Doanh nhân - nhạc sĩ Nguyễn Đình Hùng: Thực tế hóa âm nhạc, lý tưởng hóa kinh doanh

'Xuất thân là một nhạc sĩ, không biết kinh doanh, ban đầu tôi nghĩ hai lĩnh vực này rất mâu thuẫn. Nhưng lâu dần, tôi nhận ra tuy hai mà một, hai lĩnh vực thuộc hai phạm trù khác nhau nhưng nếu biết cách kết nối, âm nhạc và kinh doanh sẽ chạm vào nhau', Nguyễn Đình Hùng chia sẻ.

Lý tưởng phổ cập âm nhạc

Ngay từ nhỏ, Nguyễn Đình Hùng đã có đam mê với âm nhạc, học đàn từ năm 6 tuổi, trở thành trưởng ca đoàn trong nhà thờ khi mới 16 tuổi. Anh tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM và có công việc ổn định với vị trí nhạc công.

Năm 2015, Hùng thành lập Công ty CP Âm nhạc Song May và thừa nhận "Tôi không biết kinh doanh!". Ba năm đầu hoạt động, công ty gặp nhiều khó khăn và thua lỗ, Hùng vẫn không bỏ cuộc. Đến năm 2018, sau quá trình trải nghiệm, học hỏi từ những người đi trước và tự hoàn thiện các kỹ năng, Song May có những bước tiến mới. "Đó cũng là lúc tôi viết bài hát thương hiệu đầu tiên, định hướng bản thân trở thành một doanh nhân, công ty hoạt động theo hướng kinh doanh rõ ràng", ông Hùng nhớ lại.

Hiện, Song May có 4 chi nhánh tại TP.HCM và Đồng Nai, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính, gồm giáo dục và đào tạo, hướng đến các bé thiếu nhi và chủ doanh nghiệp (DN); kinh doanh nhạc cụ; tổ chức sự kiện và sản xuất âm nhạc với điểm đặc biệt là chuyên sáng tác các bài hát thương hiệu theo đơn đặt hàng của DN.

"Với nhu cầu kết nối trong các buổi họp, buổi sinh hoạt, sự kiện công ty, nhu cầu đăng sản phẩm video lên các kênh truyền thông mà không vi phạm bản quyền và nhu cầu quảng bá, cạnh tranh… Các DN cần có bài hát thương hiệu. Sáng tác càng nhiều, tôi càng nhận thấy niềm đam mê âm nhạc và cả niềm đam mê kinh doanh trong tôi được thỏa mãn. Âm nhạc của tôi, ít nhất cũng mang lại giá trị cho một tổ chức, một nhóm người", doanh nhân trẻ nói.

Doanh nhân, nhạc sĩ Nguyễn Đình Hùng

Với trải nghiệm của bản thân, Hùng cho biết âm nhạc mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống, hỗ trợ mọi người thư giãn, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, song ít người sử dụng âm nhạc thường xuyên trong đời sống, vì thế ông muốn thông qua các chủ DN - những người có tầm ảnh hưởng, ít nhất là trong DN, trong tổ chức của họ, để lan tỏa lợi ích của âm nhạc, giúp nhiều người có cơ hội tiếp xúc với nhạc cụ và thích ca hát.

Hùng kể có một số chủ DN đến các lớp học của công ty học hát, học đàn vì muốn mang không khí tươi vui của âm nhạc vào nơi sản xuất. Thay vì thưởng tiền và quà cho nhân viên, nhiều ông bà chủ lại chọn đàn ghi-ta để làm quà vì họ muốn nhân viên cũng biết sử dụng đàn để giải trí.

Đưa âm nhạc vào DN

Sau 3 năm nghiêm túc theo đuổi dòng nhạc thương hiệu, Nguyễn Đình Hùng và Công ty Song May đã có hơn 50 ca khúc viết theo đơn đặt hàng của nhiều thương hiệu, trực tiếp đưa âm nhạc vào DN.

Một số ca khúc nhạc sĩ này viết cho các DN, doanh nhân hoặc công ty khởi nghiệp được phổ biến rộng rãi như Bản Hùng Ca Doanh Nhân, Uơm Mầm Khát Vọng, Chúng Ta Là Doanh Nhân Sài Gòn…

So với các nhạc sĩ khác, Hùng tự hào về khả năng sáng tác theo yêu cầu, bảo đảm đúng thời hạn. Mỗi bài hát sau khi thống nhất với DN sẽ có 2 tuần để viết lời và phối nhạc. Trong khoảng thời gian đó, người nhạc sĩ sẽ dành toàn bộ tâm lực để cảm nhận DN và sáng tác.

Doanh nhân - nhạc sĩ Nguyễn Đình Hùng chia sẻ trong buổi gặp mặt với các nhóm khởi nghiệp

Những tưởng việc kinh doanh và âm nhạc là đối lập, là mâu thuẫn, nhưng với doanh nhân - nhạc sĩ Nguyễn Đình Hùng lại nhẹ tênh.Khi được hỏi, liệu có cảm thấy áp lực khi phải làm một việc bay bổng như sáng tác trong điều kiện hạn chế về thời gian, vị nhạc sĩ cười: "Không, tôi không cảm thấy áp lực, ngược lại tôi cảm thấy rất vui. Vui vì âm nhạc của mình mang lại những giá trị tích cực, cảm xúc tự hào, trước hết là cho chủ DN, sau đó là nhân viên, khách hàng và cả người thân của họ".

"Thú thật, ban đầu tôi nghĩ, âm nhạc là bay bổng, lý tưởng, còn kinh doanh thì thực tế, khô cứng. Nhưng sau đó tôi nhận ra mình có thể thực tế hóa âm nhạc bằng việc đưa ngón đàn trở về với cuộc sống, sáng tác những câu chuyện gần gũi ở xung quanh. Đồng thời, trong việc kinh doanh thay vì nghĩ bán cây đàn, bán bài hát để kiếm tiền và vì lợi nhuận, tôi lý tưởng hóa bằng cách nghĩ nhiều hơn về những giá trị tôi có thể tạo ra cho khách hàng của mình. Như vậy, âm nhạc và kinh doanh tự kết nối và cân bằng trong tôi", ông bộc bạch./.

Nguồn: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/doanh-nhan-nhac-si-nguyen-dinh-hung-thuc-te-hoa-am-nhac-ly-tuong-hoa-kinh-doanh-36574/

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm