Đã có vốn cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Sáng 16-12, tại Tiền Giang, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và các ngân hàng hợp vốn chính thức ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho dự án đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT với Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Bốn ngân hàng cấp vốn tín dụng
Tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho dự án là 6.686 tỉ đồng, trong đó: VietinBank là 3.300 tỉ đồng, BIDV là 1.500 tỉ đồng, Agribank là 1.000 tỉ đồng và VPBank là 886 tỉ đồng. Hợp đồng tín dụng nói trên được thay thế bằng hợp đồng tín dụng đã ký giữa doanh nghiệp dự án và bốn ngân hàng từ năm 2018 để phù hợp với tình hình thực tế.
Như vậy đến nay những khó khăn, bế tắc về vốn tín dụng, vốn ngân sách cho dự án đã được khơi thông. Trước đó kể từ khi có quyết định giao vốn của Chính phủ, vào ngày 3-12, dự án đã nhận được 1.390 tỉ đồng trong tổng số 2.186 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước rót về. Phần còn lại, nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị tỉnh Tiền Giang có kế hoạch sớm giải ngân cho dự án để thúc đẩy tiến độ.
Tại buổi ký kết, với tư cách là ngân hàng đầu mối hợp vốn tài trợ cho dự án, ông Trần Minh Bình, Tổng giám đốc VietinBank, cho biết dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong các tuyến cao tốc quan trọng của đất nước. Với tầm quan trọng đó, VietinBank đã tiếp cận, đánh giá dự án ngay từ rất sớm và chủ động đóng vai trò ngân hàng đầu mối mời các tổ chức tín dụng BIDV, Agribank và VPBank cùng tham gia thẩm định, cấp vốn tín dụng trên cơ sở các quy định hiện hành, để ký hợp đồng tín dụng cho vay hợp vốn đối với dự án từ năm 2018.
Cũng theo ông Trần Minh Bình, trước những thay đổi căn bản của dự án trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có ý kiến chỉ đạo kịp thời. Trên cơ sở đó, bốn ngân hàng đã bám sát dự án, đồng hành cùng doanh nghiệp dự án và UBND tỉnh Tiền Giang trong quá trình xây dựng lại phương án tài chính, làm việc với các bên có liên quan hoàn thành báo cáo thẩm định chung phù hợp các nội dung của dự án đã được phê duyệt lại. Theo đó vừa đảm bảo cung ứng vốn vay kịp với tiến độ thi công khẩn trương của dự án, vừa phù hợp với các quy định, quy trình của NHNN và pháp luật có liên quan.
“Chúng tôi hy vọng dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo. Đồng thời đề nghị doanh nghiệp dự án tổ chức công trường, chỉ đạo các đơn vị thi công theo đúng phương án thi công đã được duyệt; phối hợp chặt chẽ với bốn ngân hàng cho vay hợp vốn trong quá trình giải ngân theo quy định vào các hạng mục công trình, đảm bảo hoàn thành mục tiêu thông tuyến trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ông Trần Minh Bình nhấn mạnh.
Khen thưởng nhân viên theo mốc tiến độ
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết nhà đầu tư đã tiếp tục rót vốn, các nhà thầu nỗ lực thi công kể cả khi chưa có vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ, chưa thu xếp xong tín dụng. Nay với các điều kiện tốt hơn doanh nghiệp dự án sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng cấp tín dụng, ban điều hành chỉ đạo ban quản lý dự án, các nhà thầu, tư vấn… để chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ nhằm phấn đấu giải ngân vốn tín dụng trong tháng 1-2020.
Vẫn theo ông Hoàng, sắp tới HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ cùng với ban điều hành tiếp tục quan tâm, động viên công nhân trên công trường tổ chức thi công ba ca/ngày đêm; tổ chức thi đua khen thưởng cho cán bộ, nhân viên theo các mốc tiến độ dự án để tạo động lực…
Ông Hoàng cũng cho hay các hệ thống camera giám sát (24/24 giờ), quản lý chất lượng bằng hình ảnh sẽ được lắp đặt trên toàn tuyến để các thông tin về dự án tiếp tục công khai cho người dân cùng giám sát. Đồng thời các nhà đầu tư, các ngân hàng yên tâm hơn khi đầu tư vào dự án.
Theo ông Hoàng, mặc dù thời gian hoàn thành dự án rất gấp gáp nhưng chủ đầu tư sẽ không vì bệnh thành tích mà cần yêu cầu chất lượng dự án để khi đưa vào sử dụng xứng đáng với vốn của nhà đầu tư đã góp, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ và vốn tín dụng của các ngân hàng đã bỏ ra cho dự án.
“Nhằm quyết tâm đạt được mục tiêu thông tuyến trong năm 2020, hoàn thành dự án trong năm 2021, trên tinh thần không lùi bước, hợp tác thúc đẩy tiến độ, kiểm soát tích cực, chủ động phối hợp, thấu hiểu, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của NHNN và đáp ứng kỳ vọng người dân 13 tỉnh miền Tây, chúng tôi tin rằng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ về đích đúng hẹn, góp phần phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL” - ông Hoàng quả quyết.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51,1 km, điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương); điểm cuối giao với quốc lộ 30 (tại nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang).
Tổng mức đầu tư dự án 12.668 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỉ đồng, vốn vay 6.686 tỉ đồng, còn lại là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Khi hoàn thành đường cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh vùng ĐBSCL, giải quyết được tình trạng quá tải quốc lộ 1 hiện hữu.
Nguồn: Báo PLO