Hơn 150.000 tỉ đồng kết nối vùng thủ đô

Lãnh đạo TP Hà Nội cùng 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang vừa thống nhất đồng ký báo cáo Thủ tướng xem xét, cho triển khai tuyến đường Vành đai 4 - vùng thủ đô.

Tạo động lực phát triển

Dự án đường Vành đai 4 kết nối vùng thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh, thành: Hà Nội (56,5 km), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km).

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết tuyến đường Vành đai 3 đã cơ bản hoàn thành nhưng hiện quá tải so với thiết kế; nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc, cũng như các tỉnh phía Tây và ngược lại, quá cảnh qua Hà Nội hiện chủ yếu thông qua tuyến đường Vành đai 3 nên thường xuyên ùn tắc mà điển hình là cửa ngõ phía Nam TP.

Tuyến đường Vành đai 3 đã hoàn thiện nhưng đang quá tải so với thiết kế, không đáp ứng hết nhu cầu

Theo quy hoạch, Vành đai 4 xác định là tuyến đường liên vùng kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng thủ đô, giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Hà Nội. Việc đầu tư phát triển tuyến đường này sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề như: phân luồng giao thông từ xa theo các hướng; tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh; tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3, Vành đai 4, chuỗi 5 đô thị vệ tinh, kết nối chùm đô thị TP Hà Nội và các khu đô thị, công nghiệp trong vùng thủ đô...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định hiện nay dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng vẫn phải tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể là cần thực hiện nhiệm vụ và phê duyệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hà Nội với vị thế là thủ đô, đồng thời là hạt nhân, đầu tàu kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng nên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thủ đô luôn có khát vọng và trăn trở để tìm ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.

"Định hướng chủ trương, quy hoạch và đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội là cần thiết, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong vùng thủ đô cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn giúp Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch; tạo điều kiện để thủ đô và các địa phương đẩy mạnh phát triển cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ" - Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.

Cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến

Theo tính toán, phương án đầu tư và tổng mức đầu tư của dự án nếu là cao tốc đi bằng khoảng 105.000 tỉ đồng, còn phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỉ đồng (đã gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Ngoài ra, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới 120 m khoảng 25.000 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cam kết bộ sẵn sàng hỗ trợ hết sức về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm và giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan theo thẩm quyền. Để dự án triển khai thuận lợi, nên giao cho TP Hà Nội làm tổng chỉ huy đầu tư xây dựng. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, mỗi địa phương chủ động thực hiện phần việc theo địa bàn quản lý của mình. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ phương án đầu tư đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, mặc dù tổng mức đầu tư cao hơn phương án cao tốc đi bằng nhưng công năng sử dụng, ý nghĩa lâu dài và hiệu quả đầu tư cao hơn.

Các bên thống nhất kiến nghị Thủ tướng chấp thuận phương án đầu tư đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, tương tự như phương án đường cao tốc trên cao Vành đai 3 - Hà Nội đã xây dựng, khai thác. Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư, báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận giao TP Hà Nội là cơ quan đầu mối thay mặt cho các địa phương chủ trì tổ chức triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án và đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đầu tư theo hình thức hỗn hợp

Về phương án tài chính, các địa phương kiến nghị Thủ tướng cơ cấu nguồn vốn hợp lý, cơ chế tài chính đặc thù để bảo đảm tính khả thi của dự án, cũng như lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của trung ương và các địa phương có dự án đi qua trong việc bố trí nguồn lực; đầu tư theo hình thức hỗn hợp gồm: Đầu tư công và phương thức PPP (đối tác công - tư), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) cho toàn tuyến, bao gồm cả thành phần đường cao tốc trên cao là 100% BOT; kiến nghị trung ương hỗ trợ kinh phí hợp lý cho các địa phương để triển khai dự án, đặc biệt là để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nguồn Người Lao Động

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm