Công ty vũ khí Đức sẵn sàng chuyển hàng chục xe tăng cũ cho Ukraine

Rheinmetall, một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Đức, tuyên bố sẵn sàng bàn giao 50 xe tăng Leopard 1 cho Ukraine.

Armin Papperger – Chủ tịch Rheinmetall trong một cuộc phỏng vấn hôm 11/4 cho biết công ty của ông đang chuẩn bị để gửi tới Ukraine 50 chiếc xe tăng Leopard 1, và đợt giao hàng đầu tiên có thể sẽ được tiến hành trong vòng 6 tuần tới. Tuy nhiên, thỏa thuận cần phải được chấp thuận bởi chính phủ liên bang Đức.

Papperger giải thích rằng một số xe tăng trong đó đến từ kho khí tài mà quân đội trả lại cho nhà sản xuất và hiện không còn được sử dụng. Số xe tăng này đang được kiểm tra chất lượng.

Xe tăng Leopard 1 được ra mắt vào năm 1965.

Trước đó, chính quyền Ukraine đã nhiều lần yêu cầu các đồng minh phương Tây cung cấp xe tăng và các loại vũ khí hạng nặng khác để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Hôm 11/4, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Annalena Baerbock tuyên bố Berlin sẽ chú ý đến các lời kêu gọi của Kiev, lưu ý rằng "bây giờ không phải là lúc để bào chữa, mà là lúc thúc đẩy sự sáng tạo và chủ nghĩa thực dụng."

Bộ trưởng Kinh tế Đức - Robert Habeck từ chối tiết lộ liệu Berlin có cấp phép giao xe tăng cho Ukraine hay không, nhưng ông khẳng định “sẽ có thêm nhiều lô vũ khí nữa vì Đức đã cam kết hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí”.

Liên quan đến một loại khí tài khác – xe chiến đấu bộ binh Marder, chính phủ Đức mới đây tỏ ra miễn cưỡng khi được hỏi về việc cung cấp loại xe này cho Kiev. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cuối tuần trước mô tả xe Marder là phương tiện “không thể thiếu” để đảm bảo khả năng phòng vệ của Berlin.

Tuy nhiên, Chủ tịch Rheinmetall thông báo rằng công ty đang chuẩn bị gửi từ 50 đến 60 xe Marder (không còn được sử dụng) đến Ukraine. Giống với xe tăng Leopard, số xe chiến đấu bộ binh Marder này cũng sẽ được gửi đi trực tiếp từ các kho dự trữ của Rheinmetall chứ không phải từ kho của quân đội.

Việc công ty vũ khí Đức tuyên bố gửi vũ khí đến Ukraine đã khiến một số chính trị gia từ liên minh cầm quyền đặt câu hỏi, vì những phương tiện này có thể không thực sự hữu ích với Kiev. Quân đội Ukraine vốn chủ yếu được đào tạo để sử dụng khí tài quân sự do Liên Xô sản xuất.

Marcus Faber – một chính trị gia đảng FDP lưu ý rằng để vận hành xe tăng Leopard 1, các binh sĩ cần được đào tạo chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, cả Faber và đồng nghiệp đảng Xanh – Sara Nanni đều đồng tình rằng “nếu Ukraine muốn có xe tăng, thì cần phải có một cách để giải quyết vấn đề này”.

Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin cũng phỏng đoán rằng sẽ mất “vài tuần” để huấn luyện quân đội Ukraine vận hành khí tài của Đức. Hơn nữa, Kiev có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm loại đạn pháo thích hợp với các loại xe quân sự nói trên.

Rheinmetall cũng thừa nhận rằng một dấu hỏi lớn đang được đặt ra là Ukraine sẽ lấy đạn dược từ đâu. Theo báo cáo, hầu hết các quốc gia đã ngừng biên chế xe tăng Leopard 1, chỉ còn một số ít quốc gia vẫn còn sử dụng, như Brazil.

Dù không bình luận sâu về vấn đề đạn dược, nhưng Chủ tịch Rheinmetall vẫn bày tỏ tin tưởng rằng quân đội Ukraine có đầy đủ kinh nghiệm về các loại xe tăng khác, và có thể được huấn luyện để vận hành Leopard 1 “trong vòng vài ngày”.

Không giống Mỹ và Anh, Đức từ đầu đã phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Tuy nhiên trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng từ Ukraine và các đồng minh NATO, Berlin đã thay đổi quyết định và cung cấp 1.000 vũ khí chống tăng, 500 tên lửa phòng không di động từ kho dự trữ của mình cho Ukraine để hỗ trợ đối phó với chiến dịch của Nga. Kế hoạch cung cấp thêm các loại vũ khí cùng loại đã được công bố hồi cuối tháng 3.

Nguồn: https://tienphong.vn/cong-ty-vu-khi-duc-san-sang-chuyen-hang-chuc-xe-tang-cu-cho-ukraine-post1430161.tpo

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm