Đề xuất TPHCM mở cửa chợ đầu mối, giải tỏa nông sản ùn ứ cho các tỉnh

 Việc các chợ đầu mối tại TPHCM ngưng hoạt động khiến lượng tiêu thụ rau quả tại thành phố đang sụt giảm từ 1/2 đến 1/3 so với ngày bình thường. Điều này khiến hàng hóa từ các tỉnh cung ứng đang bị ùn ứ, ách tắc. Hiện, một số nơi lượng hàng cung ứng bắt đầu chậm lại và giá bán có xu hướng giảm khi đang vào mùa thu hoạch.

Trước lo ngại về việc thiếu lương thực, thực phẩm xảy tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và TPHCM khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao, ngày 15/7, trao đổi với Tiền Phong ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trung bình mỗi năm khu vực này tiêu thụ khoảng 5,5 – 6 triệu tấn gạo.

Hiện các tỉnh ĐBSCL và TP HCM đủ cân đối gạo và còn khoảng 2,72 triệu tấn gạo để xuất khẩu từ giờ đến cuối năm nên không đáng lo.

Ông Cường cũng nhận định, rau, củ, quả nhìn chung vẫn đủ cung ứng. Trong 6 tháng cuối năm, các tỉnh phía Nam dự kiến sản xuất khoảng 287 nghìn ha rau, củ quả với sản lượng 5,7 triệu tấn. Riêng vùng ĐBSCL đạt 140 nghìn ha với sản lượng 2,6 triệu tấn. Trong đó, bình quân mỗi tháng, các tỉnh ĐBSCL cung cấp cho thị trường của khu vực và TP HCM khoảng 433 nghìn tấn rau.

Đề xuất TPHCM mở cửa chợ đầu mối, giải tỏa nông sản ùn ứ cho các tỉnh ảnh 1

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hiện các thương lái, doanh nghiệp hạn chế thu mua do các chợ đầu mối tại TPHCM ngưng hoạt động. Đến nay, khối lượng rau củ quả tiêu thụ tại TPHCM sụt giảm từ 1/2 đến 1/3 so với ngày bình thường. Cụ thể, một số tỉnh như Lâm Đồng trước đây cung cấp cho TPHCM khoảng 700-800 tấn/ngày, nay chỉ còn khoảng 400-500 tấn/ngày. Hay Đồng Nai và Tây Ninh cung ứng khoảng 300 tấn/ngày, nay giảm xuống 200 tấn/ngày.

Theo ông Cường, điều lo nhất là phương tiên vận chuyển. Hiện, quy định phòng dịch giữa các tỉnh còn chưa đồng bộ. Điển hình thủ tục như giấy kết quả xét nghiệm COVID-19 (yêu cầu có giá trị 3,5 hoặc 7 ngày); xét nghiệm lấy mẫu tại chỗ (nơi cho kết quả sau 30 phút, có nơi 2 ngày) gây mất nhiều thời gian lưu chuyển, ách tắc trong tiêu thụ nông sản.

“Điều này khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp tăng từ 50-100%. Hiện, tại một số nơi sản xuất, lượng hàng cung ứng bắt đầu chậm lại và giá bán có xu hướng giảm khi đang vào mùa thu hoạch rộ”, ông Cường cho hay.

Đề xuất TPHCM mở cửa chợ đầu mối, giải tỏa nông sản ùn ứ cho các tỉnh ảnh 2

Việc tiêu thụ nông sản gặp khó đang khiến lượng hàng cung ứng tại một số nơi bắt đầu chậm lại và giá bán có xu hướng giảm

Trước tình hình trên, Cục Trồng trọt đề xuất Bộ NN&PTN kiến nghị Chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ tổ chức phân luồng, phân tuyến, đảm bảo lưu thông nông sản của địa phương và phòng chống dịch.

Đặc biệt, TP.HCM cần phối hợp, hỗ trợ các tỉnh đưa hàng hóa về thành phố, mở rộng hoạt động vận chuyển nông sản nội thành. Trong đó, cho phép 3 chợ đầu mối nông sản hoạt động trở lại theo hình thức chợ phiên; Quản lý một số chợ truyền thống, chợ tự phát theo chợ phiên kết hợp giãn cách; Đẩy mạnh hoạt động chợ online…

“Chính phủ có thể phát động chiến dịch huy động nông sản hỗ trợ TP.HCM theo hình thức luân phiên 2 tỉnh thực hiện/ngày với các nông sản phổ biến vào mùa thu hoạch. Điều này sẽ đảm bảo nông sản tiêu thụ bình thường, và thúc đẩy nhiều doanh nghiệp thu mua, vận chuyển tham gia tiêu thụ”, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay.

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm