Đồng yen yếu ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp chế tạo lớn Nhật Bản

Theo báo Nikkei Nhật Bản, trong bối cảnh đồng yen tiếp tục suy yếu, báo cáo niềm tin kinh doanh ngắn hạn của các doanh nghiệp Nhật Bản (Tankan) do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) công bố ngày 3/9, cho thấy chỉ số dự báo kinh doanh (DI) của các doanh nghiệp chế tạo lớn tại nước này đã giảm xuống trong 3 kỳ liên tiếp.

Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu như trước đây đồng yen yếu mang lại làn gió tích cực cho nền kinh tế thì xu hướng đồng yen yếu hiện nay không mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp chế tạo do sự thay đổi về cấu trúc doanh nghiệp. “Tác dụng phụ” của đồng yen yếu đã cao hơn hiệu quả tích cực do xu hướng này mang lại và có thể trở thành nguyên nhân làm sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản.

DI là chỉ số thể hiện tỷ lệ giữa doanh nghiệp kỳ vọng tốt vào hoạt động kinh doanh so với doanh nghiệp thể hiện sự quan ngại. Chỉ số DI trong tháng 9/2022 của các doanh nghiệp chế tạo lớn đạt dương 8 điểm, giảm 1 điểm so với kỳ khảo sát tháng 6/2022 và ghi nhận ba kỳ giảm liên tiếp. Chỉ số DI của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành chế tạo đạt dương 4 điểm. Trong ngành phi chế tạo, chỉ số DI của các doanh nghiệp lớn đạt 14 điểm, cải thiện 1 điểm so với kỳ khảo sát trước, doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 2 điểm, cải thiện được thêm 3 điểm.

Đồng yen giảm giá mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên, đối với hầu hết các doanh nghiệp trong nước, đây là nguyên nhân khiến giá hàng hóa tăng lên khi giá nhập khẩu tăng. Theo báo cáo Tankan, chỉ số DI dự báo giá nhập hàng hóa của doanh nghiệp chế tạo lớn đạt 65 điểm, mức cao kỷ lục kể từ tháng 5/1980. Mặc dù giá tài nguyên như dầu mỏ có xu hướng giảm, tuy nhiên, việc đồng yen yếu tiếp tục kéo dài khiến các doanh nghiệp trong nước bi quan về gánh nặng chi phí tiếp tục tăng lên.

Chỉ số DI dự báo giá bán sản phẩm đạt 36 điểm, tăng thêm 2 điểm so với kỳ khảo sát trước. Đối với các doanh nghiệp chế tạo vừa và nhỏ, chỉ số DI về dự báo giá nhập hàng hóa đạt đạt 77 điểm và chỉ số DI dự báo giá bán sản phẩm đạt 37 điểm. Có thể thấy việc chuyển phần tăng giá nhập hàng vào giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp là lựa chọn khá khó khăn.

Theo Nhà kinh tế trưởng Kobayashi Shunsuke thuộc Trung tâm nghiên cứu chứng khoán Mizuho, ảnh hưởng đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp khi đồng yen giảm giá 10% sẽ là dương 4.300 tỷ yen (29,68 tỷ USD), trong khi đó các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị âm 4.000 tỷ yen. Trong bối cảnh các doanh nghiệp dịch chuyển cơ sở sản xuất tại nước ngoài, dân số thuộc độ tuổi lao động giảm sút, việc đồng yen giảm giá sẽ làm chậm đà phục hồi kinh tế tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, đối với các hạng mục hoạt động kinh tế ngoài doanh nghiệp như chi tiêu hộ gia đình, đồng yen giảm giá 10% sẽ tác động tiêu cực ở mức 2.600 tỷ yen. Chuyên gia Kobayashi cho rằng: “Xét từ góc độ GDP, đồng yen giảm giá mang lại yếu tố tiêu cực. Ảnh hưởng xấu đối với toàn bộ nền kinh tế đó là sức mua giảm sút khiến lợi nhuận cuối cùng của các doanh nghiệp sụt giảm”.

Tình trạng này cũng xuất hiện trong phát ngôn của một số doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu. Giám đốc tập đoàn sản xuất ô tô Toyota Motor Corporation, ông Toyoda Akio đã chia sẻ về đồng yen giảm giá rằng: “Giá nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện đang tăng cao và các yếu tố bất lợi đang gia tăng. Lợi nhuận ròng theo năm của công ty có thể đạt 45 tỷ yen do đồng yen giảm giá so với USD, tuy nhiên, không thể bỏ qua yếu tố ảnh hưởng khi các công ty linh kiện phải gánh vác một phần chi phí giá nhập khẩu tăng cao”.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Nissan Motor, ông Makoto Uchida cho biết: “Không ai có thể dự báo được điều gì và xu hướng sắp tới sẽ như thế nào. Xét về mức biến động tỷ giá ngoại hối, cần phải xem xét lại cách thức triển khai các hoạt động doanh nghiệp”.

Các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức nhập khẩu đang trong giai đoạn khó khăn. Giám đốc Nitori Holdings, ông Masanori Takeda cho biết: “Tốc độ giảm giá của đồng yen cực kỳ nhanh. Các doanh nghiệp đang trong trạng thái cần phải tăng giá bán sản phẩm từ 10-20%”. Ông Tanima, giám đốc Skylark Holdings, chuỗi cửa hàng lớn tại Nhật Bản, cho rằng: “Ảnh hưởng lạm phát đang vượt qua mức giả định ban đầu. Công ty đang theo dõi các chỉ số và có thể tăng giá vào tháng 10/2022, sau đợt tăng giá tháng Bảy vừa qua”.

Tâm điểm chú ý trong thời gian tới là kinh tế thế giới sẽ giảm sút tới mức độ nào khi các quốc gia chủ chốt như Mỹ và châu Âu đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất. Chỉ số DI dự báo triển vọng kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản đạt dương 11 điểm, tương đương kỳ khảo sát trước. Tuy nhiên, chỉ số này đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là âm 4 điểm. Khi xu hướng đồng yen yếu không dừng lại, giá nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng và những ảnh hưởng xấu đang dần tác động tới kinh tế Nhật Bản là không thể phủ nhận.

Nguồn: baotintuc.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm