Chứng khoán phái sinh là 'tội đồ' làm méo mó thị trường cơ sở?

Trái ngược với không khí u ám cũng như lượng thanh khoản èo uột trên thị trường cơ sở, giao dịch trên thị trường phái sinh thời gian gần đây lại 'vui như tết', khiến nghi hoặc về câu chuyện thị trường phái sinh là nguyên nhân chính gây tác động tiêu cực lên thị trường cơ sở. Đối diện với vấn đề này, nhiều luồng ý kiến trái chiều được đưa ra.

Hơn một tháng trở lại đây, trên thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở, hàng loạt cổ phiếu giảm sàn liên tục, không ít mã giảm tới 40%-50%, thậm chí những doanh nghiệp niêm yết kinh doanh tốt, tăng trưởng ổn định cũng rơi vào “vòng xoáy” một cách khó hiểu.

Những dấu hiệu bất thường

Trong bối cảnh đó, giao dịch trên TTCK phái sinh lại “tấp nập” với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tới 30.000 - 40.000 tỷ đồng, nhiều phiên còn lên tới 50.000 - 60.000 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chứng khoán phái sinh “nóng” quá mức là tác nhân khiến thị trường cơ sở trầm lắng và sụt giảm nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Mặc dù con số nêu trên là "ảo" bởi phái sinh có tính đòn bẩy và nhà đầu tư có thể đóng mở vị thế liên tục làm tăng giá trị giao dịch, song nhiều ý kiến vẫn giữ quan điểm việc phái sinh “nóng” quá mức là tác nhân khiến thị trường cơ sở trầm lắng và sụt giảm nghiêm trọng. Hơn nữa, các hợp đồng phái sinh VN30F1M, VN30F2M… được tính dựa trên chỉ số VN30 nên biến động của TTCK phái sinh có thể tác động tiêu cực đến TTCK cơ sở.

Những nghi hoặc này được cho là dễ hiểu bởi thực tế cho thấy, khi cổ phiếu bị bán tháo ồ ạt cũng là lúc thị trường phái sinh lao dốc mạnh và ngược lại, thậm chí có phiên VN30F1M được kéo lên kịch trần chỉ trong vài phút và ở phía cở sở, cổ phiếu cũng tăng mạnh.

“Đúng là đang có những dấu hiệu bất thường trên thị trường phái sinh”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét.

Ông Minh phân tích: trên lý thuyết, phái sinh thể hiện tâm lý thị trường và đi theo thị trường cơ sở. Nhưng với thị trường Việt Nam, từ khi đưa vào hoạt động chứng khoán phái sinh đến nay đã xảy ra một số trường hợp tác động ngược, tiêu cực tới thị trường cơ sở. Chưa kể, thời gian gần đây, thị trường xuất hiện nhiều tin đồn tiêu cực làm cho cổ phiếu giảm sàn hàng loạt khiến nhà đầu tư lo sợ. Nhiều cổ phiếu bị dư bán sàn, nhất là cổ phiếu bất động sản, thậm chí cả những “ông lớn” tạo thành làn sóng… và từ đó, nhà đầu tư lớn kỳ vọng thị trường cơ sở giảm sâu nên họ đặt lệnh Short (bán khống) trên phái sinh để kiếm lời.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam chỉ rõ, nếu ai đó muốn làm “ảo thuật” trên TTCK phái sinh cần phải có nguồn tiền và dòng tiền. Ví dụ, khi nhà đầu tư đặt lệnh Long (kỳ vọng giá lên) trên giao dịch phái sinh thì phải đồng thời mua vào cổ phiếu trên thị trường cơ sở thì mới hưởng lợi và ngược lại. Trong khi đó, quy mô giao dịch của thị trường cơ sở hiện xuống còn chưa tới 10.000 tỷ đồng thì lượng vốn cần để can thiệp vào thị trường cơ sở nhằm hưởng lợi trên phái sinh là chuyện tương đối dễ dàng với các “cá mập”.

Giới phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến TTCK phái sinh có cơ hội làm “méo mó” TTCK cơ sở là do một số công ty chứng khoán đang cấp tỷ lệ ký quỹ (margin) cho nhà đầu tư tham gia phái sinh quá thấp. Hơn nữa, giao dịch trên thị trường phái sinh là giao dịch T0 có thể mua bán ngay, thay vì thị trường cơ sở mua cổ phiếu phải chờ 2 ngày sau mới về tài khoản (T+2,5) nên nhiều rủi ro hơn.

Vẫn nên kiểm soát chặt

Theo các chuyên gia, dù chỉ số cơ sở của phái sinh là VN30 nên có thể thao túng giá của một số cổ phiếu trong rổ VN30 để trục lợi trên vị thế Long/Short, tuy nhiên, mỗi cổ phiếu trong VN30 đều có khả năng kéo chỉ số ở mức độ nhất định. Kéo giá một vài cổ phiếu cũng chỉ ảnh hưởng 1-2 điểm trên thị trường. Việc giao dịch với khối lượng lớn mới khiến chỉ số thay đổi, song chi phí cho việc này vô cùng lớn khi vị thế trên thị trường phái sinh lại có giới hạn.

Mặt khác, việc thay đổi điểm số còn phụ thuộc rất nhiều vào các cổ phiếu khác. Trừ khi sử dụng khối lượng mua bán “đột biến” áp đảo toàn bộ lệnh đối nghịch trên thị trường thì chắc chắn việc thao túng sẽ thành công, nhưng việc này khác nào “đem muối bỏ bể” và rất dễ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện. Chỉ có khả năng là các tổ chức hoặc quỹ lớn cơ cấu danh mục mới tạo ra khối lượng quy mô giao dịch lớn như vậy. Tuy nhiên, khi biết trước việc bán ra khối lượng lớn sẽ khiến chỉ số giảm sâu, thì việc các tổ chức Short để giảm thiểu rủi ro không được coi là thao túng.

Chưa kể, để hạn chế những ảnh hưởng của chỉ số VN30 đến TTCK cơ sở trong ngày đáo hạn phái sinh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán thực hiện điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây.

Theo ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch Phái sinh, Chứng khoán SSI, sản phẩm nào cũng có cái lợi của nó. Tại thị trường phái sinh Việt Nam, nhà đầu tư quan tâm đến hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và nó trở thành công cụ giúp phòng ngừa rủi ro từ cơ sở. Đây cũng là một trong những mục tiêu đưa ra cho sản phẩm này.

“Nếu như nói rằng phái sinh gây lũng đoạn TTCK, mối liên hệ gần như không có. Như trên thị trường Mỹ, hợp đồng tương lai xuất hiện cách đây 30-40 năm và nhà đầu tư hưởng lợi rất nhiều từ sản phẩm này trong phòng ngừa rủi ro. Thay vì phải bán cổ phiếu ra, có thể dùng hợp đồng phái sinh để “hedging” giảm độ lỗ của danh mục. Nếu như không có công cụ phái sinh, nhiều người sẽ bán ra cổ phiếu hơn, gây ảnh hưởng lớn tới TTCK”, ông Thông phân tích.

Đến thời điểm hiện tại, có hay không chuyện chứng khoán phái sinh ảnh hưởng đến thị trường cơ sở vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp rõ ràng. Tuy nhiên, số đông ý kiến cho rằng vẫn nên kiểm soát chặt giao dịch phái sinh.

Các chuyên gia đề xuất, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu cơ chế để phát hiện các giao dịch đáng ngờ. Đó là tìm những mối liên kết giữa nhà đầu tư trên TTCK cơ sở và phái sinh, nếu những tài khoản đó có dấu hiệu trục lợi cực lớn, như đầu tư một khoản tiền cực lớn theo hợp đồng Short của phái sinh, đồng thời nắm giữ một lượng cổ phiếu lớn có tác động đến rổ chỉ số và có bán ra tại cùng thời điểm giá giảm sâu... Khi đó, có thể xử lý theo dạng vi phạm, có yếu tố thao túng, làm giá, bóp méo thị trường để có biện pháp chế tài, xử lý mạnh. Như ở Mỹ, các giao dịch nội gián bị xử lý rất nghiêm, trong đó có hành vi liên kết nhau để tạo lợi thế, trục lợi trên thị trường.

Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS cũng đề xuất 3 giải pháp để chấn chỉnh TTCK phái sinh. Theo đó, nên kéo giãn thời gian lấy giá trung bình để tính cho giá hợp đồng phái sinh từ mức 30 phút cuối phiên (không tính phiên ATC) hiện nay tăng lên 1 giờ, nhằm giảm việc can thiệp chỉ số trên TTCK cơ sở vì giao dịch lượng cổ phiếu liên tục trong 1 giờ cần chi phí lớn, lượng cổ phiếu lớn và không phải ai cũng có điều kiện để làm điều này.

Đồng thời, tăng tỷ lệ ký quỹ lên 20%-30% để những người đầu tư trên phái sinh đúng nghĩa, bởi mục đích quan trọng nhất của phái sinh là bảo hiểm rủi ro lại khoản đầu tư trên TTCK cơ sở.

Nguồn: vnbusiness.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm