Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán thế nào?

Nếu Đảng Cộng hòa giành được ít nhất một viện trong Quốc hội Mỹ, đây sẽ là kết quả mà thị trường tài chính nước này mong đợi...

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images

Phố Wall vừa trải qua một tuần đầy biến động với nhiều cổ phiếu lao dốc mạnh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phá tan giấc mơ về việc ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ. Chủ tịch Fed cũng phát tín hiệu rằng sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất với bước nhảy lớn nữa thời gian tới.

Tuy nhiên, Phố Wall giờ đây đang hướng về Washington với nhiều hy vọng khi cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 8/11.

KHÔNG CÒN LO VỀ THUẾ NẾU ĐẢNG CỘNG HÒA KIỂM SOÁT QUỐC HỘI

Theo CNN, nhà đầu tư đang đặt cược vào việc Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát trong Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử này. Nếu Đảng Cộng hòa giành được ít nhất một viện trong Quốc hội, đây sẽ là kết quả mà thị trường mong đợi.

Theo dữ liệu từ Edelman Financial Engines, kể từ năm 1948 đến nay, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 16,9% mỗi năm trong 9 năm mà Đảng Dân chủ có ứng viên làm tổng thống còn Đảng Cộng hòa giành đa số ghế trong cả Thượng viện và Hạ viện. Mức tăng là 15,1% trong những giai đoạn mà Đảng Dân chủ vừa nắm Nhà Trắng vừa nắm quyền kiểm soát cả hai viện, và 15,9% khi Đảng Cộng hòa nắm toàn quyền.

Theo CNN, nhà đầu tư sẽ hài lòng hơn khi các nghị sĩ của hai đảng đối đầu nhau nhưng không ban hành bất kỳ luật mới nào có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Nếu Đảng Cộng hòa giành được Hạ viện, các đề xuất tăng thuế sẽ chết yểu”, ông David Wagner, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Aptus Capital Advisors, nhận định. “Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ không phê duyệt kế hoạch áp thuế đối với lợi nhuận bất thường của các công ty dầu khí mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất. Đảng này cũng thường không ủng hộ việc tăng thuế với người giàu”.

Tuy nhiên, thị trường cũng đang đặt cược vào khả năng một số lĩnh vực sẽ được thúc đẩy sau cuộc bầu cử giữa kỳ, kể cả khi Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Thượng viện hoặc Hạ viện và khiến cho các đề xuất luật của chính quyền Biden khó được thông qua hơn. Đó là vì Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa cũng có sự đồng thuận trong một số vấn đề.

“Việc Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát một trong hai viện có thể dẫn tới việc chi tiêu nhiều hơn cho quân sư. Hạ viện đã thông qua đề xuất ngân sách quốc phòng cao kỷ lục vào mùa hè này”, ông Wagner nói.

Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa của Mỹ cũng có chung quan điểm về việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Điều này có thể là “cú huých“ cho các cổ phiếu tiện ích, xây dựng và một số mã bất động sản. Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD.

“Mọi thứ đều phân cực về mặt chính trị, nhưng vẫn có điểm chung về cơ sở hạ tầng. Điều đó cũng từng xảy ra giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton khi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016”, Jim Lydotes, phó giám đốc phụ trách đầu tư cổ phiếu tại Newton Investment Management, cho biết. “Là một quốc gia, chúng ta đang đầu tư quá ít cho cơ sở hạ tầng và đây là lĩnh vực có sự đồng thuận về quan điểm giữa hai đảng”.

HAI ĐẢNG ĐỐI ĐẦU KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG TỐT

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng chính quyền Biden và các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ có thể làm việc hiệu quả với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Theo các nhà phân tích, sau tất cả, câu chuyện chính trị trên chính trường Mỹ sẽ nhanh chóng chuyển sang cuộc đua tổng thống năm 2024 khi cuộc bầu cử giữa kỳ qua đi. Quốc hội và Nhà Trắng có thể dành nhiều thời gian để đối đầu nhau hơn là cố gắng thông qua luật.

Trong lịch sử, thị trường chứng khoán thường tăng điểm sau các cuộc bầu cử, dù đảng nào nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng và Quốc hội - Ảnh: Getty Images

Một chính phủ bị chia rẽ sẽ đối mặt nhiều rào cản lớn, đặc biệt là khi lo ngại suy thoái kinh tế thêm trầm trọng vào năm tới.

“Chi tiêu của Chính phủ liên bang cho các chương trình an sinh xã hội sẽ giảm đi nếu Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội”, nhà kinh tế cấp cao Rob Dent tại Nomura Securities International nhận định. “Điều này có thể khiến kinh tế Mỹ lâu phục hồi hơn sau suy thoái. Và đây là tin xấu đối với thị trường chứng khoán nói chung bởi chi tiêu tiêu dùng là nhân tố thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Dent, nhiều khả năng sẽ xảy ra đối đầu kịch liệt hơn tại Washington liên quan tới vấn đề nợ trần. Lần gần đây nhất nợ trần là vấn đề gây tranh cãi lớn trong Quốc hội Mỹ là ở nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng tống Barack Obama. Khi đó, chứng khoán Mỹ đã mất xếp hạng tín nhiệm hoàn hảo AAA từ Standard & Poor vào tháng 8/2011 do những tranh cãi về nợ trần và khiến thị trường lao dốc hơn 5%.

“Chúng tôi lo rằng một chính phủ chia rẽ sẽ dẫn tới nhiều tranh cãi về nợ trần và nguy cơ chính phủ phải đóng cửa. Mỹ đã không phải đối mặt với tình huống này trong một khoảng thời gian dài”, ông Dent nói.

Một số nhà phân tích cho rằng dù kết quả bầu cử giữa kỳ ra sao, những tin tức về chính trị thường gây biến động ngắn hạn trên thị trường chứng khoán.

“Trong lịch sử, thị trường chứng khoán thường tăng điểm sau các cuộc bầu cử, dù đảng nào nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng và Quốc hội”, chiến lược gia Anthony Saglimbene nói tại một sự kiện tuần trước. “Kết quả bầu cử giữa kỳ sắp tới có thể gây ra nhiều biến động hơn trong ngắn hạn, nhưng thị trường hiện nay vốn đã định giá dựa trên khả năng cao về sự chia rẽ trong chính phủ rồi”.

Nguồn: vneconomy.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm