hồi tháng 3, giá điện đã tăng 22% so với năm trước - mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ. Trong một cuộc khảo sát của chính phủ, hơn 90% người tiêu dùng nói rằng họ dự đoán hàng hóa thiết yếu sẽ trở nên đắt hơn trong 12 tháng tới.

Naomi Yakushiji, người gần đây đã bỏ công việc làm công ăn lương để theo đuổi nghề viết lách tự do, cho biết thói quen thắt chặt hầu bao vốn hình thành trong 2 năm Covid-19, giờ càng áp dụng triệt để trong lúc lạm phát.

"Tôi cắt giảm hoàn toàn tiền cho các món quần áo, đồ trang sức hay các nhu cầu làm đẹp, giải trí. Tôi không thể tiêu tiền cho những thứ đó như trước đây nữa", cô gái 29 tuổi cho hay.

Còn Tatsuya Yonekura, một chủ cửa hàng cà phê, lần đầu tăng giá món sau 3 năm mở tiệm dù không muốn. "Đồng yen rớt giá khiến tôi không còn lựa chọn nào khác", anh nói.

Hóa đơn điện, nước, thực phẩm đồng loạt tăng trong bối cảnh lạm phát khắp thế giới. Ảnh: BI.

Đồng lương không theo kịp sinh hoạt phí

Ở xứ sở sương mù, Beth Steeples (24 tuổi, giáo viên) than phiền mức tăng lương trong công việc quá ít ỏi so với mức tăng của sinh hoạt phí thường ngày.

"Hóa đơn năng lượng của tôi đã tăng từ 65 bảng/tháng lên 154 bảng/tháng. Số tiền phải chi trả cả tháng từ 850 bảng lên hơn 1.100 bảng", cô chia sẻ.

Beth Steeples phải hủy các khoản đóng góp lương hưu để cố dành dụm tiền mua một căn nhà riêng. Nữ giáo viên chọn mua thực phẩm giảm giá và trữ đông, hàng ngày kiểm tra công tơ điện, cột xăng để đảm bảo không lạm chi.

Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak thừa nhận cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây thêm áp lực lên chi phí sinh hoạt tại Anh. Giá cả các mặt hàng tăng lên do các vấn đề chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19.

Dữ liệu công bố trước đó cho thấy lạm phát ở Anh đã tăng lên 6,2% trong tháng 2 và dự kiến đạt trung bình 7,4% trong năm nay.

Một cuộc khảo sát với gần 1.200 người trẻ tuổi ở Anh cho thấy rằng gần một nửa (47%) không kiếm đủ phí sinh hoạt bằng thu nhập chính của mình.

Những người dưới 30 tuổi nước này được gọi là "thế hệ đề phòng" - nghĩa là họ đang sống bấp bênh mà không có gì đảm bảo, thường làm thuê và kiếm được ít tiền hơn so với những người cùng độ tuổi vào những năm 1990.

Nguồn: zingnews.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm