Gỡ khó cho nhà mua trả góp trước ngày 30-4-1975

Theo Sở Xây dựng TP HCM, hiện trên địa bàn TP còn nhiều trường hợp người dân mua nhà trả góp trước ngày 30-4-1975 chưa trả hết tiền. Nay người dân có nhu cầu ký hợp đồng thuê nhà, xin mua nhà theo quy định của pháp luật hiện hành. Chính vì vậy, Sở Xây dựng vừa có báo cáo đề xuất UBND TP HCM hướng giải quyết bán nhà với các trường hợp trên. Trong số này, hiện có trường hợp vẫn trả chi phí hằng tháng, số khác ở nhưng không thanh toán tiền thuê; các căn nhà này chịu sự quản lý của công ty quản lý nhà, công ty dịch vụ công ích quận - huyện.

Phải cam kết không khấu trừ tiền đã góp

Theo Sở Xây dựng TP HCM, loại nhà trên thuộc sở hữu nhà nước, được quản lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NÐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, do không được xác định rõ về văn bản bố trí và một số trường hợp tới nay vẫn chưa có hợp đồng thuê nhà nên loại nhà này không đủ điều kiện để giải quyết bán theo quy định hiện hành. Sở Xây dựng nhận thấy đây là trường hợp đặc biệt về sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước, người dân đã mua trả góp từ trước năm 1975 và sử dụng đến nay nhưng chưa được pháp luật về nhà ở quy định xử lý.

Bà Lê Ngọc Loan (ngụ cư xá Ðường Sắt) rất mong sớm có cơ hội sở hữu căn hộ mà ba mẹ bà đã mua trả góp trước ngày 30-4-1975 với mức giá hợp túi tiền . Ảnh: LÊ PHONG

Do đó, để giải quyết dứt điểm nguyện vọng, bức xúc của người dân và bảo đảm quy định pháp luật, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM phương án xem xét, giải quyết bán loại nhà này. Cụ thể, sở đề xuất UBND TP HCM chấp thuận xem Quyết định số 6017/1997 là văn bản bố trí sử dụng nhà ở với các căn nhà được người dân mua trả góp trước năm 1975 chưa trả hết tiền. Ðồng thời, hoàn tất thủ tục xác lập sở hữu toàn dân theo quy định tại điểm c khoản 3 điều 36 Nghị định số 99 nêu trên. Các đối tượng được xét tiếp tục mua nhà bao gồm người đứng tên hợp đồng mua trả góp trước đây hoặc người được thừa kế hợp pháp hiện đang cư ngụ tại căn nhà đó; người đang sử dụng nhà có giấy tờ sang nhượng hợp pháp được thông qua các cơ quan có thẩm quyền ở chế độ cũ như gia cư liêm giá cuộc, nha doanh lý kiến thiết, hợp tác xã kiến ốc, chính quyền các cấp sang nhượng có vi bằng công chứng do thừa phát lại chứng nhận, có trước bạ, đóng dấu chiếu và ưng thuận của nha doanh lý kiến thiết hoặc sang nhượng có vi bằng công chứng do thừa phát lại chứng nhận có giá trị tài sản.

Đối với những căn nhà chưa có quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền, Sở Xây dựng đề xuất chấp thuận giải quyết ký hợp đồng thuê nhà cho người đang thực tế sử dụng nhà. Cụ thể là người đứng tên (hoặc là người thừa kế hợp pháp của người đứng tên) trong hợp đồng mua nhà trả góp trước đây hoặc là những người nhận sang nhượng (giấy tay) từ người đứng tên trong hợp đồng mua nhà trả góp. Nhà nước sẽ thực hiện truy thu tiền thuế nhà kể từ ngày 27-11-1992 (thời điểm ban hành Quyết định số 118/1992 về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương).

Cuối cùng, Sở Xây dựng tham mưu UBND TP xác định thời điểm bố trí sử dụng là ngày 27-11-1992 (theo thời điểm truy thu tiền thuê nhà), từ đó làm cơ sở để giải quyết bán nhà theo điều 65 Nghị định số 99 khi người mua nhà có cam kết không yêu cầu khấu trừ số tiền đã trả góp. "Ðề xuất này sẽ giúp giải quyết dứt điểm nguyện vọng, bức xúc của người dân. Ngoài ra, xác định rõ ràng chủ quyền tạo điều kiện sau này dễ dàng tổ chức cải tạo lại chung cư cũ" - ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, nhấn mạnh.

Mong có mức giá... "dễ thở"

Trước thông tin trên, bà Lê Ngọc Loan, ngụ cư xá Ðường Sắt (quận 3, TP HCM), nói chưa biết mức giá ra sao nhưng ít ra bà cũng đã có được cơ hội sở hữu chính căn hộ mình đang ở. Vì vậy, bà mong muốn đề xuất của Sở Xây dựng được UBND TP thuận chủ trương. Theo bà Loan, đề xuất xử lý những căn hộ dạng như bà đang ở thực ra đã từng đưa ra cách đây hơn 20 năm nhưng đến nay người dân vẫn mãi loay hoay chờ đợi. Bà Loan nói trước năm 1975, ba mẹ mua trả góp căn hộ trong vòng 120 tháng, đến ngày 30-4-1975, ba mẹ bà đã đóng được 70 tháng. "Tôi hy vọng khi định giá căn hộ, các cơ quan liên quan tính toán "nương nương" để gia đình tôi có thể mua lại, vì thực tế trước đây gia đình đã đóng gần 60% tổng số tiền mua căn hộ" - bà Loan mong muốn. Bà hỏi giả sử người dân không đủ tiền mua thì được giải quyết thế nào?

Tương tự, ông Lê Ðình Kiển, ngụ cư xá Kiến Thiết (phường 14, quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết 100% người dân ở đây chỉ được cấp "hợp đồng xanh", tức là hợp đồng thuê nhà. Trước đó, cha mẹ ông Kiển đã trả góp hơn 80% giá trị căn nhà. Nhiều năm qua không được phép thanh toán số tiền còn lại khiến xác lập chủ quyền gặp khó khăn và không thể hoàn thành được. "Nay đề xuất trên nếu được thông qua thì cũng nên xem xét đến yếu tố người dân đã góp quá nhiều để đưa ra mức giá sao cho dễ thở" - ông Kiển đề xuất.

Tương tự, nhiều hộ đang sinh sống trong các căn hộ, nhà mua trả góp trước ngày 30-4-1975 trên đường Hàn Thuyên và Ðồng Khởi (quận 1) cũng mong sớm được sở hữu căn hộ. Bà Nguyễn Thị Khanh, có căn nhà trên đường Hàn Thuyên, kể nhà bà đang ở do ông Hứa Bổn Hòa (tức Chú Hỏa) xây dựng và bán trả góp cho gia đình bà. Nhiều năm trước, bà thuê lại căn nhà từ Công ty Dịch vụ công ích quận 1 với giá 1,2 triệu đồng/tháng và nay đã tăng hơn 7 triệu đồng/tháng. "Nay tôi chỉ mong các cơ quan chức năng sớm thông qua chủ trương và định giá căn nhà sao cho hợp lý để gia đình được mua lại" - bà Thanh nói và nhắc lại mong muốn sớm giải quyết dứt điểm.

Giải đáp mong muốn và thắc mắc của các hộ dân nêu trên, một cán bộ Sở Xây dựng cho hay khi chủ trương được thông qua, các cơ quan liên quan sẽ thành lập hội đồng thẩm định giá. "Giá nhà được xác định căn cứ vào giá trị còn lại của công trình. Công thức tính dựa trên giá chuẩn nhà ở do UBND TP ban hành nhân cho tỉ lệ chất lượng còn lại của nhà ở. Ðối với nhà cấp 4 mà người thuê đã phá dỡ và xây lại chỉ tính giá trị đất" - vị cán bộ thông tin. Riêng trường hợp người dân có nhu cầu tiếp tục thuê sẽ hỗ trợ tái ký kéo dài thời gian thuê, giá thuê được thực hiện theo giá chung do UBND TP ban hành.

"Tôi đánh giá rất cao giải pháp mà Sở Xây dựng đưa ra. Tuy nhiên, để tránh vấn đề tiêu cực cần thành lập hội đồng thẩm định giá. Hơn cả, cần cho phép người dân trả một số tiền cố định trước và sau đó tiếp tục trả góp, không tính lãi".

Luật sư NGUYỄN ANH MINH - Ðoàn Luật sư TP HCM

Nguồn Người Lao Động

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm