Đại gia kín tiếng ghi dấu đầu tiên đón cơ hội từ Donald Trump

CTCP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ - Hưng Yên, một công ty con của Tổng CTCP Viglacera (VGC) vừa có quyết định thành lập Khu công nghiệp (KCN) Yên Mỹ tại địa bàn các xã Tân Lập, Trung Hòa thuộc huyện Yên Hòa, Hưng Yên.

Dự án có quy mô 280 ha và có thời hạn hoạt động đến 2068.

Đây là bước đi cụ thể đầu tiên sau khi Viglacera tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2019 với khá nhiều nội dung quan trọng được thông qua. Trong đó, thông tin đáng chú ý là việc ông Nguyễn Văn Tuấn (1984), chủ tịch Gelex được bầu làm Chủ tịch HĐQT Viglacera nhiệm kỳ 2019-2024 và VGC tiếp tục thoái vốn và Viglacera mở rộng đầu tư vào bất động sản công nghiệp.

Theo tài liệu ĐHCĐ, Viglacera sẽ triển khai đầu tư 2 khu công nghiệp mới gồm KCN Yên Mỹ (Hưng Yên) với diện tích 280 ha và KCN Yên Phong II-C (Bắc Ninh) với diện tích 221 ha. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị thủ tục đầu tư KCN Đồng Văn IV mở rộng, KCN Thuận Thành (Bắc Ninh).

Nhóm cổ đông do ông Nguyễn Văn Tuấn muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp là bởi đây là một lĩnh vực được đánh giá có nhiều triển vọng trong nhiều năm tới khi mà dòng vốn đầu tư từ nhiều nơi sẽ đổ vào Việt Nam trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến hành cuộc chiến trên nhiều lĩnh vực đối với Trung Quốc.

Gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào lĩnh vực này và BĐS công nghiệp được coi là có triển vọng khá sáng sủa.

CTCP xây dựng và phát triển đô thị Hòa Phát (một thành viên của Tập đoàn Hòa Phát - HPG) của ông trùm ngành thép Trần Đình Long cũng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên xin chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án khu công nghiệp.

Theo đó, Hòa Phát của ông Long muốn được nghiên cứu, lập quy hoạch dự án khu công nghiệp Tân Phúc quy mô 300ha và khu công nghiệp Bãi Sậy 300ha tại tỉnh Hưng Yên.

Năm ngoái, Sacomreal của nhà ông Đặng Văn Thành cũng đã bất ngờ đổi tên thành TTC Land và lấn sân sang BĐS khu công nghiệp. TTC Land sở hữu Khu Công nghiệp Thành Thành Công (TTCIZ) tại Tây Ninh có quy mô 1020 ha, Khu Công nghiệp Tân Kim mở rộng tại Long An hơn 53ha.

Chủ tịch mới của Viglacera Nguyễn Văn Tuấn.

Gần đây, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh, như trường hợp cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG mới lên sàn, hay cổ phiếu NTC của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, Sonadezi (SNZ) tại Đồng Nai, Long Hậu (LHG),…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch vẫn khá ảm đạm. Nhiều cổ phiếu trụ cột giảm giá, trong đó có Vinamilk, Vietinbank, Vincom Retail…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực cung tiềm ẩn từ vùng kháng cự 987-992 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Thị trường có thể chuyển sang trạng thái điều chỉnh tích lũy với vùng hỗ trợ 965-970 điểm để tạo nền giá mới, trước khi được kỳ vọng sẽ bứt phá qua vùng kháng cự trên trong ngắn hạn. Hoạt động mua ròng của khối ngoại vẫn là yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường. Trong khi đó, thông tin kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang được công bố vẫn sẽ tạo ra sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành dựa trên kết quả lợi nhuận của từng doanh nghiệp cụ thể.

Về diễn biến các nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng đã hình thành xu hướng tăng ngắn hạn tuy nhiên áp lực chốt lời có thể sẽ xuất hiện và khiến nhóm này điều chỉnh trong những phiên đầu tuần tới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể chú ý đến các nhóm khác như công nghệ thông tin, thủy sản, xây dựng, chứng khoán…

Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 45-55% cổ phiếu trong giai đoạn này. Với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể xem xét bán trading tại vùng 987-992 điểm. Các nhịp điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho các vị thế ngắn hạn, tập trung vào các cổ phiếu bluechips, vốn hóa lớn được dự báo có kết quả lợi nhuận tích cực trong quý II.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/7, VN-Index giảm 0,3 điểm xuống 982,04 điểm; HNX-Index giảm 0,31 điểm xuống 106,76 điểm và Upcom-Index tăng 0,47 điểm lên 58,01 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,5 ngàn tỷ đồng.

Nguồn: Báo VietnamNet

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm