Khủng hoảng nhà ở tại Mỹ

Khi đại dịch bước sang năm thứ 2, hàng triệu người thuê nhà ở Mỹ phải vật lộn với tình trạng mất thu nhập và cảm giác bất an. Tiền tiết kiệm cạn kiệt khiến họ phải vay nợ từ thẻ tín dụng để trả tiền thuê nhà hoặc tích lũy các tháng thanh toán quá hạn.

Nhiều gia đình dọn đến sống chung, bù đắp chi phí thuê bằng cách tìm người để san sẻ, theo The New York Times.

Sự bất ổn về nhà ở tại xứ cờ hoa đã âm ỉ rất lâu trước khi Covid-19 bùng phát. Thiệt hại về kinh tế do đại dịch gây ra chỉ khiến nó trở nên tồi tệ hơn.

Giờ đây, tổn hại về tài chính cùng sự gián đoạn đối với cuộc sống gia đình ngày càng nghiêm trọng để lại di sản mà có thể còn tồn tại lâu dài sau khi người dân được tiêm chủng hàng loạt.

Hàng triệu người thuê nhà ở Mỹ đang phải vật lộn với tình trạng mất thu nhập và cảm giác bất an.

Vật lộn để trả tiền thuê nhà

Trước năm 2020, khoảng 11 triệu hộ gia đình, tức 1/4 người thuê nhà ở Mỹ, đã chi hơn một nửa thu nhập trước thuế cho nhà ở. Tình trạng quá tải đang gia tăng. Ước tính cứ 100 hộ gia đình thu nhập rất thấp thì chỉ có 36 căn hộ cho thuê với giá cả phải chăng.

Đại dịch Covid-19 đang tăng thêm áp lực cho vấn đề này. Nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia cho thấy nhóm người thuê nhà bị mất việc trong dịch đã tích lũy 11 tỷ USD tiền nợ.

Thống kê rộng hơn của Moody's Analytics, bao gồm tất cả người thuê nhà quá hạn ở Mỹ, ước tính đến tháng 1, họ nợ 53 tỷ USD tiền nhà, điện nước và phí trả chậm.

Nhiều cuộc khảo sát khác cho thấy các gia đình ngày càng bi quan về khả năng trả tiền thuê nhà cho tháng tiếp theo. Họ phải cắt giảm thực phẩm và nhu yếu phẩm khác để có thể thanh toán hóa đơn.

Ngày 5/2, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh sự bất an về nhà ở mà hàng triệu người đang phải đối mặt. Ông tuyên bố việc hỗ trợ tiền thuê nhà trong kế hoạch cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD là điều cần thiết để giữ người dân ở trong nhà thay vì bị đẩy ra ngoài đường.

Những người tuyệt vọng nhất đã ứng biến bằng cách chuyển đến các ngôi nhà thậm chí còn đông đúc hơn. Họ chia sẻ không gian sống với bạn bè, người thân hoặc nhận những người thuê khác.

Angelica Gabriel và Felix Cesario phải dọn khỏi phòng ngủ để cho thuê lại nơi này. Họ cùng hai con phải ngủ ở phòng khách.

Đó là trường hợp của Angelica Gabriel và Felix Cesario - cư dân khu chung cư 2 tầng ở Mountain View, California. Đây là nơi sinh sống của hầu hết đầu bếp, nhân viên chạy bàn, người giúp việc và công nhân - nhóm lao động chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Do thu nhập giảm mạn, Gabriel, nhân viên cửa hàng đồ ăn nhanh, và chồng Cesario, người chăm sóc cây cảnh, gần đây đã dọn khỏi phòng ngủ mà họ chia sẻ với hai con 6 và 8 tuổi.

Hiện, cặp vợ chồng cho thuê lại căn phòng này. Hai người và các con phải ngủ trên nệm ở phòng khách. Hai cô con gái của họ, 14 và 20 tuổi, ở chung phòng ngủ khác.

Việc cho thuê lại giúp vợ chồng Gabriel có thêm 850 USD để trang trải khoản tiền thuê 2.675 USD/tháng, mà họ phải quay cuồng chắt bóp đến từng xu.

“Chúng tôi không thể tự trả tiền thuê nhà và mua đồ ăn”, Gabriel nói bằng tiếng Tây Ban Nha.

Các nghiên cứu khác nhau cho thấy những hộ gia đình đông đúc như vậy có nhiều tác động bất lợi, bao gồm sức khỏe và trình độ học vấn giảm sút.

Nguy cơ thành người vô gia cư

Nỗi đau trên thị trường nhà ở Mỹ đang chạm đáy nặng nề nhất. Theo khảo sát, những người cho thuê căn hộ chất lượng cao và đắt đỏ hơn có khả năng phục hồi đáng kể sau đại dịch. Trái lại, các chủ nhà nhỏ và người thuê có thu nhập thấp đang lao đao vì khoản phí trả chậm, nợ nần chồng chất.

Biện pháp cứu trợ được đưa ra khi Tổng thống Biden gia hạn lệnh cấm trục xuất liên bang (thêm 2 tháng) hết hiệu lực vào cuối tháng 1. Các bang và thành phố cũng tiến hành gia hạn lệnh trục xuất của riêng minh.

Ngoài ra, 25 tỷ USD viện trợ cho người thuê nhà của liên bang, được phê duyệt vào tháng 12/2020, sẽ được phân phối.

Tuy nhiên, đối với hàng triệu hộ gia đình bị trục xuất khỏi Mỹ mỗi năm, hàng triệu người phải chuyển ra ngoài trước khi không thể trả tiền thuê nhà, dù đã cắt giảm thực phẩm và thuốc men để trang trải.

“Những gì diễn ra tại tòa án gia đình sẽ bỏ sót hầu hết người cần giúp đỡ”, Davin Reed, nhà kinh tế tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia, nhận định.

Tổ chức phi lợi nhuận Reach Potential Movement phân phát thực phẩm và tã lót cho các gia đình găp khó khăn tại khu chung cư ở Mountain View, California.

Trong khi giá thuê đã giảm ở nhiều thành phố lớn, tỷ lệ bỏ trống của các tòa nhà giá rẻ về cơ bản không thay đổi so với năm ngoái, theo tập đoàn bất động sản thương mại CoStar Group.

Covid-19 không làm thay đổi thực tế rằng tình trạng thiếu nhà giá rẻ kéo dài. Vì vậy, bất kỳ ai mất nhà giá rẻ vẫn gặp khó khăn trong việc tìm nơi ở mới.

Giống như cách các khoản thế chấp dưới mức tiêu chuẩn là dấu hiệu ban đầu của cuộc khủng hoảng nhà ở giữa những năm 2000, ngày nay, những người cho thuê nhà không chính thức - bạn cùng phòng và khách thuê của họ không có hợp đồng - đưa ra cái nhìn dưới bề nổi.

Người nhập cư có thu nhập thấp, không giấy tờ tùy thân tìm căn hộ để thuê thông qua truyền miệng, mạng xã hội và các trang tin tức tiếng Tây Ban Nha.

Kaitlin Heinen, luật sư của Dự án nhà ở công bằng tại Seattle, cho biết trong vài tháng qua, cô thấy sự gia tăng rõ rệt các trường hợp “cư trú trái phép”. Trong đó, chủ nhà tìm cách đuổi khách thuê vì cho phép người khác vào ở cùng để san sẻ tiền thuê.

Claas Ehlers, CEO của Family Promise - tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ người vô gia cư có hơn 200 chi nhánh ở 43 bang, cho biết những người không có hợp đồng thuê nhà chiếm tỷ lệ quá lớn trong các yêu cầu hỗ trợ nhóm nhận được.

“Chúng tôi nhận thấy hiệu ứng domino này khi nhà ở giá rẻ vẫn đang bão hòa. Bởi vậy, giờ đây, chúng tôi có những người cư trú bất hợp pháp”, luật sư Heinen nói.

Khi tiền thuê nhà cùng các thỏa thuận bằng lời không ổn định và dễ bị hủy bỏ, những người thuê nhà không chính thức có nhiều khả năng trở thành vô gia cư.

Hilario Saldívar bị cắt giảm giờ làm và phải vật lộn để trả khoản tiền thuê 2.600 USD/tháng cho căn hộ anh đang thuê với 4 người khác.

John Wickham (60 tuổi, sống ở Decatur, Georgia) tìm thấy nơi ở mới nhất qua Facebook. Ông từng làm việc trong bộ phận dịch vụ khách hàng cho một doanh nghiệp cắt tỉa cây trước khi mất việc vào mùa hè năm ngoái.

Dù có tiền bảo hiểm thất nghiệp, Wickham không đủ khả năng gánh vác khoản thuê 1.200 USD/tháng ở một khách sạn căn hộ. Vì vậy, ông cho thuê lại nơi này với giá 600 USD/tháng.

Sau khi bạn gái tìm được nơi ở khác, Wickham không còn chia sẻ tiền thuê nhà và đang tìm kiếm chỗ cư trú mới. “Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm nơi ở trong ngân sách của mình. Điều đó thật không dễ dàng chút nào”, ông nói.

Những người thuê nhà như Wickham đặt ra thách thức to lớn đối với chính phủ khi họ đang cố gắng ngăn chặn việc di dời và kìm hãm dòng người vô gia cư.

Năm ngoái, bất chấp có quỹ hỗ trợ người thuê nhà thông qua Đạo luật CARES, các tiểu bang và thành phố phải vật lộn với chi phí hỗ trợ người thuê nhà, một phần vì tiêu chí của họ quá hạn chế.

Các thành phố như Los Angeles và Philadelphia cố gắng khắc phục điều này bằng cách chuyển sang các chương trình hỗ trợ tiền mặt. Cơ quan lập pháp California gần đây thông qua dự luật gia hạn lệnh cấm trục xuất của tiểu bang và sẽ sử dụng khoản viện trợ cho thuê liên bang lên tới 2,6 tỷ USD để giúp xóa nợ tiền thuê nhà.

“Cuộc khủng hoảng nhà ở của bang không phải do Covid-19 tạo ra. Chỉ riêng dự luật này chắc chắn không giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, nó giúp tránh những tác động kinh tế tồi tệ nhất của đại dịch theo cách cân bằng và ông bằng”, Thống đốc Gavin Newsom khẳng định.

Ở California và nhiều nơi khác, công việc phân phối viện trợ phần lớn thuộc về các tổ chức phi lợi nhuận.

Take Destination: Home là tổ chức ở San Jose hoạt động nhằm chấm dứt và ngăn chặn tình trạng vô gia cư. Ngoài việc phân phối viện trợ từ Đạo luật CARES, nhóm quyên góp được khoảng 30 triệu USD từ các khoản đóng góp tư nhân mà họ có thể triển khai cho nhiều tầng lớp dân cư hơn.

Jennifer Loving, CEO của tổ chức, cho biết khoảng 40% viện trợ cho thuê của tổ chức đã được phân phối cho những người thuê nhà không có hợp đồng thuê truyền thống.

Vào buổi tối gần đây ở Mountain View, tổ chức phi lợi nhuận Reach Potential Movement cũng phân phát bánh mì, ngũ cốc, sữa và tã lót cho các gia đình gặp khó khăn về kinh tế trong khu chung cư nơi vợ chồng Gabriel và Cesario sinh sống.

Hilario Saldívar (43 tuổi), đầu bếp kiêm nhân viên rửa bát, bị cắt giảm thời gian làm việc còn 4 giờ/ngày, 4 ngày/tuần. Do đó, anh phải vật lộn để trả tiền thuê 2.600 USD/tháng cho căn hộ 2 phòng ngủ đang chia sẻ với anh trai và gia đình em gái.

Saldívar không nợ tiền thuê nhà, nhưng đang cố cầm cự bằng khoản tiết kiệm ít ỏi và giảm chi phí thực phẩm. “Chúng tôi đang ở trong trận chiến khó khăn và tuyệt vọng”, anh nói bằng tiếng Tây Ban Nha.

Hàng xóm của Saldívar - bà mẹ 3 con Rosa Arellano (47 tuổi) - mất công việc lao công tại trường học và văn phòng vào năm ngoái. Nhiều tháng nay, cô không thể trả khoản tiền thuê 1.300 USD cho căn hộ 1 phòng ngủ của mình.

Arellano gần đây đã ký hợp đồng mới với chủ nhà. Dù luật pháp California giúp cô không bị trục xuất khỏi nơi ở hiện tại, bà mẹ 3 con vẫn còn nợ 5.200 USD tiền thuê nhà hết tháng 2.

Sau 1 năm mất thu nhập, Arellano tự hỏi: “Chúng tôi sẽ lấy tiền ở đâu để trả nợ đây?”.


Nguồn: Báo t/h

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm