Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Đầu tư cho thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển

Sáng nay (5/11), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Lễ hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021. Cũng trong buổi lễ, Vụ Pháp chế - Bộ VHTTDL đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL.

Hoàn thiện thể chế, pháp luật đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

Ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL cho biết, năm 2021 được Chính phủ xác định là năm của thể chế, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tinh thần coi nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế là một trong ba đột phá chiến lược. Vì vậy, nội dung trọng tâm hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2021 của Bộ VHTTDL được xác định là hoàn thiện thể chế, pháp luật đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL báo cáo tại buổi lễ.

Từ đầu năm đến nay, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ ký ban hành 3 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư; tiếp tục triển khai xây dựng các dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và 5 Nghị định có liên quan. Đề án xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình theo từng giai đoạn, được thường xuyên đánh giá, tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả.

Năm 2021 cũng là năm Bộ thực hiện nhiều công việc rà soát theo yêu cầu của Chính phủ, Tổ công tác của Chính phủ, các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến còn phức tạp.

Ông Lê Thanh Liêm cho biết, tính đến hết tháng 10 năm 2021, Bộ đã tiến hành rà soát khoảng 900 lượt văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đặc biệt là các quy định gắn với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của ngành.

Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được triển khai phục vụ các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quản lý nhà nước với những hình thức phù hợp. Công tác tổ chức thi hành pháp luật cũng được chú trọng. Các giải pháp để tăng cường thực thi pháp luật được triển khai đồng bộ.

Ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá cao những kết quả mà Bộ VHTTDL đã đạt được trong việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng và công tác phổ biến, xây dựng pháp luật nói chung. Đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo toàn diện, có hiệu quả của Lãnh đạo Bộ VHTTDL và phối kết hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để cùng nhau hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của ngành.

Trong khi đó, ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ mong muốn, Bộ VHTTDL tiếp tục quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường đổi mới, sáng tạo, tập trung triển khai thực hiện định hướng của Bộ Chính trị bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, khả thi. Bảo đảm việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ sửa đổi, bổ sung, ban hành các dự án luật chuyên ngành, như dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi), dự án Luật Nghệ thuật biểu diễn, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định, đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật.

Phải tháo gỡ được những điểm nghẽn về thể chế

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) ra đời với mục tiêu nhằm tôn vinh hiến pháp và pháp luật Việt Nam, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật của tổ chức và mọi công dân. Đồng thời cũng để ghi nhớ sự kiện bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được ban hành vào năm 1946.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Nhấn mạnh muốn quản lý tốt thì phải có công cụ pháp luật hiệu quả, với quan điểm đầu tư cho thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển, Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng pháp luật được xác định là một trong những khâu trọng yếu của ngành VHTTDL. Nói về công tác xây dựng thể chế của Bộ VHTTDL trong thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, nhờ sự tham mưu hiệu quả của Vụ Pháp chế, công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội ban hành một số bộ luật quan trọng để quản lý các lĩnh vực được giao nhiệm vụ; tập trung xây dựng các nghị định trong điều kiện chưa có bộ luật để quản lý; ban hành nhiều thông tư kịp thời để công tác quản lý nhà nước ngày càng đi vào nề nếp.

Các đơn vị thuộc Bộ đã ý thức một cách đầy đủ khi thực hiện quy trình lập pháp luật quy, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nằm trong một chính thể đúng quy định, quy trình quy phạm với chất lượng ngày càng cao. Nhờ đó, các bộ luật đã đi vào thực tiễn cuộc sống, có tuổi thọ dài, đóng góp tích cực vào quá trình lập pháp của đất nước.

Bộ trưởng cho biết: "Khái quát lại điều đó để chúng ta thấy được sự nỗ lực của Vụ Pháp chế và công tác xây dựng pháp luật của Bộ trong thời gian qua. Trong đó, việc nhận Huân chương Lao động hạng Nhất là minh chứng rõ ràng nhất".

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trên tinh thần cầu thị, công tác xây dựng luật pháp của ngành vẫn còn nhiều hạn chế khó khăn. Bởi, những vấn đề trong thực tiễn đời sống luôn đặt ra và đi trước những vấn đề của quy phạm pháp luật. "Mong muốn của chúng ta là phải tháo gỡ những khó khăn do thể chế, những rào cản về quy định để thúc đẩy ngành phát triển nhưng quá trình thực hiện vẫn chưa được nhịp nhàng, có lúc còn chậm trễ" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặt vấn đề sau Lễ hưởng ứng thì cần phải làm gì để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, Bộ trưởng cho rằng, các hoạt động cần tiếp tục chuyển đổi nhận thức, công tác xây dựng thể chế phải đi vào chiều sâu, đi kèm với đó là phải có hành động cụ thể.

Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, nhất là Vụ Pháp chế cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, Đảng viên để có nhận thức đúng đắn về xây dựng pháp luật. Coi trách nhiệm xây dựng pháp luật là một trong những khâu trọng yếu của thể chế.

Nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong vấn đề góp phần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội thông qua. Trong nhiệm kỳ này, sau khi rà soát chúng ta thấy còn phải ban hành và trình Quốc hội 5 bộ luật để nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước.

Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng luật phải làm sao để có chiều sâu và hàm chứa sự phát triển, Bộ trưởng lấy ví dụ: "Như Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa qua với hai trụ cột quan trọng vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là một ngành kinh tế".

Từ đó, ông đặt vấn đề: "Khi xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn phải trên trụ cột gì? Hoặc Luật Thể dục, Thể thao sắp tới sửa phải đặt bài toán kinh tế thể thao trong Luật ra sao, đây là xu hướng phát triển không thể đi ngược".

Toàn cảnh buổi lễ.

Theo Bộ trưởng, nêu những dẫn chứng cụ thể đó để suy nghĩ và đào sâu trong cách tiếp cận, sử dụng lực lượng chuyên gia, đánh giá được tác động, có như vậy khi trình Luật cho cơ quan có thẩm quyền mới đáp ứng được từng khâu trong quá trình làm. Còn nếu không luật sẽ xa rời giữa mong muốn và thực tiễn.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, các nghị định ban hành sau khi luật ra đời phải tháo gỡ được những điểm nghẽn về thể chế để các thành phần kinh tế được phát triển, nhất là các hoạt động trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

"Trước đại dịch Covid-19 tác động gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, trong đó có du lịch và các hoạt động nghệ thuật, thể thao. Chúng ta cần phải suy nghĩ xem cần tháo gỡ bằng nghị định nào?" - Bộ trưởng gợi mở.

Nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ pháp chế, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế Vụ Tổ chức cán bộ tổng rà soát lại để báo cáo lãnh đạo Bộ. "Đây chính là đội ngũ tiên phong giúp lãnh đạo Bộ trong công tác xây dựng thể chế. Vì vậy, cần có cán bộ am hiểu về pháp luật, nhiệt huyết và trách nhiệm theo dõi pháp chế ở các đơn vị."- Bộ trưởng yêu cầu.

Cũng theo Bộ trưởng, các sản phẩm luật được tham mưu từ Bộ phải trên tinh thần "chậm nhưng chắc, nhanh nhưng đảm bảo và đáp ứng được yêu cầu". Khi xây dựng pháp luật cần chú trọng đến vấn đề phân cấp, phân quyền để tránh giao thoa, chồng lấn./.

Nguồn: https://toquoc.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-dau-tu-cho-the-che-chinh-la-dau-tu-cho-su-phat-trien-20211105153934749.htm

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm