Chóng mặt với giá thực phẩm tăng trước giờ TPHCM giãn cách

Trước giờ Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, giá nhiều mặt hàng tươi sống bỗng tăng dựng đứng...

“Cắn răng” mua rau

Ghi nhận tại một số chợ dân sinh tại TPHCM trưa ngày 8/7, nhiều mặt hàng rau củ, thực phẩm tươi sống có giá tăng vọt.

“Sáng nay tôi đi chợ gần nhà và rất bất ngờ khi nhiều mặt hàng rau xanh, thủy hải sản, thịt cá đều tăng giá. Như giá rau cải xanh, cải ngọt ở mức 30.000-40.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg so với thời điểm một tuần trước. Dưa leo lên 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; rau mùng tơi 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; xà lách 60.000 đồng/kg, bắp cải tăng vọt lên 40.000 đồng/kg, khổ qua 50.000 đồng/kg...” – chị Minh (ngụ Q.Tân Bình) chia sẻ.

Trong khi đó, chị Lan Anh (ngụ Q.3) cho hay, do quận không còn chợ truyền thống nào hoạt động nên chị phải đến quận 1 để mua sắm. “Bầu chỉ có 2 trái bé xíu nhưng giá tới 70.000 đồng, rau muống 50.000 đồng/kg (tăng giá gấp đôi), hột vịt 5.000 đồng/trứng… Trong khi nghe nói thực phẩm không thiếu, nhưng giá tăng cao thế này rất kỳ lạ” – chị Lan Anh đặt vấn đề.

Rau xanh, thịt cá là những thực phẩm tăng giá cao nhất

Anh Trần Văn Nam (ngụ P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM) gần như chịu trận khi không thể chọn mua được thực phẩm như ý. “Sáng nay tôi đến cửa hàng tiện lợi gần nhà, trong cửa hàng gần như vắng bóng các loại thịt heo, gà, cá… và rau xanh. Chỉ còn mấy quả dưa hấu nhỏ nhưng giá cũng vọt lên 16.000 đồng/kg, trong khi trước đó chỉ 9.900 đồng/kg”. Đi thêm ba – bốn cửa hàng tiện lợi khác, anh Nam mới gom được mớ rau, ký thịt, ít trái cây và vài con cá với tổng số tiền gần cả triệu đồng. “Mua hàng lúc này đắt hơn cả ngày tết” – anh Nam nhận xét.

Mặt hàng thịt heo, thủy hải sản tại chợ cũng tăng mạnh. Sườn non lên mức 180.000-200.000 đồng/kg thay vì 170.000 như trước; ba rọi 150.000-160.000 đồng/kg, nạc vai 130.000-140.000 đồng/kg; cá lóc tăng gấp đôi ngày thường lên 120.000 đồng/kg; tôm 230.000 đồng/kg; cá nục 140.000 đồng/kg...

Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho thấy, giá heo mảnh tại chợ Hóc Môn (giao hàng tại lò mổ) ngày 8/7 lên đến 108.000 đồng/kg.

Chóng mặt với giá thực phẩm tăng trước giờ TPHCM giãn cách ảnh 2

Thịt heo tăng phi mã khi các chợ đầu mối đóng cửa

Trước đó, ngày 5/7, giá heo mảnh tiêu thụ tại chợ đầu mối Hóc Môn là 70.000 - 86.000 đồng/kg; Bình Điền 60.000 - 68.000 đồng/kg (thời điểm chợ Bình Điền chưa tạm ngưng hoạt động). Tuy nhiên sau đó, giá heo mảnh tại 2 chợ đã vọt lên 90.000 đồng/kg. Theo phản ánh của thương nhân, chợ tiêu thụ rất nhanh kể cả heo mỡ.

Như vậy, sau 2 ngày chợ Bình Điền ngưng giao dịch, giá heo mảnh hôm nay tăng 22.000 - 38.000 đồng/kg do chi phí vận chuyển tăng mạnh và nhiều chi phí khác ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tăng phát sinh.

Công bố hàng điểm bán thực phẩm

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân TPHCM mua sắm các mặt hàng thiết yếu, Sở Công Thương TP đã công bố danh sách 2.833 điểm bán của tất cả các hệ thống phân phối hiện đại ở các quận, huyện và TPThủ Đức… gồm 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi

Danh sách này bao gồm tên siêu thị, cửa hàng thực phẩm tổng hợp, cửa hàng tiện lợi,... thuộc các hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Satra Foods, siêu thị Satra, siêu thị MM Mega Market, Big C, Go!, LOTTE Mart, Aeon, Bách Hoá Xanh, Aeon, Vinmart, Binmart+, Emart, Circle K, Cửa hàng B's mart, MiniStop, Family Mart,... Tất cả các điểm bán đều ghi rõ địa chỉ, thông tin liên hệ, số điện thoại liên hệ, thời gian mở cửa, hình thức giao hàng trực tuyến... để người dân có thể tìm kiếm, liên hệ mua hàng tại điểm bán phù hợp nhất.

Chóng mặt với giá thực phẩm tăng trước giờ TPHCM giãn cách ảnh 3

Nhiều mặt hàng nhanh chóng hết sạch tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi

Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, với việc cung cấp thông tin cụ thể về địa điểm, thời gian hoạt động, thông tin liên lạc, hình thức giao hàng, cập nhật tình trạng đang hoạt động hay tạm dừng của điểm bán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm trong giai đoạn hiện nay. Danh sách này sẽ được phổ biến xuống từng quận, huyện, phường xã để người dân có thể tiếp cận và phục vụ nhu cầu mua sắm.

Tại cuộc họp chiều 7/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM khẳng định, Thành phố không lo thiếu thực phẩm. Nguồn cung hàng hóa cho sẽ luôn được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khi ba chợ đầu mối dừng hoạt động.

“Ba chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức dừng hoạt động không có nghĩa là tiểu thương dừng mua bán. Bởi hiện nay cơ quan chức năng đã điều chỉnh các hoạt động của ba chợ đầu mối thành hình thức giao dịch trực tuyến. Chợ đầu mối chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa đến các nơi, Thành phố sẽ điều phối để các khu vực đều đáp ứng đủ nhu cầu của người dân” – ông Vũ cho biết.

Nguồn Tienphong

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm