Khu vui chơi cho trẻ em còn những bất cập

Theo số liệu của Sở Văn hóa và Thể thao, đến nay trên địa bàn tỉnh có 476 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em đang hoạt động; trong đó có 439 điểm do Nhà nước đầu tư quản lý, 37 điểm do các công ty, doanh nghiệp tư nhân đầu tư quản lý. Đáng chú ý, chỉ có 337 điểm được đánh giá là đang hoạt động tốt; số còn lại hoạt động không hiệu quả, chất lượng các trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng, hoạt động không hiệu quả.

Khu vui chơi cho trẻ em ở xã Phú Hải cũ, nay là khu Phú Hải, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà do không có người trông coi, cỏ mọc um tùm.

Khu vui chơi cho trẻ em ở khu Phú Hải (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà) được xây dựng năm 2015 trên diện tích 300m2, mức đầu tư gần 500 triệu đồng. Đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng; các trang thiết bị vui chơi như cầu quay, cầu trượt, xích đu… qua thời gian dài không được bảo dưỡng, nằm phơi mưa, phơi nắng nên bị hư hỏng nặng, gây nguy hiểm khi trẻ nhỏ tham gia vui chơi. Không có người trông coi, không đủ kinh phí hoạt động, khiến cho khu vui chơi này tiềm ẩn mất an toàn cao, gây lãng phí quỹ đất của địa phương.

Ông Huỳnh Phúc Thái (khu Phú Hải, thị trấn Quảng Hà) chia sẻ: "Khi các cháu chơi ở đây chúng tôi rất lo lắng vì điểm vui chơi xuống cấp, không đảm bảo an toàn".

Nhiều khu vui chơi cho trẻ em ở các địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự. Nguyên nhân là do thời gian xây dựng cách đây hàng chục năm, hạn chế kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành...

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, hầu hết các điểm vui chơi cho trẻ em do Nhà nước đầu tư trang thiết bị từ những năm 2008, 2009 đến nay gần như không phát huy hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng, không có kinh phí tổ chức hoạt động, bảo dưỡng. Các trang thiết bị chủ yếu đặt ngoài trời, không có mái che. Những tồn tại này kéo dài từ nhiều năm nay, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Những khu vui chơi xuống cấp như vậy, trẻ em vẫn hằng ngày vui chơi, rất nguy hiểm.

Do thiếu điểm vui chơi nên nhiều trẻ em ở Ba Chẽ ra sông, suối bơi lội, vui đùa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Số lượng sân chơi đã ít, nhưng chất lượng cũng là điều đáng bàn. Một sân chơi tích cực phải giúp các em phát triển toàn diện cả về trí - thể - mỹ, nghĩa là chơi mà học, học mà chơi. Trong khi đó ở nhiều nhà văn hóa, các địa điểm tổ chức sân chơi không có; một số điểm do tư nhân tổ chức, hạn chế về cơ sở vật chất. Hiện 13/13 địa phương trong tỉnh cơ bản có công trình nhà văn hóa, tuy nhiên tại nhiều điểm chưa xây dựng khu vui chơi trẻ em, hoặc có xây dựng thì cũng chưa đồng bộ, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thiếu không gian cho thiếu nhi vui chơi, giải trí ở nhiều nơi là một thực trạng tồn tại trong tỉnh nhiều năm qua. Vì thế, việc đầu tư, sử dụng, quản lý các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em cần phải được chú trọng hơn nữa, nhất là những điểm vui chơi miễn phí, để trẻ em trong tỉnh được vui chơi an toàn.


Nguồn: Báo Quảng Ninh

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm