'Ma trận' ngành vận tải biển, ai đền bù thiệt hại cho vụ mắc kẹt siêu tàu Ever Given?

Mới đây phía giới chức Ai Cập đưa ra thông tin họ có thể sẽ tìm kiếm khoản bồi thường lên tới 1 tỷ USD cho công cuộc giải cứu con tàu mắc kẹt Ever Given. Mặc dù con tàu đã được tuyên bố giải cứu thành công vài ngày nay, nhưng sau đây, theo giới bảo hiểm, bế tắc thực sự sẽ tới khi có một cuộc điều tra về nguyên nhân mắc cạn, cộng với khả năng một vụ kiện tụng không nhỏ diễn ra giữa các bên để giải quyết thỏa đáng câu hỏi Ai sẽ phải đền bù? Ai sẽ nhận được đền bù? Và mức tiền đền bù thiệt hại sẽ là bao nhiêu?

Trước sự kiện kênh đào Suez, ngành vận tải biển gần như là một ẩn số với thế giới. Nhưng sau khi con tàu Ever Given bị mắc kẹt, nó đã vén màn một ngành công nghiệp khá phức tạp.

Ai sẽ đền bù thiệt hại cho vụ mắc kẹt siêu tàu Ever Given?

Ví dụ như con tàu Ever Given: Thuộc quyền sở hữu của một công ty Nhật Bản, lại do các nhà khai thác của Đức quản lý, đoàn thủy thủ có quốc tịch Ấn Độ, đăng ký giấy phép tại Panama, và cuối cùng là gặp nạn tại Ai Cập.

Chính những tầng tầng lớp lớp các bên liên quan này khiến cho việc trả lời câu hỏi "Đây là lỗi của ai? Ai sẽ phải bồi thường?" trở nên khó khăn hơn. Phía công ty Nhật Bản tuyên bố mọi việc chưa ngã ngũ ngay được. Họ vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ mắc kẹt, và cả chi phí bảo hiểm lẫn chi phí bồi thường. Một điều may mắn đối với hãng bảo hiểm của con tàu, đó là chiến dịch giải cứu đã diễn ra thành công khi các container hàng hóa không phải dỡ xuống, hay bị hư hại.

"Tôi cho rằng bảo hiểm sẽ chỉ phải chi ra khoảng vài trăm triệu USD, vì con tàu đã được giải cứu khá nhanh. Nếu mà phải dỡ hàng hóa xuống, hay hàng hóa trên tàu bị hư hỏng, thì số tiền bảo hiểm có thể lên tới con số 1 tỷ USD", ông Brain Schneider - Giám đốc cấp cao của lĩnh vực bảo hiểm tại Fitch Ratings nhận định.

Và công đầu trong việc giải cứu nhanh gọn và ít thiệt hại này được cho là thuộc về giới chức Ai Cập. Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết, họ sẽ đòi 1 khoản bồi thường xứng đáng.

Chưa có bất cứ bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm bồi thường cho vụ mắc kẹt.

"Ai sẽ đền bù thiệt hại đây? Kênh đào Suez của chúng tôi chịu thiệt hại nặng nhất. Chúng tôi không có lỗi gì cả. Ngược lại, còn bị tổn hại nặng nề. Trách nhiệm và tiền bồi thường do ai chi trả sẽ được làm rõ trong cuộc điều tra", ông Osma Rabie - Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez nói.

Theo ông Rabie, khoản tiền 1 tỷ USD dựa trên doanh thu mà kênh đào bị thất thoát do con tàu chắn ngang, tiền huy động máy móc thiết bị cứu trợ, và nhân lực của hơn 800 người tham gia giải cứu.

Trong các bên liên quan còn lại, Tập đoàn hàng hải Evergreen tuyên bố họ không chịu trách nhiệm cho bất cứ sự delay nào của con tàu khi di chuyển. Trong khi công ty quản lý của Đức- bên vận hành tàu, thì chỉ nói rằng họ chờ đợi kết quả từ cuộc điều tra. Phía Ai Cập nói nếu họ không đạt được thỏa thuận bồi thường trong vài ngày tới, có thể họ sẽ giữ con tàu lại ở phía bắc Kênh đào- nơi nó đang được kiểm tra và sửa chữa./.

Nguồn VOV

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm