Giá nhà ở tại Mỹ kéo dài đà giảm trong tháng 10/2022
Công ty S&P CoreLogic cho biết chỉ số giá nhà quốc gia Case-Shiller (theo dõi giá nhà trung bình ở các khu đô thị lớn trên toàn quốc) trong tháng 10/2022 đã giảm 0,5 % so với tháng Chín.
Đây là mức giảm theo tháng lần thứ tư liên tiếp.
Một ngôi nhà treo biển rao bán tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số trên đã tăng 9,2 % trong tháng 10, thấp hơn so với mức 10,7% của tháng trước. Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất thế chấp tăng cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu mua nhà và dự kiến nhu cầu này sẽ tiếp tục giảm trong đầu năm 2023.
Công ty cung cấp hỗ trợ tài chính cho các giao dịch mua nhà Freddie Mac cũng cho hay, tỷ lệ trung bình của khoản thế chấp có lãi suất cố định trong 30 năm là 6,27% tính đến ngày 22/12, tăng từ 3,05% của cùng kỳ một năm trước đó.
Theo chỉ số Case-Shiller, giá nhà tại các thành phố lớn của Mỹ đã giảm 3% so với mức cao nhất vào tháng 6/2022. Giá giảm nhanh nhất ở các thị trường Bờ Tây, như Phoenix và Las Vegas, nơi đã giảm lần lượt 1,6% và 1,8%.
Chỉ số Case-Shiller của 20 thành phố lớn nhìn chung đều giảm, chỉ tăng 8,6% so với mức 10,4 % trong tháng Chín. Miami có mức tăng giá nhà hàng năm nhanh nhất trong cả nước là 21%, tiếp theo là thành phố biển Tampa (20,5%) và Charlotte (15%). Thị trường có mức tăng yếu nhất là San Francisco, nơi giá tăng 0,6% hàng năm.
Cũng trong ngày 27/12, công ty ZipRecruiter công bố kết quả khảo sát về việc làm cho thấy hầu hết các nhân viên ngành công nghệ bị sa thải đều tìm được việc làm mới sau khi bắt đầu tìm việc.
Cụ thể hơn, khoảng 79 % nhân viên bị sa thải từ các công ty công nghệ đã nhanh chóng tìm được việc làm mới trong vòng ba tháng tìm việc.
Một ngôi nhà treo biển rao bán tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng của ZipRecruiter, cho biết cho dù bị sa thải, các nhân viên ngành công nghệ vẫn là những người có sức hút lớn nhất và có các kỹ năng cần thiết nhất cho các công ty.
Thị trường lao động Mỹ hiện bị thu hẹp còn khoảng 10,3 triệu việc làm cần tìm lao động, nhưng vẫn cao hơn số lượng người lao động Mỹ bị sa thải.
Cũng theo khảo sát của ZipRecruiter, 74% các nhân viên bị mất việc ở công ty công nghệ tiếp tục có việc làm mới trong ngành này. Một số chuyển sang các ngành khác như: bán lẻ, dịch vụ tài chính và y tế.
Các công ty khởi nghiệp (startup) cùng nhiều công ty công nghệ lớn như Amazon hay Meta đã tuyển dụng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và hiện phải sa thải một số nhân viên công nghệ, như kỹ sư phần mềm và một số vị trí khác. Tuy nhiên, số lượng nhân viên bị sa thải từ các công ty này vẫn nhỏ hơn nhiều so với số lượng việc làm cần tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ./.
Nguồn: bnews.vn