Ngân hàng Nhà nước lo rủi ro tín dụng bất động sản, BOT

Pháp luật với condotel, officetel chưa rõ ràng là một trong những lý do của đầu cơ, khiến thị trường bất động sản tiềm ẩn rủi ro.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện các nghị quyết sau chất vấn, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cho vay bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro với ngân hàng. Nguyên nhân là quy định pháp luật với thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, nhất là các quy định với những loại hình bất động sản mới (codotel, căn hộ văn phòng officetel...). Ngoài ra, đầu tư kinh doanh bất động sản là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường.

Không riêng bất động sản, các khoản cho vay với dự án BOT, BT giao thông cũng được Ngân hàng Nhà nước "điểm danh" trong danh sách có nguy cơ rủi ro cho nhà băng. Đa phần các dự án BOT, BT giao thông có tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay dài trong khi năng lực tài chính chủ đầu tư hạn chế và tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí... Những điểm yếu này khiến nguy cơ các khoản vay của các nhà đầu tư BOT, BT giao thông "chuyển sang nhóm nợ xấu rất lớn".

Cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh) được đầu tư theo hình thức BOT. Ảnh: Minh Cương

Rủi ro nữa được Ngân hàng Nhà nước nêu là tín dụng với lĩnh vực chứng khoán khi thị trường chứng khoán Việt Nam còn hạn chế so với các thị trường phát triển, chuẩn mực kế toán và minh bạch thông tin còn khoảng cách so với quốc tế. Chưa kể, khung pháp lý về hoạt động của thị trường này chưa hoàn thiện, tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư cũng như an toàn vốn tín dụng.

Báo cáo lần này cơ quan quản lý tiền tệ cũng nhận diện những hệ luỵ của loại hình tín dụng đen. "Hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội và hoạt động ngân hàng", Ngân hàng Nhà nước nhận xét.

Theo cơ quan này, đối tượng vay tín dụng đen chủ yếu để đáp ứng các nhu cầu bất hợp pháp (cá độ, lô đề, cờ bạc,...) nhưng dùng nhiều biện pháp để khống chế người vay (chỉ ghi nhận nợ là tổng số nợ, hoặc ghi nhận tiền chạy việc,...). Trong khi đó, các quy định pháp luật hiện còn bất cập, các cơ quan tư pháp khó quy kết hành vi cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Quốc hội chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thống nhất thực thi các quy định pháp luật trong đấu tranh tội phạm liên quan tín dụng đen.

Nguồn Vnexpress

Tạp chí Kinh tế toàn cầu - Trang tin điện tử tổng hợp Kinh tế, Kinh doanh, Tiền tệ, tài chính, văn hóa xã hội

Website đang trong quá trình chạy thử nghiệm