Nga toán tính gì khi dự định mua lại nhà máy đóng tàu lớn nhất Ấn Độ?

Tập đoàn đóng tàu thống nhất của Nga (USC) dự định mua lại nhà máy đóng tàu tư nhân lớn của Ấn Độ mang tên Reliance Naval and Engineering Ltd (RNEL hoặc RNAVAL) đặt tại Pipavava (bang Gujarat).

Theo truyền thông Ấn Độ, USC là ứng cử viên nặng ký duy nhất trong cuộc cạnh tranh mua lại nhà máy đóng tàu nói trên, khi họ có tiềm lực tài chính và thể hiện mối quan tâm thực sự.

Theo dữ liệu được công bố, xưởng đóng tàu RNEL lâm vào tình trạng thua lỗ nặng nề trong một thời gian dài, cơ sở này đã bị đưa ra rao bán vào cuối tháng 5/2020.

Cuộc đấu giá ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 27/6, nhưng không diễn ra do "sự quan tâm thấp của những người tham gia thị trường", mốc thời gian mới được xác định là ngày 27/7.

Hiện tại có tổng cộng 5 ứng viên đã nộp đơn xin tham gia cuộc đấu giá, bao gồm USC của Nga, 3 công ty nhỏ của Ấn Độ và một công ty vận tải container của Đan Mạch.

Đáng chú ý là công ty vận tải nằm ngay bên cạnh nhà máy đóng tàu, họ không che giấu sự thật rằng việc mua lại nhà máy RNEL chỉ đơn giản nhằm mục đích mở rộng cầu cảng.

Theo dữ liệu được công bố vào năm 2019, khoản nợ của nhà máy đóng tàu RNEL lên tới xấp xỉ 1,6 tỷ USD, đây sẽ là gánh nặng cho đơn vị nào tiếp quản cơ sở nói trên.

Bản thân USC không bác bỏ sự quan tâm đến nhà máy đóng tàu Ấn Độ mà công ty có mối quan hệ lâu dài. Vào những năm 2000, Ấn Độ đã hợp tác với Cục thiết kế phương Bắc OJSC của Nga trong việc phát triển tàu tuần tra.

Tới tháng 12/2010, PDOE đã ký một thỏa thuận hợp tác với Rosoboronexport để cùng nhau thúc đẩy việc bán tàu chiến Nga đến thị trường Ấn Độ cũng như nước thứ ba, bên cạnh đó hai bên còn có thêm một số dự án chung.

Đến nay, xưởng đóng tàu RNEL là doanh nghiệp chế tạo tàu biển lớn nhất Ấn Độ, với một bến tàu khô khổng lồ dài 662 m và rộng 65 m, có khả năng chứa tàu với mọi kích cỡ.

Bến tàu được trang bị hai cần cẩu kích thước khổng lồ với sức nâng 1.200 tấn. Ngoài ra còn có một công trường để xây dựng các nền tảng sản xuất dầu khí ngoài khơi với kích thước 750 x 265 m, bến mở rộng 300 m và bờ kè với chiều dài 720 m.

Giới truyền thông cho rằng công suất nhà máy đóng tàu có thể xử lý tới 12 nghìn tấn thép mỗi ngày, không thua kém bất cứ cơ sở sản xuất hàng đầu nào trên thế giới.

Nếu nắm giữ cơ sở đóng tàu nói trên, ngoài việc tập đoàn USC có thể thúc đẩy việc bán tàu chiến tới Ấn Độ thì còn rất hữu ích trong việc phục vụ chính hải quân Nga.

Hiện tại công việc đại tu, nâng cấp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga đang diễn ra rất chậm chạp sau sự cố chìm ụ nổi PD-50, sẽ thuận lợi hơn cho Moskva nếu họ có thể dùng thiết bị này của Ấn Độ.

Nguồn: Báo ANTĐ

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm