Công ty kinh doanh bết bát nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng hàng chục lần

Dòng tiền đầu cơ đang giúp nhiều nhóm cổ phiếu tăng bất ngờ đến hàng chục lần, thậm chí doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh.

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn tăng nóng khi VN-Index liên tục lập các đỉnh mới. Tuy nhiên sự phân hóa là khá rõ ràng khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch ảm đạm và chưa có nhiều bứt phá.

Trong khi đó, động lực tăng điểm của thị trường chủ yếu đến từ sự hưng phấn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đặc biệt, dòng tiền lớn lại tìm đến cổ phiếu dạng penny. Làn sóng đầu cơ giúp hàng loạt mã chứng khoán tăng đột biến thời gian vừa qua.

Theo báo cáo của VNDirect, dòng tiền có dấu hiệu rút nhẹ ở nhóm vốn hóa lớn khi thanh khoản bình quân trong tháng 10 giảm nhẹ. Ngược lại giá trị giao dịch bình quân của chỉ số VNSML-Index (đại diện cho các mã vốn hóa nhỏ) trong tháng vừa qua tiếp tục tăng 4,7%.

Cổ phiếu nhỏ mang tính đầu cơ tăng vượt trội so với thị trường chung. Đồ thị: TradingView.

Cổ phiếu “họ” Sông Đà lại tăng sốc

Gây ấn tượng nhất gần đây là cổ phiếu SDA của Công ty Cổ phần Simco Sông Đà khi tăng một mạch từ khoảng 4.500 đồng (đầu tháng 9) lên hơn 68.200 đồng như hiện nay, tương đương với mức tăng giá hơn 15 lần.

Trong số 61 phiên giao dịch gần nhất, mã này đã có đến 23 phiên tăng hết biên độ với sắc tím. Đi cùng với đó là thanh khoản được cải thiện nhanh chóng do dòng tiền đầu cơ nhập cuộc, giá trị giao dịch bình quân gần đây đạt hơn 300.000 cổ phiếu, gấp 5 lần một năm trước đó.

Đà tăng này là khá bất ngờ khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khá nghèo nàn. Simco Sông Đà liên tục thua lỗ trong giai đoạn 2016-2019 do sai lầm đầu tư, thay vì tập trung mảng chủ lực xuất khẩu lao động thì công ty lại rót tiền vào dự án khai thác đá tại Myanmar thiếu hiệu quả.

Năm 2020 tình hình có khởi sắc hơn khi công ty báo lãi 4,6 tỷ đồng, tuy nhiên phần lớn đến từ việc bán các khoản đầu tư. Kết quả 9 tháng đầu năm nay cũng không có nhiều đột biến, khi doanh thu tăng nhẹ và lãi đi ngang hơn 6 tỷ đồng.

Thông tin hỗ trợ gần đây là việc Simco Sông Đà ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Đầu tư Công nghệ Smarttech Việt Nam với vai trò là đối tác phân phối các sản phẩm công nghệ cao ra thị trường. Công ty cũng đang triển khai họp bất thường và bầu bổ sung thành viên HĐQT.

Cổ phiếu họ Sông Đà lại tạo sóng lớn sau giai đoạn năm 2007. Đồ thị: TradingView.

Tổng công ty Sông Đà (Mã: SJG) - ông lớn ngành xây dựng - cũng chứng kiến sự bứt phá của cổ phiếu SJG. Mã chứng khoán tăng tốc từ khoảng 6.000 đồng (cuối tháng 3) lên 22.700 đồng như hiện tại, tương ứng mức tăng gần 280%.

Thanh khoản cũng tạo điểm nhấn khi từ thời điểm đầu năm nay hầu như không có giao dịch nhưng hiện nay đã có giá trị thanh khoản hàng tỷ đồng mỗi phiên khớp lệnh.

Đây là 2 mã dẫn đầu cho xu hướng tăng nóng bỏng tay của cổ phiếu “họ” Sông Đà. Hàng loạt mã chứng khoán khác cũng ghi nhận sự đột biến với mức tăng giá vài lần trong một vài tháng gần đây. Chẳng hạn nhóm 9 mã chứng khoán của Công ty Sông Đà 1 đến Công ty Sông Đà 9 (SD1-SD9) hay một số mã có yếu tố liên quan như ASD, SCL, MEC, S12, S27, S55, S96…

Đà tăng gần đây của nhóm này lại gợi nhắc về “con sóng thần” cũng từng diễn ra vào giai đoạn thị trường chứng khoán tăng mạnh năm 2007. Khi đó, nhiều mã họ sông Đà đồng loạt tăng giá vài lần bất chấp quy mô và bức tranh tài chính của doanh nghiệp.

Tuy nhiên cú lao dốc của thị trường năm 2008 cũng khiến cổ phiếu nhóm Sông Đà tụt dốc không phanh. Đơn cử như SDA từng có giá 3 con số lao dốc thẳng đứng xuống dưới mệnh giá, sau đó phục hồi nhẹ và tiếp tục rơi về vùng đáy chỉ còn 2.400 đồng/cổ phiếu, gần như mất hết giá trị.

Dòng tiền đầu cơ đẩy giá cổ phiếu

Không chỉ có cổ phiếu nhóm Sông Đà, dòng tiền đầu cơ xuất hiện trên khắp thị trường chứng khoán khiến nhiều nhóm cổ phiếu khác cũng bứt phá không kém cạnh và tạo nên sự sôi động chung.

Cổ phiếu LIC của Tổng công ty Licogi dẫn đầu cho xu hướng tăng giá của nhóm này khi có chuỗi tăng trần ấn tượng lên 37.900 đồng, tương ứng gấp gần 7 lần so với thời điểm đầu năm. Từ việc mất thanh khoản, mã này hiện cũng được khớp lệnh hàng trăm nghìn cổ phiếu mỗi phiên.

Các doanh nghiệp có tiền tố Licogi khác cũng có mức tăng ấn tượng không kém. Như Licogi 14 (L14) tăng hơn 5 lần so với đầu năm lên mức 280.000 đồng để trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán. Tương tự là mức tăng bằng lần của Licogi 12, Licogi 13, Licog 16, Licogi 18…

Hoạt động kinh doanh của nhóm Licogi cũng không quá đột biến và quy mô doanh nghiệp tương đối nhỏ. Thậm chí Chứng khoán An Bình (ABS) từng có báo cáo kém khả quan với Licogi 14, bao gồm rủi ro năng lực tài chính và quy mô doanh nghiệp còn khiêm tốn dẫn đến hạn chế nhất định trong việc tiếp cận các dự án lớn.

Dòng tiền đầu cơ đang đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng bất ngờ. Ảnh: Nam Khánh.

Một số cổ phiếu riêng lẻ cũng tăng nóng khá khó hiểu như mã CEO của Tập đoàn CEO. Công ty bất động sản này tiếp tục lỗ sau thuế đến 224 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm và khiến dòng tiền kinh doanh âm hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên trái ngược với sự khó khăn nội tại, cổ phiếu CEO lại giúp cổ đông nhận niềm vui lớn khi tiếp tục tăng trần phiên thứ 7 liên tiếp lên 23.900 đồng/đơn vị. Giá trị vốn hóa theo đó đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 91% so với đầu năm.

Hay như KHB của Khoáng sản Hòa Bình cũng tăng tốc lên khoảng 7.800 đồng/cổ phiếu, gấp 8,7 lần so với đầu năm. Cổ phiếu tăng mạnh nhưng hoạt động kinh doanh vẫn khá nghèo nàn, công ty hầu như không có doanh thu và tiếp tục lỗ hơn 155 triệu đồng kể từ đầu năm.

Cũng thường xuyên trong tình trạng không có doanh thu các năm gần đây nhưng cổ phiếu KSQ của Công ty CNC Capital Việt Nam lại gây sốc với mức tăng giá hơn 5 lần về mệnh giá, mức cao nhất từ 2014 đến nay.

Thậm chí một doanh nghiệp bị buộc phải hủy niêm yết do chưa thể công bố báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp (2018-2020) như DPS của Đầu tư Phát triển Sóc Sơn cũng được đẩy giá mạnh. Thị giá DPS đã gấp 5 lần kể từ khi giao dịch trên UPCoM.

Thực tế dòng tiền tìm đến các cổ phiếu đầu cơ là dễ hiểu khi thị trường chứng khoán bùng nổ dẫn đến sự quan tâm và niềm tin của người dân cao hơn. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới từ đầu năm nay vào khoảng 1,1 triệu đơn vị, lớn hơn 4 năm trước đó cộng lại.

Theo số liệu từ HoSE, thanh khoản bình quân trong 10 tháng đầu năm vào khoảng 19.600 tỷ đồng/phiên, gấp hơn 3 lần so với năm ngoái. Thậm chí một số phiên đầu tháng 11 càng giao dịch tích cực hơn khi giá trị giao dịch toàn thị trường vượt hơn 2 tỷ USD.

Làn sóng nhà đầu tư mới tham gia đã đẩy giá các chứng khoán lên cao. Việc không có nhiều thời gian và kinh nghiệm khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến các cổ phiếu lạ, có câu chuyện riêng hay đơn thuần là cả những tin đồn…

Một môi giới chứng khoán hơn 10 năm kinh nghiệm ở TP.HCM chia sẻ rằng hiện nhu cầu đầu tư chứng khoán rất lớn. Khách hàng chỉ quan tâm làm sao mua bán được cổ phiếu, hôm nay mua được mã chứng khoán nào và mua bao nhiêu, đôi khi không quan tâm đó là doanh nghiệp như thế nào.

Nguồn: https://zingnews.vn/cong-ty-kinh-doanh-bet-bat-nhung-gia-co-phieu-van-tang-hang-chuc-lan-post1277813.html

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm