Lý do khối ngoại bán ròng gần 10.000 tỷ đồng
Tỷ giá biến động khiến nhà đầu tư nước ngoài cơ cấu lại dòng tiền, tạo áp lực bán ròng gần 9.900 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
Ba tháng đầu năm, khối ngoại chỉ mua ròng trong tháng 1, gần 178 tỷ đồng - mức thấp nhất 7 năm qua. Xu hướng bán trở lại trong tháng 2 và 3. Nhà đầu tư nước ngoài có 11 phiên liên tiếp bán ròng cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), khoảng 6.740 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm tới nay, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt 9.886 tỷ đồng. Mức này tương đương một nửa lượng bán ròng cổ phiếu của năm 2023.
Riêng từ đầu tháng 3 đến nay, giao dịch ròng âm gần 7.300 tỷ đồng. Đây là mức rút vốn cao nhất của nhà đầu tư ngoại trong hai năm qua, trừ đợt họ xả hàng mạnh hồi tháng 12/2023.
Tính riêng khớp lệnh, khối ngoại tập trung xả hàng ở các mã VNM, VHM, HPG, PVD, BID, MSN, DIG, SSI... Họ cũng rút vốn mạnh khỏi quỹ ETF DCVFMVN Diamond (FUEVFVND) của Dragon Capital.
Lý do khối ngoại xả hàng mạnh, theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán VPBankS, họ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu. Trong đó, diễn biến rút tiền ra khỏi thị trường Trung Quốc làm luân chuyển dòng tiền trong khu vực, toàn cầu thêm rõ nét. Dòng vốn có xu hướng giảm ở các thị trường tăng trưởng yếu, đồng tiền mất giá, và phân bổ vào những nơi hiệu quả hơn.
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường chịu ảnh hưởng của đợt tái cấu trúc dòng vốn này. Thị trường chứng khoán Thái Lan năm 2023 bị rút hơn 5,8 tỷ USD, chỉ số chứng khoán giảm gần 13% tính đến hiện tại. Còn tại Việt Nam, đà bán ròng xuất hiện rõ nét từ tháng 8/2023 và kéo dài đến nay.
"Năm nay áp lực bán ròng gia tăng khi diễn biến tỷ giá tại nhiều thị trường vẫn biến động và mất giá so với USD. Điều này dẫn tới áp lực rút vốn tăng trở lại", chuyên gia VPBankS nói với VnExpress.
Lực bán ròng tại Việt Nam một phần cũng đến từ diễn biến rút vốn trên kênh ETF. Trong đó, vốn từ Thái Lan tác động đến xu hướng này do ảnh hưởng của chính sách thuế với khoản đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ tháng 1. Ngoài ra, một phần khối ngoại rút vốn khỏi nước này nên nhà đầu tư Thái cần tái cân bằng nguồn lực.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Chứng khoán Thành Công (TCSC), cho rằng việc bán ròng có thể liên quan đến hành vi tái cân bằng danh mục của các quỹ đầu tư ngoại. Sau thời gian thị trường tăng điểm, họ chọn chốt lời ở các mã đã đạt kỳ vọng lợi nhuận. "Khảo sát của TCSC cho thấy những quỹ này bán ra nhưng không rút tiền về mà chờ cơ hội để tham gia thị trường thời gian tới", ông nói.
nguồn: Vnexpress