Mỹ đưa hơn 60 công ty Trung Quốc vào 'danh sách đen'

Đến nay, danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ có hơn 275 công ty Trung Quốc và đơn vị trực thuộc. Nó được đánh giá là công cụ quen thuộc để Washington tạo áp lực lên một số ngành kinh tế then chốt của Trung Quốc.

Nổi bật trong số các công ty mới bị đưa vào danh sách hôm 18/12 là nhà sản xuất vi mạch (chip) hàng đầu của Trung Quốc - SMIC, và "gã khổng lồ" sản xuất thiết bị bay điều khiển từ xa DJI, theo South China Morning Post.

“Chúng tôi sẽ không cho phép công nghệ cao của Mỹ được dùng để củng cố lực lượng cho một nước ngày càng thể hiện sự thù địch”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết trong một thông cáo.

SMIC, nhà cung cấp của Qualcomm và Broadcom, phủ nhận có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: AP.

Như vậy, hai công ty là trọng tâm trong tham vọng đưa ngành công nghiệp viễn thông Trung Quốc vươn tầm thế giới - Huawei và SMIC - đều bị chính phủ Mỹ "trói chân" bằng danh sách đen này.

SMIC, nhà sản xuất chip quốc doanh có trụ sở ở Thượng Hải, sẽ bị giới hạn khả năng mua linh kiện cần thiết từ các nhà cung cấp Mỹ để tạo ra chip công nghệ cao.

Động thái của Bộ Thương mại Mỹ là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump nhằm theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc.

Dù luôn tuyên bố cứng rắn, khâu thực thi chính sách đang bị đặt dấu hỏi.

Ngày 17/12, Thượng nghị sĩ Marco Rubio gửi thư cho Bộ Thương mại Mỹ để chất vấn. Ông muốn biết vì sao một số công ty Mỹ được cấp giấy phép để tiếp tục bán sản phẩm bán dẫn cho Huawei, theo South China Morning Post.

“Như vậy là giả vờ cứng rắn với Trung Quốc ở những chỗ mà không gây tổn thất gì”, Derek Scissors, nhà nghiên cứu của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói với South China Morning Post.

“'Danh sách đen' của chính quyền Trump không có mấy tác động khi giấy phép xuất khẩu vẫn được cấp”, ông nói.

SMIC cũng nằm trong số các công ty bị thêm vào một danh sách khác của Bộ Quốc phòng Mỹ đầu tháng này. Đó là danh sách cấm nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Theo đó, các nhà đầu tư Mỹ sẽ phải bán cổ phần trong SMIC vào cuối năm sau, qua đó ngăn SMIC tiếp cận nguồn vốn Mỹ.


Nguồn: Báo đầu tư 

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm