Giữ nét đẹp với Tết trồng cây

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP và tỉnh Quảng Ninh tham gia Tết trồng cây 2021 tại Khu di tích lịch sử Pò Hèn (TP Móng Cái).

Xác định tầm quan trọng về môi trường sinh thái cũng như những giá trị kinh tế mà rừng đem lại, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ, phát triển thêm hàng triệu cây, tăng diện tích che phủ đồi trọc.

Đơn cử như tại Ba Chẽ - một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn. Hiện nay, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp toàn huyện Ba Chẽ là hơn 56.691ha, chiếm trên 93,4% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó diện tích rừng trồng hơn 38.777,7ha. Trong năm 2020, huyện Ba Chẽ đã trồng 3.000ha rừng, trong đó đã trồng 520ha cây gỗ lớn, 283ha cây dược liệu. Tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 72%.

Tại các đơn vị ngành Than đứng chân trên địa bàn tỉnh, công tác bảo vệ môi trường cũng được coi là một trong những nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên, trong đó việc trồng cây xanh cũng luôn được quan tâm. Từ năm 2016 đến cuối năm 2020, chỉ riêng TKV đã trồng cây phủ xanh trên 1.825ha. Với Tổng Công ty Đông Bắc, riêng trong năm 2020, Tổng Công ty cũng đã trồng cây phủ xanh 92ha. Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cũng được duy trì thực hiện đều đặn hằng năm, trở thành nền nếp nhằm tuyên truyền đến CBCNV các đơn vị về nâng cao ý thức trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, cải thiện môi trường, cảnh quan tại nơi làm việc.

Lực lượng vũ trang và nhân dân TP Móng Cái tham gia Tết trồng cây năm 2021.

Theo số liệu thống kê, từ phong trào “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới hơn 10.000ha rừng. Riêng năm 2020, toàn tỉnh trồng rừng tập trung trên 11.400ha, tăng 3,1% cùng kỳ; trồng cây phân tán các loại trên 414.000 cây, bằng 69,6% cùng kỳ; trồng rừng thay thế đạt 157.89ha. Từ đầu năm 2021 đến nay, diện tích trồng rừng tập trung đã đạt 138,2ha, trong đó nhiều nhất là ở các địa phương: Hải Hà là 60ha, Đầm Hà là 35ha, Hạ Long là 34,2ha và Vân Đồn 9ha.

Từ phong trào này, không chỉ diện mạo khắp các vùng đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, đẹp hơn, mà diện tích rừng cũng ngày càng tăng qua các năm. Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm này, diện tích đất có rừng của tỉnh đạt khoảng 338.000ha (trên 122.700ha rừng tự nhiên, 214.800ha rừng sản xuất). Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 là 55%, tăng 0,2% so với năm 2019, tăng 8,8% so với năm 2010; là một trong các tỉnh có độ che phủ rừng cao hơn 13% so với độ che phủ rừng toàn quốc (42%).

Mô hình trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ ngày càng được nhân rộng. Trong ảnh: Rừng gỗ lớn (cây giổi) của Công ty CP Phát triển rừng bền vững (Ba Chẽ).

Để hoạt động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" dịp đầu xuân Tân Sửu 2021 được thiết thực, hiệu quả, trong tháng 1/2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Sửu 2021” trên cơ sở bám sát Chỉ thị số 45-CT/TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Trong đó, yêu cầu chung là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây; tạo được phong trào mạnh mẽ và huy động được các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang tích cực trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng.

Đặc biệt thực hiện mục tiêu của Chính phủ là trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, tỉnh khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Sửu năm 2021 với chỉ tiêu cao hơn 1,5 lần so với năm 2020. Bên cạnh việc triển khai trồng cây tạo cảnh quan tại các đô thị, các địa phương, đơn vị cần khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp để phát động phong trào toàn dân trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, cây có giá trị góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, 13 địa phương và các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh đã đồng loạt đăng ký tổ chức “Tết trồng cây”, với tổng số cây các đơn vị đăng ký trồng vào dịp xuân Tân Sửu là gần 393.000 cây (tính đến 4/2/2021), gồm đa dạng các chủng loại cây và hữu ích cho địa phương như: Giổi xanh, lim xanh, sồi phảng, sao đen, sấu bàng, bằng lăng, phượng, phi lao, thông, keo... Dự kiến thời gian thực hiện từ ngày 16/2 đến 26/2/2021.

Có thể khẳng định, triển khai thực hiện tốt Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2021 sẽ tạo thêm quyết tâm để nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh bước vào vụ trồng rừng mới, với quyết tâm đưa kinh tế rừng trở thành thế mạnh, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững.


Nguồn: Báo t/h

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm