Bổ sung nhiều quy định siết hoạt động xuất khẩu lao động

Ảnh minh họa

Tăng chất lượng nguồn lao động

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, chất lượng nguồn lao động hiện chưa cao và chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ) nước ngoài.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 quy định doanh nghiệp (DN) chỉ tuyển chọn lao động sau khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Do đó, DN không có nhiều thời gian để tuyển chọn và đào tạo lao động theo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của đối tác.

Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng lao động không đảm bảo (nếu đào tạo không đủ thời gian) hoặc mất cơ hội ký hợp đồng cung ứng lao động, mất đối tác, giảm tính cạnh tranh với DN cung ứng của các quốc gia khác (nếu đào tạo đủ thời gian theo yêu cầu).

Dự thảo Luật sửa đổi đề xuất bổ sung quy định về tạo nguồn lao động. Theo đó, quy định về tạo nguồn lao động được nêu ở Điều 18, xác định “Tạo nguồn lao động là việc DN dịch vụ trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, các tổ chức dịch vụ việc làm thông tin, tư vấn, trang bị kỹ năng nghề và ngoại ngữ phù hợp cho NLĐ để họ có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia dự tuyển theo yêu cầu của NSDLĐ”.

DN dịch vụ tạo nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động phải thông báo bằng văn bản cho Bộ LĐTB&XH, đồng thời không được thu tiền từ NLĐ khi tạo nguồn lao động.

Tại Điều 29 quy định về quyền và nghĩa vụ của DN dịch vụ, bên cạnh các quyền và nghĩa vụ như quy định hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quyền của DN liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên và tổ chức dịch vụ việc làm thông tin, tư vấn, đào tạo về nghề, ngoại ngữ nhằm chuẩn bị nguồn lao động có chất lượng đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung quyền của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đưa người đi làm việc ở nước ngoài ký với các DN “tham gia bổ túc nghề và ngoại ngữ tại các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép phù hợp với yêu cầu của hợp đồng lao động” (khoản 2 Điều 48), bổ sung “Nhà nước có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ cho NLĐ đi làm việc ở những nước phát triển và có mức thu nhập cao, một số ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật mà trong nước đang có nhu cầu đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực” (khoản 2 Điều 65).

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được chi hỗ trợ đề phòng rủi ro

Thêm nữa, Luật hiện hành quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là đơn vị thuộc Bộ LĐTB&XH nên không có cơ chế rõ ràng cho hoạt động và tổ chức bộ máy. Nội dung hỗ trợ của Quỹ đang bị bó hẹp ở mở rộng và phát triển thị trường, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho DN và NLĐ. Do đó, nhiều hoạt động cần được hỗ trợ nhưng lại không có cơ sở để nhận hỗ trợ từ Quỹ.

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, Bộ LĐTB&XH đề xuất bổ sung nội dung Quỹ được chi hỗ trợ các hoạt động mang tính chất phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức. Theo đó, “Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước nhằm phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ phòng ngừa và giải quyết rủi ro cho NLĐ và DN”.

Đồng thời, nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước cũng được sửa đổi bỏ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Vì thế, nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước bao gồm: Đóng góp của DN; Đóng góp của NLĐ; Các nguồn thu hợp pháp khác. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định hình thức tổ chức của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại để giao dịch.

Bổ sung quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của NLĐ

Về quyền và nghĩa vụ của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với DN dịch vụ quy định tại Điều 48, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nghĩa vụ của NLĐ sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải “thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày kể từ ngày về nước để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm” (khoản 9 Điều 48).

Về quyền và nghĩa vụ của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với tổ chức sự nghiệp (Điều 51), bổ sung quyền, nghĩa vụ của NLĐ đi làm việc theo hợp đồng với tổ chức sự nghiệp “thỏa thuận với tổ chức sự nghiệp về hình thức đảm bảo thực hiện hợp đồng khác” (khoản 2 Điều 51).

Luật cũng bổ sung nghĩa vụ của NLĐ đi làm việc theo hợp đồng cá nhân “xuất cảnh khỏi nước đến làm việc sau khi chấm dứt hợp đồng cá nhân và hết thời hạn cư trú” (khoản 2 Điều 56).

Bộ LĐTB&XH đề xuất bổ sung trách nhiệm của người bảo lãnh nộp phạt thay cho NLĐ trong trường hợp NLĐ không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền trong thời hạn pháp luật quy định “Trường hợp NLĐ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền do có hành vi vi phạm quy định tại Luật này mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn pháp luật quy định, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thì người bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để nộp tiền phạt thay cho NLĐ” (khoản 4 Điều 58).

Từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (con số này là 58.000 lao động/năm trong giai đoạn 2000 - 2006).


Nguồn: Báo Pháp Luật VN

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm