'Hái ra tiền' từ thị trường đồ thể thao

Phong trào chơi thể thao tại thị trường Việt Nam đang lên cao, các shop hàng thể thao mọc lên như nấm, hàng loạt thương hiệu đồ dùng thể thao nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Việt Nam, tranh đua ở thị trường có quy mô lên tới khoảng 8.000 tỷ đồng.

Ông Randy Dobson, người sáng lập và Chủ tịch của CMG.ASIA, chủ sở hữu của California Fitness & Yoga chia sẻ: “Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ GDP hộ gia đình chi hàng năm cho sức khỏe và thể chất cao nhất. Gần 1/3 người Việt Nam hiện nay được coi là tín đồ thể dục, điều này cho thấy Việt Nam là quốc gia có ý thức về sức khỏe nhất thế giới, và tỷ lệ này gần gấp đôi so với Hoa Kỳ”.

Cuộc đổ bộ của các thương hiệu quốc tế

Có thể nói, chưa bao giờ ngành chăm sóc sức khỏe - thể dục thể thao tại Việt Nam lại sôi động như ở thời điểm này, với sự xuất hiện của rất nhiều phòng tập hiện đại ở các phân khúc khác nhau.

Các thương hiệu quốc tế bắt đầu xem Việt Nam như một thị trường béo bở, còn lớp doanh nhân trẻ xem đây là mảng kinh doanh có thể hái ra tiền. Những thương hiệu Nike, Adidas, Puma ... từ chỗ chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất để xuất khẩu, đã chuyển sang tập trung bán sản phẩm.

Hàng loạt thương hiệu thể thao Trung Quốc cũng bày tỏ tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt thông qua việc tìm kiếm nhà phân phối độc quyền, như Anta Sporst, Li-Ning...

Trong cuộc đua đổ bộ vào thị trường Việt Nam, thương hiệu thời trang thể thao Fila đã “Bắc tiến” với 2 cửa hàng liên tiếp tại Hà Nội ở Vincom Center Phạm Ngọc Thạch và Vincom Mega Mall Ocean Park.

Tương tự, hàng loạt thương hiệu thể thao Trung Quốc cũng bày tỏ tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt thông qua việc tìm kiếm nhà phân phối độc quyền như Anta Sporst, Li-Ning… Đến nay, các thương hiệu này đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.

Trong khi đó, thương hiệu Attivo đến từ Singapore chuyên phân phối thiết bị tập gym, thể hình thể thao đến Việt Nam kinh doanh gần 10 năm nay, với lượng khách đến từ trung tâm fitness khách sạn 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng… Ông Rajan Nalliah, Giám đốc Attivo cho hay, với mức thu nhập tăng, nhu cầu tập luyện vì sức khỏe và giao lưu thể thao được tổ chức ngày càng nhiều là cơ hội kinh doanh cho công ty.

Thị trường tiềm năng, nhiều doanh nghiệp nội cũng muốn trở thành nhà phân phối độc quyền cho các thương hiệu nổi tiếng. Điển hình như Thế Giới Di Động đang "lấn sân" sang mảng thời trang thể thao. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh cho biết, AVASport sẽ kinh doanh các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Puma, Skechers... với nhóm sản phẩm chính gồm giày, dép, quần áo, xe đạp… Ngoài ra, còn có phụ kiện đi kèm phục vụ mọi nhu cầu thể thao như ba lô, nón, bình nước, thảm tập...

Đến nay, Nike và Adidas chiếm thị phần lên tới gần 40% ở Việt Nam, phần còn lại chủ yếu được chia cho các thương hiệu nước ngoài khác như: Li-Ning, Puma, Kelme, Fila...

Mỗi shop có diện tích khoảng 200 m2 với danh mục hàng hóa lên đến 1.000 - 1.700, theo chia sẻ của nhà bán lẻ này. Khác với mô hình cửa hàng thuộc các thương hiệu lớn chỉ bán chuyên biệt sản phẩm của hãng, cửa hàng AVASport sẽ là nơi tập hợp tất cả thương hiệu, trong đó chọn lọc ra những sản phẩm bán chạy và được ưa chuộng nhất.

Dư địa thị trường lớn

So với các mảng kinh doanh khác cùng ngành, thị trường đồ thể thao còn nhiều tiềm năng phát triển. Theo báo cáo của Công ty Ken Research, thị trường thể dục thể hình Việt Nam dự kiến sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm tích cực là 19,5% về doanh thu trong giai đoạn 2018-2023. Thị trường đang ở giai đoạn phát triển với nhiều tiềm năng mở rộng trong tương lai ở cả khu vực nội thành và ngoại thành.

Thống kê sơ bộ, cả nước hiện có tới gần 4.000 phòng tập gym, hàng ngàn sân cỏ nhân tạo, bể bơi. Không chỉ các giải bóng đá mà xe đạp đường phố, chạy bộ... được tổ chức thường xuyên theo tất cả các cấp độ. Điều này đã tạo nên cú hích, mở ra nhiều tiềm năng, với quy mô thị trường lớn. Trong đó, hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam cũng đã rót vốn để trở thành nhà phân phối độc quyền sản phẩm giày thể thao, quần áo trang phục, phụ kiện…

Chẳng hạn, Kelme - thương hiệu thể thao trung và cao cấp của Tây Ban Nha cũng đã có mặt tại Việt Nam. Ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kelme Sài Gòn cho biết, đã dành 3 năm cho kế hoạch phát triển thương hiệu thời trang Kelme tại thị trường Việt Nam. “Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, Kelme Việt Nam phát triển theo định hướng đầu tư nhiều vào chất lượng sản phẩm, sự đa dạng trong mẫu mã, chiến lược truyền thông và đặc biệt là chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng”, ông Thắng nói.

Đồng thời, Kelme Việt Nam cũng tận dụng thời cơ, truyền thông hình ảnh bằng cách đầu tư thiết kế trang phục miễn phí cho một số câu lạc bộ bóng đá. Từ đó đem tên tuổi của thương hiệu tới gần với thị trường thời trang thể thao trong nước, thu hút được những khách hàng tiềm năng quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

Mặc dù đánh giá thị trường đồ thể thao Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, song các chuyên gia cho rằng, việc giành miếng bánh thị phần hiện đầy khốc liệt khi có sự xuất hiện của các “ông lớn” trên thế giới. Trong khi đó, ở mảng này, các doanh nghiệp trong nước đang "bỏ quên", thậm chí một số thương hiệu nội địa được xem là có chỗ đứng trên thị trường như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10, cũng chỉ tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở.

Nguồn: vnbusiness.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm