Bỏ tiền vào đâu khi kinh tế toàn cầu biến động?

Dù được đánh giá tăng trưởng tốt trong năm 2022 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức lớn.

Nền kinh tế Việt Nam (VN) có độ mở cao nên những biến động kinh tế thế giới cũng tác động nhất định đến tình hình trong nước. Tuy nhiên theo quan sát, giới đầu tư vẫn có nhiều cơ hội để tìm kiếm các khoản mục lợi nhuận nếu chọn đúng thời điểm và danh mục đầu tư.

Lạc quan trong cẩn trọng

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất lên 0,75% để tiếp tục chính sách kiềm chế lạm phát. Thông điệp của Fed là sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất cho đến hết năm 2022.

ThS Phan Minh Hòa, Trường ĐH RMIT VN, cho biết việc tăng lãi suất dẫn đến đà tăng của USD còn tiếp tục. Trong bối cảnh đó, những nhà hoạch định chính sách đều cần theo dõi sát sao biến động. Ngoài tác động đến xuất nhập khẩu, đồng USD tăng giá còn gây áp lực lên lạm phát thông qua tăng giá hàng hóa nhập khẩu và thị trường tài chính vì khiến nhà đầu tư rút vốn ra khỏi thị trường mới nổi.

Vì vậy, cần đảm bảo sự cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Trong phiên họp của Chính phủ ngày 22-9, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá thì đồng tiền VN ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là kiểm soát lạm phát. Năm nay, lạm phát của VN sẽ được kiểm soát dưới mức 4%.

Thời điểm này thực sự không thuận lợi cho nhà đầu tư bất động sản và chứng khoán kiếm lợi mà chỉ bảo toàn vốn.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì các giải pháp theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp.

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy VN đang đối diện với các diễn biến phức tạp từ kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng GDP VN sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và tăng 6,7% trong năm tới. Với mức dự báo tăng trưởng như vậy, VN sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023.

Trái ngược với ý kiến lo lắng, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính - kinh tế, phân tích việc Fed nâng lãi suất nằm trong dự báo, không có gì đáng lo. Fed tăng lãi suất sẽ làm tăng giá trị đồng USD, thu hút vốn đầu tư về Mỹ. Việc tăng giá trị USD cũng làm giảm tương ứng giá trị của các đồng tiền khác trên thế giới. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành tỉ giá hối đoái của mỗi quốc gia.

Cụ thể như VN, việc điều hành tỉ giá hối đoái vẫn tốt và ổn định. Giữ ổn định tỉ giá đồng VN so với USD là giúp ổn định lạm phát cơ bản, từ đó góp phần ổn định giá cả hàng hóa và đảm bảo chỉ số lạm phát ở mức thấp.

“VN giữ ổn định được tỉ giá đồng VN so với USD, mà hợp đồng xuất nhập khẩu của chúng ta có đến 70% là bằng USD. Giữ ổn định được tỉ giá đồng nghĩa với việc giữ ổn định lĩnh vực xuất nhập khẩu” - ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, thị trường tài chính VN vẫn ổn định, thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào nền kinh tế của VN. Dòng tiền mới từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tăng, thể hiện VN vẫn là điểm đến tốt của giới đầu tư.

Vàng vẫn là kênh đầu tư an toàn

Dù chứng khoán và bất động sản có tỉ suất lợi nhuận cao nhưng phải thấy rằng biến động của hai kênh đầu tư này cũng rất kinh khủng, cộng thêm yếu tố bất lợi là phụ thuộc nhiều vào chính sách kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, vàng cũng ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều và trực tiếp như chứng khoán hay địa ốc. Thời điểm hiện nay đến cuối năm, vàng vẫn là kênh đầu tư an toàn.

Chuyên gia kinh tế TRẦN THANH HẢI, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng VN (VGB)

Bất động sản, chứng khoán ra sao?

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho biết Fed tăng lãi suất thể hiện chi phí tài chính sẽ tăng và tiếp sức cho đồng USD tăng cao.

Về nguyên tắc, lãi suất tăng thì không tốt cho thị trường chứng khoán thế giới nhưng VN có thể không bị tác động mạnh. Lý do là thị trường chứng khoán VN không phải là thị trường có tính liên thông trực tiếp với một số thị trường tài chính thế giới dưới tác động lãi suất của Fed.

Chứng khoán VN chịu ảnh hưởng bởi tâm lý nhà đầu tư trong nước và các yếu tố cung cầu khác. Do đó, Fed tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến kênh đầu tư này tại VN.

“Thời điểm này thực sự không thuận lợi cho nhà đầu tư bất động sản và chứng khoán kiếm lợi mà chỉ bảo toàn vốn. Bất động sản đang có nhiều điều chỉnh hợp lý về giá cả, chứng khoán cũng trong giai đoạn ổn định, cấu trúc lại.

Lạm phát VN vẫn tăng thấp hơn so với lãi suất, tức là người gửi tiền ngân hàng vẫn thực dương nên giai đoạn này với đa số nhà đầu tư thì kênh gửi tiền tiết kiệm là an toàn, tốt nhất trong ba tháng cuối năm” - TS Hiển khuyến nghị.

Đồng quan điểm với TS Hiển, kênh gửi tiền vẫn an toàn nhưng theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh kênh chứng khoán, bất động sản vẫn có nhiều cơ hội.

Cụ thể, ông Thịnh dẫn chứng ngày 16-9-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế.

Biện pháp chủ yếu thời gian qua là huy động thông qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu bổ sung, trái phiếu DN. Nghị định 65 theo đánh giá của các chuyên gia là mở ra nhiều cơ hội cho DN huy động vốn thông qua hoạt động phát hành trái phiếu. Tất nhiên, việc phát hành này sẽ đòi hỏi các yêu cầu chặt chẽ hơn để đảm bảo thị trường trái phiếu trở thành nguồn cung tốt nhất; đồng thời bảo đảm quyền lợi, an toàn cho chứng khoán nói riêng cũng như toàn bộ hệ thống tài chính, tiền tệ của VN nói chung.

“Khi DN có dòng vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, có nhiều tiềm năng tăng trưởng thì cơ hội nhà đầu tư cổ phiếu vẫn có trong dài hạn. Một số ngân hàng nới room tín dụng cũng là tín hiệu làm ấm dần thị trường bất động sản” - ông Thịnh chia sẻ.•

Nguồn: plo.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm