Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 19/12
Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu được công ty chứng khoán khuyến nghị giao dịch gồm: VGC và VNM.
Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 19/12 gồm: VGC và VNM. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN
Công ty Chứng khoán SSI đưa ra khuyến nghị trung lập với VGC của Tổng Công ty Viglacera.
Viglacera (VGC) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về vật liệu xây dựng (kính, gạch ốp lát và sứ vệ sinh), đồng thời là chủ đầu tư của 11 khu công nghiệp với 879 ha đất còn lại sẵn sàng cho thuê tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Trong đó, một số khách hàng lớn của VGC như Samsung, Accor…
SSI kỳ vọng VGC trong dài hạn sẽ có thể duy trì lợi nhuận ổn định từ các khu công nghiệp hiện có. VGC hiện giao dịch với P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 11,1x và 15,3x. SSI đưa ra giá mục tiêu là 45.500 đồng/cổ phiếu tương đương với tiềm năng tăng giá là 6%.
Tăng trưởng trong quý IV năm 2022 dự kiến sẽ giảm tốc. Dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong quý này lần lượt đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (giảm 33% so với cùng kỳ) và 211 tỷ đồng (giảm 47% so với cùng kỳ) do nhu cầu vật liệu xây dựng giảm và những thách thức của thị trường bất động sản. Đồng thời, giá kính xây dựng giảm 7~8% so với đầu năm.
Quý IV năm 2022, VGC có thể sẽ cho thuê 10ha đất khu công nghiệp với mức giá cao hơn 10% so với cùng kỳ. Cho cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế dự kiến lần lượt đạt 13,8 nghìn tỷ đồng (tăng 23,6% so với cùng kỳ) và 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 47,3% so với cùng kỳ), hoàn thành 133% kế hoạch năm 2022.
Lợi nhuận của VGC năm 2023 dự kiến sẽ kém khả quan hơn, khi giá kính xây dựng dự kiến sẽ giảm và các khu công nghiệp tại Bắc Ninh không còn nhiều quỹ đất cho thuê. SSI dự báo doanh thu thuần năm 2023 là 11,6 nghìn tỷ đồng (hay 487 triệu USD), giảm 16,2% so với cùng kỳ.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) khuyến nghị theo dõi VNM của Công ty Sữa Vinamilk với giá mục tiêu 87.700 đồng/cổ phiếu với phương pháp DCF (50%) và P/E (50%), PE mục tiêu cho năm 2023 là 19 lần, thấp hơn PE trung bình 5 năm là 20 lần do những lo ngại về việc chiết khẩu P/E sâu hơn giai đoạn trước do bối cảnh thị trường và kinh tế chung biến động mạnh.
Quý IV/2022, BSC kì vọng kết quả kinh doanh của Vinamilk sẽ có những tín hiệu tích cực hơn so với quý III. Theo đó, doanh thu thu hẹp đà suy giảm được dẫn dắt bởi doanh thu nội địa nhờ cải tiến sản phẩm và người tiêu dùng thích nghi được với mặt bằng giá mới và kênh truyền thống ghi nhận tăng trưởng từ quý III sau khi tái cấu trúc các chính sách thương mại, cân bằng lợi ích các bên.
Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu tiếp tục giảm 25% so với mức nền cao của cùng kì, do bối cảnh thắt chặt chi tiêu toàn cầu và biến động tỷ giá khiến các sản phẩm xuất khẩu Vinamilk khó cạnh tranh với sản phẩm nội địa.
BSC kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VNM lần lượt đạt 61.883 tỷ đồng (tăng 1,9% so với cùng kỳ) và 10.354 tỷ đồng (tăng 17,6% so với cùng kỳ), tương đương EPS dự phóng năm 2023 là 4.411 đồng, P/E dự phóng năm 2023 đạt 17,6 lần.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 40,6% (dự phóng năm 2022) lên 43,6% (năm 2023) nhờ mức nền giá các sản phẩn sữa trung bình cao hơn từ 1% đến 2% so với giá trung bình của năm 2021 và kì vọng giá nguyên liệu chính tiếp tục giảm từ 15% đến 17% so với cùng kỳ trong 2023.
Ngoài ra, BSC cũng chưa đưa giả định về sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại tác động vào giá sữa bột vào mô hình định giá do chưa đủ dữ kiện. Bởi lẽ, theo dữ liệu của Rabobank, áp lực nhập khẩu sữa bột của Trung Quốc hiện không lớn do sản lượng nhập khẩu của Trung Quốc 6 tháng liên tiếp có xu hướng giảm so với cùng kì và nguồn cung nội địa tăng mạnh, hàng tồn kho dồi dào và nhu cầu tiêu dùng yếu sẽ tiếp tục khiến nhu cầu từ Trung Quốc tiếp tục giảm trong các tháng còn lại của năm 2022 và có thể kéo dài sang năm 2023./.
Nguồn: bnews.vn