Điều gì chờ đợi Nga và thị trường dầu mỏ sau ngày 5/12/2022?
Thị trường dầu mỏ theo dự báo sẽ phải hứng chịu cú sốc lớn sau ngày 5/12/2022 khi các lệnh cấm vận chống Nga có hiệu lực.
Những lệnh cấm vận chống lại "vàng đen" Nga do phương Tây ban hành sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 5/12/2022, thị trường dầu mỏ thế giới nhiều khả năng đưa ra phản ứng rất mạnh mẽ trước tình hình trên.
Các nước G7 đang tiến "rất gần" tới việc đồng ý về mức giá trần đối với dầu của Nga là 60 USD/thùng. Vào ngày 5/12/2022 Moskva sẽ phải đối mặt với hai loại lệnh trừng phạt cùng lúc.
Vương quốc Anh, Đức, Ý, Canada, Pháp, Nhật Bản và Mỹ phải đồng ý về giới hạn giá trước ngày 5/12/2022. Ngoài quyết định này, lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển đến các nước EU cũng có hiệu lực.
Trước diễn biến trên, ông Igor Yushkov - giảng viên tại Đại học Tài chính trực thuộc chính phủ Liên bang Nga trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitExpert đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý.
Bình luận về kịch bản có thể xảy ra đối với tình hình thị trường dầu mỏ sau cú giáng kép vào "vàng đen" Nga, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng các thành viên EU không tự định giá trần cho mình. Rốt cuộc, họ đã bị hạn chế và sẽ không thể nhập dầu Nga bằng đường biển.
“Dù sao thì châu Âu cũng sẽ không thể mua dầu của Nga. Nhưng họ đang thảo luận rất sôi nổi về vấn đề này, bởi họ hiểu rằng nếu đặt ra mức giá trần thấp, EU sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu dầu từ Nga sang các thị trường châu Á".
"Bên cạnh đó, nếu Moskva giảm xuất khẩu, sẽ có sự thiếu hụt dầu trên thế giới và chi phí năng lượng sẽ tăng lên. Các nước EU là nhà nhập khẩu nên họ không muốn dầu tăng giá”, người đối thoại của tờ PolitExpert quả quyết.
Hơn nữa, các triệu chứng đau đớn đối với "Cựu lục địa" xảy ra theo chuỗi sẽ ảnh hưởng đến tất cả những cơ chế vốn đã cho thấy sự lạc hậu trong cơ cấu tổ chức cũng như vận hành.
Người dân châu Âu sẽ trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm từ dầu mỏ, hàng hóa sẽ tự động tăng giá, tương ứng, lạm phát cũng tăng tốc và nó sẽ phải được dập tắt bằng phương pháp tiêu chuẩn cho cả năm hiện tại - tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Điều này có nghĩa là các khoản vay sẽ trở nên đắt đỏ, không ai nhận được lợi ích, và kết quả là vào năm 2023, nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái.
Để tránh sự sụp đổ kinh tế có thể xảy ra, nhiều thành viên EU đang đề xuất mức trần giá cao. Điều này cũng sẽ có lợi cho các công ty châu Âu tham gia vận chuyển dầu của Nga bằng đường biển.
Chính thức thì không có ai trong danh sách khách hàng lớn của dầu mỏ Nga tham gia liên minh cấm vận. Nhưng đáng ngạc nhiên là cho đến nay, một số quốc gia như vậy lại nhiệt tình nhất trong việc đề xuất nhằm hạn chế việc dầu của Nga được bán trên thị trường thế giới.
“Trong số các nước là thành viên G7, Mỹ áp lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga từ ngày 1/4/2022, Canada hoàn toàn không mua vì bản thân là nước xuất khẩu, trong khi các thành viên EU sẽ không mua từ ngày 5/12/2022".
"Nhật Bản nhận một ngoại lệ và vẫn có thể mua dầu của Nga từ Sakhalin theo giá thị trường. Tôi nghĩ rằng Moskva sẽ đơn giản bỏ qua mức giá trần này. Nhân tiện, tiền phạt chỉ có hiệu lực với việc vận chuyển dầu của chúng tôi chứ không phải cho việc mua hàng”, nhà phân tích kết luận.
Nguồn: anninhthudo.vn