Bảo vệ đàn heo phục vụ thị trường tết

Trại heo HTX Tiên Phong (TPHCM) đã đầu tư trại mát, đảm bảo an toàn sinh học nhằm phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi Ảnh: THANH HẢI

Khẩn trương dập dịch

Tiền Giang là địa phương có tổng đàn heo lớn nhất ĐBSCL, nhưng gần đây đã ghi nhận 40 trường hợp bệnh dịch tả heo châu Phi tại 8 huyện. Chỉ tính từ tháng 10-2020 đến nay, ngành chuyên môn phát hiện 20 hộ có heo bị bệnh dịch tả; trong đó nhiều nhất là huyện Tân Phú Đông ghi nhận 14 hộ có heo mắc bệnh và ngành chức năng đã công bố dịch tả heo châu Phi ở xã Tân Thới. Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch bệnh; tăng cường giám sát dịch nhằm phát hiện sớm, xử lý gọn các ổ dịch không để lây lan diện rộng.

Tại Đồng Tháp, ông Bạch Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra ở một số xã như Bình Thành, Tân Bình, Tân Long (huyện Thanh Bình); Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh), Hòa An (TP Cao Lãnh). Tuy nhiên mật độ ít với 6 ổ dịch, số heo nhiễm bệnh đã tiêu hủy khoảng 84 con. Ngay sau khi dịch tái phát, ngành chức năng đã triển khai tiêu độc, khử trùng, phối hợp với địa phương xử lý triệt để ổ dịch”. Theo ông Kiệt, ngành thú y vừa kết thúc Tháng hành động tiêu độc khử trùng vào ngày 20-10. Dự kiến cuối tháng 11 này, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục phát động Tháng hành động nhằm vừa phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi và phòng ngừa các bệnh khác sau khi lũ rút.

Ông Huỳnh Văn Hớn, hộ chăn nuôi heo thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) chia sẻ: “Đặc thù của vùng này là sản xuất bột và bà con tận dụng những phụ phẩm để nuôi heo. Từ khi bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát, ngành chức năng đã mở các lớp tập huấn nuôi heo an toàn sinh học, giúp người nuôi học hỏi kinh nghiệm, áp dụng trên đàn heo của mình nhằm phòng chống dịch bệnh. Quá trình nuôi được vệ sinh chuồng trại cẩn thận, tiêu độc khử trùng mỗi tuần 1 lần; đồng thời, nước tắm cho heo đều được khử khuẩn, chứ không tắm trực tiếp từ nước sông như trước đây. Thức ăn cho heo là dạng khô, thay vì thức ăn hỗn hợp, tấm cám; đặc biệt nguồn thức ăn được gia đình đặt mua ở các cơ sở uy tín. Do đó, dù dịch bệnh quay trở lại một số nơi, nhưng đàn heo ở đây được cơ bản kiểm soát”.

Là thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước, ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai được kỳ vọng sẽ đảm bảo nguồn cung thịt heo vào dịp Tết Nguyên đán 2021. Hiện đàn heo của tỉnh Đồng Nai có hơn 2,1 triệu con (tăng 10,76% so với cùng kỳ), cung cấp khoảng 35.489 tấn thịt ra thị trường. Điều này cho thấy, các đơn vị chăn nuôi có quy mô lớn thực hiện rất tốt việc tái đàn, phòng chống dịch và đảm bảo con giống cho các hộ có nhu cầu, đặc biệt các công ty chăn nuôi thuê lại chuồng trại trống để tiếp tục mở rộng quy mô, tập trung chăm sóc đàn heo để bán ra thị trường dịp tết.

Khả năng thiếu nguồn cung

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai đến cuối năm 2020, tổng đàn heo sẽ khôi phục được 2,5 triệu con như thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi và như vậy sẽ đảm bảo nguồn cung thịt heo cho thị trường. Tuy nhiên, bệnh dịch tả heo châu Phi đang tái diễn và bão lũ ở miền Trung đang khiến bà con chăn nuôi heo ở đây bị thiệt hại nặng nề nên thị trường có khả năng thiếu nguồn cung vào dịp tết.

Còn theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, thịt heo là mặt hàng thực hiện bình ổn giá. Do đó, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc với các đơn vị, công ty chăn nuôi lớn để nắm bắt tình hình cung cấp, phương án dự trữ, bình ổn giá phù hợp đối với các mặt hàng này vào dịp tết.

Trong khi đó, nhiều địa phương ở ĐBSCL do ảnh hưởng bệnh dịch tả heo châu Phi thời gian qua dẫn đến nguồn con giống chất lượng khan hiếm, mặc dù giá heo giống đã tăng lên khoảng 3 triệu đồng/con. Có nơi xảy ra tình trạng con giống không rõ nguồn gốc, vẫn được người dân mua để tái đàn; đây sẽ là nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan. Bên cạnh đó, một số hộ chăn nuôi heo sau khi bị thiệt hại do dịch bệnh xảy ra trước đây, đã chuyển đổi sang chăn nuôi con khác. Ngoài ra, tình trạng thiếu vốn để tái đầu tư, nhất là những hộ chăn nuôi có heo bị bệnh thường xuyên dẫn tới lâm nợ, chưa có hướng giải quyết hiệu quả. Vì thế, tổng đàn heo hiện tại khu vực ĐBSCL giảm nhiều so với trước khi xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, nếu như trước đây đàn heo của tỉnh có khoảng 300.000 - 500.000 con/năm, thì nay chỉ còn khoảng 70.000 - 80.000 con/năm. Với tình hình hiện tại, Đồng Tháp phải nhập heo hơi từ các tỉnh khác về địa phương phục vụ tiêu thụ hàng ngày. Vì thế, Tết 2021 khả năng phải nhập nhiều hơn, bởi việc tái đàn heo không thể kịp.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, hiện tổng đàn heo trên địa bàn khoảng 84.480 con, chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ của tỉnh, còn lại phải nhập heo từ nơi khác về. Dịp Tết 2021, Cà Mau cũng buộc phải nhập heo với số lượng khá lớn để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Đặc thù của Cà Mau là lâu nay phần lớn hộ chăn nuôi heo thuộc dạng nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi còn thô sơ, việc áp dụng nghiêm ngặt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT còn nhiều hạn chế. Mới đây, qua kiểm tra 620 hộ chăn nuôi heo đăng ký tái đàn, thì các hộ chăn nuôi chỉ đáp ứng khoảng 75% biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học.


Nguồn: Báo SGĐT

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm