Hình thức làm việc lộn xộn chia rẽ nước Anh

Trước khi quay lại văn phòng làm việc 2 ngày/tuần ở Whitehall (London, Anh), Julie (29 tuổi) đã có một khoảng thời gian tuyệt vời với 'work from home'.

Khi đại dịch qua đi, hầu hết người lao động ở Anh phải trở lại văn phòng làm việc. Julie, công chức tại cơ quan chính phủ, cũng như vậy.

Cô rất háo hức khi được gặp lại các đồng nghiệp thân thiết sau nhiều tháng xa cách.

Mọi chuyện vẫn ổn cho đến khi cô nhận được lời nhắn của Jacob Rees-Mogg, Bộ trưởng phụ trách các cơ hội Brexit, với nội dung: “Xin lỗi, cô đã ra ngoài khi tôi ghé qua. Tôi rất mong được gặp cô tại văn phòng thật sớm”.

Julie cho biết ghi chú của Rees-Mogg khiến cô phải xem xét lại ước mơ được làm việc công ích lâu dài.

“Tất cả đã rất cố gắng trong suốt đại dịch và giờ anh ấy lại ám chỉ rằng chúng tôi không thể làm gì nếu vắng mặt ở cơ quan”, cô nói.

Phần lớn người Anh chưa sẵn sàng quay lại văn phòng. Ảnh: The Guardian.

Ý kiến của Julie được rất nhiều đồng nghiệp ủng hộ. Không chỉ Rees-Mogg và các công chức, mâu thuẫn tương tự cũng đang diễn ra trên khắp nước Anh.

Trong khi nhiều nhân viên vui vẻ trở lại văn phòng thì tại một số công ty khác, các nhà quản lý phải cố gắng lôi kéo hoặc gây áp lực để cấp dưới đi làm toàn thời gian, theo The Guardian.

Từ chối làm ở văn phòng

Đã 4 tháng kể từ khi ông Boris Johnson nói với các công chức rằng họ “cần thể hiện sự dẫn đầu và đảm bảo mọi người đều quay trở lại làm việc”.

Nhưng hơn 1/3 lực lượng lao động của Vương quốc Anh vẫn đang làm việc tại nhà (ít nhất là một phần thời gian), theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS). Chỉ 1/10 mong muốn quay về hình thức truyền thống 5 ngày/tuần.

ONS cho biết lý do phổ biến nhất của xu hướng này là vì “work from home” đã trở thành thói quen của nhiều người. Họ cảm thấy ổn khi làm việc ở nhà lâu dài.

Trở lại văn phòng ít phổ biến ở xứ sở sương mù hơn châu Âu, theo số liệu được tổng hợp bởi Google. Tuần trước, số người đi làm ở Anh đã giảm 22% so với mức trước đại dịch, trong khi gần như tất cả người châu Âu đã làm việc bình thường (Tây Ban Nha và Pháp giảm 9%, Đức 7% và Italy 6%).

Điều này thể hiện qua giờ tan sở ở London. Đường sắt South Western, chạy từ Surrey và Hampshire đến London Waterloo, nhà ga xe lửa bận rộn nhất của Vương quốc Anh, cũng ghi nhận lượng khách vào giờ cao điểm chỉ phục hồi bằng 50% trước dịch. Số lượng hành khách trên tàu vẫn ở mức 70%.

Các công ty, tập đoàn tại xứ sở sương mù muốn nhân viên trở lại làm việc toàn thời gian. Ảnh: The Week UK.

Ngay cả những ông chủ trong ngành xe lửa vẫn đang làm việc tại nhà. Nhiều nơi cho phép nhân viên chỉ đi làm 2 buổi/tuần tại văn phòng, những ngày còn lại có thể linh hoạt.

Tuy nhiên, không phải chỗ nào cũng có quy định thoải mái như thế. Không ít nhà quản lý muốn kiểm soát cấp dưới trong tầm mắt vì tin rằng điều đó sẽ khiến họ làm việc hiệu quả và gắn kết với đồng nghiệp hơn là qua màn hình.

Trong khi một số khác thì khẳng định họ xử lý được nhiều thứ hơn khi ở nhà vì đỡ tốn thời gian cho việc “ngồi lê đôi mách” và những yếu tố gây phiền nhiễu.

3/4 số người được ONS khảo sát cho hay làm việc tại nhà đã cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ, cũng như cho phép các bậc cha mẹ linh hoạt hơn.

Với những người trẻ và mới được tuyển dụng, họ có xu hướng muốn trở lại văn phòng để học hỏi từ các đồng nghiệp và dễ dàng thu hút sự chú ý.

Thế nhưng, những lao động đã có thâm niên lâu năm, thành danh trong sự nghiệp lại ít quan tâm đến điều này.

Không thống nhất

Một cuộc khảo sát của Regus, nơi cung cấp không gian, cho thấy 69% công ty đang có kế hoạch giảm số lượng văn phòng của họ. Điều này có nghĩa hầu hết đã chấp nhận tương lai của mô hình làm việc kết hợp.

London cũng công bố kế hoạch “tái sử dụng” các tòa nhà văn phòng để trống do đại dịch thành ít nhất 1.500 ngôi nhà mới vào năm 2030.

Nick Bloom, giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford ở California, người đã nghiên cứu về hiệu quả làm việc từ xa từ trước khi đại dịch bùng phát, nhận định sự chuyển hướng này không hề tiêu cực mà còn giúp nhân viên hạnh phúc hơn.

Bài báo trên Tạp chí Kinh tế hàng quý cũng khẳng định nhóm “work from home” làm việc năng suất hơn vì ít giải lao, ốm đau và không bị phân tâm bởi những thứ linh tinh.

“Mọi người nên tiếp cận với cách thức linh hoạt. Trong khi làm việc tại nhà ngày càng phát triển, những người có công việc không thể ‘work from home’ đã bị bỏ lại phía sau”, Frances O’Grady, tổng thư ký của Đại hội Công đoàn Thương mại (TUC), nói.

Theo thống kê của ONS trong tuần này, 23% công nhân có thu nhập từ 40.000 bảng Anh trở lên vẫn làm việc tại 5 ngày/tuần, 38% khác theo mô hình kết hợp, phân chia thời gian của họ giữa văn phòng và nhà.

Nhưng chỉ 6% những người kiếm được 15.000 bảng Anh trở xuống được “work from home” mỗi ngày và 8% có đặc quyền làm việc kết hợp.

Hình thức làm việc xáo trộn, không thống nhất với hướng dẫn của chính phủ khiến người lao động mệt mỏi. Ảnh: The Guardian.

Victoria Robinson, một đối tác tại PwC, nói rằng việc ép buộc nhân viên phải quay lại văn phòng làm việc toàn thời gian là “không thực tế và không khôn ngoan”.

“Đây không phải là tình hình tạm thời. Đại dịch đã dẫn đến sự thay đổi vĩnh viễn trong hình thức làm việc. Chúng ta đang ở trong giai đoạn ‘đại từ chức’ với hơn 1/5 số người lao động dự kiến thay đổi công việc trong năm tới”.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt ra lo ngại về tác động tiềm ẩn đến sức khỏe tâm thần khi làm việc từ xa.

Nghiên cứu của công ty tư vấn quản lý McKinsey chỉ ra rằng xử lý công việc tại nhà đã làm tăng tỷ lệ kiệt sức ở tất cả nhân viên khi họ phải vật lộn để xoay xở giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình, đặc biệt xảy ra ở phụ nữ.

Nguồn: zingnews.vn

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm