Cơ hội mới cho y tế Cuba trong đại dịch Covid-19
Thuốc điều trị Covid-19 tiềm năng
Khi Đức phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ngày càng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, doanh nhân Georg Scheffer, người điều hành Profümed, một công ty sản xuất các sản phẩm y tế với 150 nhân công ở bang Sachsen, Đức cũng như ở Áo muốn chung tay vào quá trình ngăn ngừa đại dịch này.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã theo dõi sự phát triển và lây lan của virus với mối quan ngại lớn. Ngay sau đó, chúng tôi thấy rõ rằng phải làm gì đó để cứu sống mọi người”. Vì chưa có vaccine chống virus SARS-CoV-2, ông Scheffer muốn nhập Interferon alfa-2b (INFNrec), sản xuất tại Cuba. Doanh nhân này cho biết, ông đã duy trì quan hệ kinh doanh chặt chẽ với Cuba trong nhiều năm. Trong khi, INFNrec thường được sử dụng để tăng cường hệ thống miễn dịch ở bệnh nhân sốt xuất huyết, ung thư hoặc viêm gan B và C. Ở Trung Quốc, nó được sử dụng cùng với các loại thuốc khác để điều trị cho người nhiễm Covid-19 và kết quả rất có triển vọng.
Công ty dược phẩm Cuba BioCubaFarma cho biết, họ cần khoảng 25 ngày để cung cấp cho Profümed đủ thuốc điều trị cho từ 500 đến 1.000 bệnh nhân. Việc vận chuyển sang Đức cũng mất 25 ngày. Nhưng trước tiên, chính quyền Đức phải phê duyệt thuốc và cấp giấy phép nhập khẩu. “Bất kỳ loại thuốc nào muốn đến Đức đều cần có sự cho phép chính thức. Để có cấp phép, công ty dược phẩm phải nộp các tài liệu chứng minh tính hiệu quả, an toàn và chất lượng của thuốc”, Người phát ngôn của Viện Thuốc và Thiết bị Y tế Liên bang Đức (BfArM) tuyên bố.
Thực tế, hiện tại không có loại thuốc chuyên điều trị virus Corona mới nên tất cả thuốc hiện có chỉ mang tính chất hỗ trợ. Doanh nhân Georg Scheffer nộp đơn xin cấp phép từ giữa tháng 3 nhưng chưa có câu trả lời. Mặc dù có thể thất bại tại thị trường Đức, ông Scheffer kỳ vọng sẽ nhập IFNrec vào Tây Ban Nha và các cuộc đàm phán đang rất hứa hẹn.
Bác sĩ Cuba có mặt khắp thế giới
Bên cạnh sự nổi trội về dược phẩm, Cuba cũng được đánh giá là có đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp mang tầm quốc tế. Hãng tin AP của Mỹ mới đây nhận định, đại dịch Covid-19 đã mở cơ hội mới cho chính sách ngoại giao y tế của Cuba, khi các bác sĩ nước này đã lên đường nhận nhiệm vụ mới để chiến đấu với Covid-19 tại ít nhất 14 quốc gia, trong đó có Italia hay công quốc nhỏ bé Andorra trên biên giới Tây Ban Nha - Pháp.
Tại thành phố Crema thuộc khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh ở miền Bắc Italia, quân đội đã lập một bệnh viện dã chiến với 32 giường được trang bị oxy và 3 giường có máy thở. Nhưng bác sĩ ở đâu khi khắp nơi đều thiếu nhân sự? “Ai đó nói với tôi, hãy viết thư gửi Bộ Y tế Cuba”, ông Giulio Gallera, quan chức về an sinh xã hội của Lombardy nhớ lại. Khoảng 1 tuần sau, hôm 22-3, 52 bác sĩ từ Havana, vẫy cờ Cuba và Italia khi hạ cánh xuống sân bay Milan. Người dân địa phương vui mừng gửi tặng họ quần áo ấm và xe đạp để tiện di chuyển khi làm việc.
“Đó là một khoảnh khắc mang tính biểu tượng mạnh mẽ vì bệnh viện Crema đã trải qua một tình huống cực kỳ phức tạp ngay từ đầu. Số lượng bệnh nhân đã đầy khắp, nhưng họ vẫn tiếp tục nhập thêm vào phòng cấp cứu và các khoa điều trị khiến đội ngũ nhân viên y tế thực sự khó khăn”, ông Giulio Gallera nói.
Lây nhiễm là một trong những nguy cơ nghiêm trọng đối với đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu. Chỉ riêng ở Italia, hơn 10.000 nhân viên y tế đã nhiễm Covid-19 và ít nhất 69 bác sĩ đã qua đời. Vậy mà trong cuộc chiến cam go này, các bác sĩ Cuba đã bất chấp hiểm nguy, tới các khu vực có dịch để thực hiện công việc của mình. Với họ, làm nhiệm vụ quốc tế là một lẽ, bên cạnh đó còn vì lòng nhân đạo, khi rất nhiều người có thể chết vì một bệnh dịch bùng phát trong thời gian rất ngắn.
Cuba có số lượng nhân viên y tế trên đầu người tương đối cao, với khoảng 90.000 người trong số 11 triệu dân. Với nền y tế phát triển, hiện Cuba có khoảng 37.000 nhân viên y tế tại 67 quốc gia, cả công tác và tình nguyện. Một số bác sĩ đã được cử đi thực hiện nhiệm vụ viện trợ miễn phí, nhưng nhiều quốc gia hay tổ chức quốc tế trả tiền trực tiếp cho Chính phủ Cuba về các dịch vụ này. Havana cho biết, họ nhận được khoảng 6 tỷ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu dịch vụ công cộng và dịch vụ y tế chiếm phần lớn trong số đó. Khi Brazil trục xuất các bác sĩ Cuba vào năm 2018, một vài chi tiết đã được hé lộ, ví như nước này đã trả 3.100 USD mỗi tháng cho mỗi bác sĩ Cuba.
Nổi bật trong số đơn vị bác sĩ xuyên biên giới của Cuba là Lữ đoàn Henry Reeve, được cựu lãnh tụ Fidel Castro thành lập năm 2005 và đặt theo tên của một tình nguyện viên người Mỹ ở thế kỷ 19, người đã chiến đấu cho nền độc lập của Cuba khỏi thực dân Tây Ban Nha. 593 bác sĩ từ Lữ đoàn Henry Reeve đã được cử đến các quốc gia xa xôi như Suriname, Jamaica, Dominica, Belize, Saint Vincent và Grenadines, St. Kitts và Nevis, Venezuela và Nicaragua. Trước đây, Lữ đoàn Henry Reeve đã có kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm, nổi tiếng là giúp chống virus Ebola ở Tây Phi vào năm 2014.
Nguồn: Báo ANTĐ